Ảnh hưởng của đại dịch Covid – 19 và gợi ý giải pháp cho phát triển nông nghiệp Việt Nam đạt "mục tiêu kép"

25/05/2021 10:50 (GMT+7)
(KD&BM) - Trong khi các nước công nghiệp phát triển với một xã hội tự do và bác ái đạt đến đẳng cấp đáng mơ ước đối với phần còn lại của thế giới, đã là những mục tiêu đầu tiên bị Covid 19 tấn công; thì cũng chinh họ, bằng nội lực tài chính và đặc biệt là sức mạnh khoa học kỹ thuật tiên tiến nhất đã sản xuất ra những loại vaxin ưu tú nhất hiện nay như Pfizer hay Moderma, v.v.v… thi Covid 19 sẽ tác động thế nào đến các quốc gia nghèo, đặc biệt những nước dựa vào một nền nông nghiệp truyền thống và dễ bị tổn thương, trong đó có Việt Nam?

Covid 19 và tác động toàn diện trên qui mô toàn cầu và sự ứng phó khác nhau giữa các nước, đặc biệt các nước nghèo

Đã gần 2 năm nay, thế giới đang đối mặt với đại dịch covid và hiện chưa có hồi kết. Những dự báo đầu tiên mang tính khả quan về sự kết thúc dịch khi mùa hè nóng lên hoặc virus tự kết thúc vòng đời như các nạn dịch cúm thông thường đã không còn đúng nữa. Các biến chủng corona-19 mới so với ban đầu ngày càng xuất hiện không chỉ nhiều hơn mà còn trở  nên nguy hiểm hơn về mức độ lây lan và độ nguy hiểm. Cho đến ngày 18/5/2021-là ngày khoa học công nghệ Việt Nam, thế giới đã có trên 164 triệu người bị nhiễm bệnh, 3,4 triệu người tử vong (143 triệu người bình phục). Việt nam đã có 4359 người bị nhiễm bệnh, 37 người tử vong và 2.668 người bình phục. 

Ngày 13/10/2020, một tuyên bố chung của Tổ chức lao động Thế giới (ILO), Cơ quan nông lương liên hiệp quốc (FAO), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Quĩ  phát triển nông nghiệp  quốc tế (IFAD) đã nhấn mạnh : Đại dịch COVID-19 đã dẫn đến tổn thất đáng kể về tính mạng con người trên toàn thế giới và đưa ra một thách thức chưa từng có đối với sức khỏe cộng đồng, hệ thống thực phẩm và thế giới việc làm. Sự gián đoạn kinh tế và xã hội do đại dịch gây ra đang làm hàng chục triệu người có nguy cơ rơi vào tình trạng nghèo cùng cực, suy dinh dưỡng. Ước tính có gần 690 triệu người vào tháng 10/2020 đã, có thể tăng lên trên 1 tỷ người vào cuối năm nay nằm trong con số này.

Cuộc sống của nhân loại đã và đang thay đổi theo cách không thể lường trước, kéo theo sự thay đổi của mọi nền sản xuất, trong đó có nông nghiệp

Sau gần 2 năm, các phòng thí nghiệm của thế giới đã nghiên cứu và sản xuất được hàng loạt vaccine chống convid. Hiện tại, khoảng 14 nước đã thành công trong việc điều chế vaccine ở các qui mô khác nhau. Một số nước đã tiêm vaccine cho dân chúng ở qui mô rộng và đang cố gắng thiết lập một trạng thái bình thường mới. Thí dụ: Mỹ có khoảng 70% dân số từ 14 tuổi trở lên đã được tiêm đầu tiên. Ở Anh, nơi cùng với Ý và Pháp bị coi là chiến trường thế giới cho làn sóng Covid lần thứ nhất đang chứng kiến những thành quả đầu tiên. Pháp đang có chính sách trở lại bình thường từng bước từ 19/5/2021. Liên Âu và nhiều nước đang cam kết sẽ cố gắng từng bước trở lại bình thường với việc cho phép công dân một số nước nhất định mang hộ chiếu vaxin được nhập cảnh mà không cần phải cách ly..

Lý giải về thành công này, không thể không công nhận thế năng của những nước giàu và có nền nông nghiệp phát triển cao, thứ hai là thiên hướng tự nhiên của con người trước đại dịch: người dân và chính phủ cùng hợp tác, coi “chống dịch như chống giặc” như tại Việt Nam.. Cũng từ đây, một câu hỏi lớn đang đặt ra cho thế giới là: Trong khi các nước công nghiệp phát triển với một xã hội tự do và bác ái đạt đến đẳng cấp đáng mơ ước đối với phần còn lại của thế giới, đã là những mục tiêu đầu tiên bị Covid 19 tấn công; thì cũng chinh họ, bằng nội lực tài chính và đặc biệt là sức mạnh khoa học kỹ thuật tiên tiến nhất đã sản xuất ra những loại vaxin ưu tú nhất hiện nay như Pfizer hay Moderma, v.v.v… thi Covid 19 sẽ tác động thế nào đến các quốc gia nghèo, đặc biệt những nước dựa vào một nền nông nghiệp truyền thống và dễ bị tổn thương, trong đó có Việt Nam?

Ngay từ trước và kể từ khi đại dịch Covid được chính thức công bố trên toàn thế giới cho đến nay, Việt Nam đang là một điển hình trên thế giới về phòng chống dịch Covid-19. Thực hiện vừa chống dịch, vừa bảo đảm phát triển kinh tế, an sinh xã hội, tức thực hiện mục tiêu kép- là một phát kiến và sáng tạo của lãnh đạo Việt Nam trong thời đại dịch Covid-19.

Cụ thể, chiến lược 5 K bao gồm phát hiện nhanh, truy vết, khoanh vùng và dập dịch ngay đã được tuân thủ trên cả nước. Hiện nay, sự sáng tạo mới là 5 K + vaccine,  theo đó các quy trình thực hiện mạnh mẽ, từ chủ động tích cực xét nghiệm,  đẩy mạnh ứng dụng công nghệ bắt buộc theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông vào phòng, đến quy trình mới chống dịch, thực hiện “chiến lược vaccine”. Thủ tướng mới của Việt Nam đã nhấn mạnh  trong một cuộc họp mới đây: "Bây giờ chúng ta phải thực hiện chiến lược vaccine, phải tăng cường tiếp cận các nguồn vaccine một cách có hiệu quả và mua vaccine theo đúng chương trình, kế hoạch mà Ban chỉ đạo đã đề ra. Thứ hai, phải mua công nghệ, nếu có. Thứ ba, phải nghiên cứu để sản xuất vaccine. Thứ tư, tổ chức tiêm vaccine nghiêm túc, hiệu quả, ưu tiên cho các đối tượng tuyến đầu."

Hệ thống kinh tế nông nghiệp toàn cầu-sợi dây kết nối và động cơ đốt trong của mọi nền kinh tế đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng do đại dịch Covid 19

Khi dịch Covid-19 mới xuất hiện, các nước ứng phó với covid-19 có khác nhau. Một số nước coi là bình thường và tính đến phương án miễn dịch cộng đồng, tức là để tự nhiên khi số lây nhiễm vượt qua một tỷ lệ dân cư nào đó thì cộng đồng tự miễn dịch như các loại hình cúm thông thường? Anh, Mỹ và một số nước Bắc Âu như Thụy Điển  đã chọn hình thức này và kết quả là những nước chọn phương án này đã thất bại, có thể gọi là hơn cả thất bại khi số người chết tai các nước đó không chỉ nhiều về số lượng mà các chỉ số chết/đầu người hay cộng đồng đều cao. Song song với chính sách khẩn cấp ưu tiên việc nghiên cứu tìm ra phương pháp chẩn đoán nhanh, chính xác và sản xuất vaccine hiệu quả, nhiều nước đã dùng các biện pháp giản cách xã hội ở các qui mô khác nhau và bắt buộc đeo khẩu trang.

Hàng triệu doanh nghiệp phải đối mặt với một mối đe dọa hiện hữu. Gần một nửa trong số 3,3 tỷ lực lượng lao động toàn cầu trên thế giới có nguy cơ mất sinh kế. Người lao động trong khu vực kinh tế phi chính thức đặc biệt dễ bị tổn thương; lý do vì phần lớn thiếu bảo trợ xã hội và tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cũng như mất quyền truy cập vào các tài sản sản xuất. Không có phương tiện để kiếm thu nhập trong thời gian phong tỏa, nhiều người không thể nuôi sống bản thân và gia đình. Đối với hầu hết: không có thu nhập có nghĩa là không đủ thực phẩm, chứ đừng nói đến thực phẩm tốt nhất; thông thường đối diện với tình trạng thực phẩm không đủ và thực phẩm ít bổ dưỡng hơn

Thế giới đang ở trong trạng thái phát triển với các liên kết mở, nay đại dịch Coovid đã ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống thực phẩm và đã chỉ ra sự mong manh của  những liên kết này. Đóng cửa biên giới, hạn chế thương mại và các biện pháp hạn chế lưu thông trước hết ngăn chặn sự lây lan của virut  đã ngăn cản nông dân tiếp cận thị trường, bao gồm việc mua tại đầu vào và việc bán sản phẩm tại đầu ra. Công nhân nông nghiệp thu hoạch cây trồng bị cắt giảm lương và ngày công. Các chuỗi cung ứng thực phẩm trong nước và quốc tế bị gián đoạn hoặc bị phá vỡ làm giảm khả năng tiếp cận chế độ ăn uống lành mạnh, an toàn và đa dạng của người tiêu dùng.

Thực tế thật nghiệt ngã, khi những người trụ cột lao động mất việc làm, ngã bệnh giảm sức lao động và có thể là mất hẳn nếu bị chết,  thì an ninh lương thực và dinh dưỡng của hàng triệu phụ nữ, trẻ em, người già và cả nam giới đang bị đe dọa. Đặc biệt, với những nước nghèo hay đang phát triển, điển hình là các vùng thu nhập thấp, khu vực dân nghèo thành thị, hay người  dân vùng sâu vùng xa, những người nông dân với nền sản xuất quy mô nhỏ là những người đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Tuy Covid 19 xuất hiện đầu tiên ở Trung Quốc nhưng  Mỹ, Ấn Độ, Brasil, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Anh, Ý, Tây Ban Nha, Đức mới là những nước  có số người bị nhiễm bệnh và tử vong nhiều nhất.

Rõ ràng là Covid 19 không loại trừ một ai, không loại trừ nước giàu, không loại trừ G7, cũng chẳng phân biệt Nam hay Bắc Bán cầu, v.v. những tính toán duy ý chí và chủ quan có thể dẫn đến thảm họa cho môt quốc gia, điển hình là trường hợp của Ấn Độ, mới cuối năm 2020 còn thuyết trình trước Đại hội Đồng Liên Hợp Quốc về thành tích chống dịch cùng những kế hoạch táo bạo sản xuất vaxin để “cứu toàn thế giới” thì nay trở thành một trung tâm của sự tàn phá khốc liệt nhất bởi Covid 19, đặc biêt là những vừng nghèo của nông thôn Ấn.

Nông nghiệp và Nông dân Việt Nam áp dụng giải pháp nào để vượt qua đại dịch covid 19

Như đã đề cập, Việt Nam đang phấn đấu thực hiện mục tiêu kép một cách tốt nhất. Phải chống dịch để làm kinh tế và phát triển an sinh xã hội và phải có kinh tế, khoa học công nghệ mới chống được dịch.  Chúng ta mong muốn sớm trở lại trạng thái bình thường mới. Trong khi triển khai đồng thời 5K+vacine và chờ đợi đạt được miễn dịch cộng đồng, các phương thức tổ chức sản xuất và tiêu thụ nông sản chắc chắn phải thay đổi.

Các hình thức hỗ trợ khác nhau là chìa khóa, bao gồm chuyển tiền mặt, trợ cấp trẻ em và bữa ăn lành mạnh ở trường, các sáng kiến cứu trợ lương thực và nơi trú ẩn, hỗ trợ duy trì và phục hồi việc làm, và cứu trợ tài chính cho các doanh nghiệp, bao gồm các doanh nghiệp siêu nhỏ, vừa và nhỏ. Trong việc thiết kế và thực hiện các biện pháp như vậy, điều cần thiết là các cấp quản lý thay mặt chính phủ phải hợp tác chặt chẽ với người sử dụng lao động và người lao động.

Ngành nông nghiệp và người tiêu dùng Việt Nam thường được nghe câu chuyện “được mùa mất giá”, do vỡ qui hoạch sản xuất, phải giải cứu nông sản khi được mùa, bây giờ lại chứng kiến tình cảnh giải cứu nông sản khi dịch bệnh đến. Chưa kể ngoài covid-19, trong 2 năm vừa qua ngành nông nghiệp còn phải chịu đựng nặng nề của dịch bệnh và thiên tai: Lũ lụt miền trung, hạn hạn ở Tây nguyên và Nam trung bộ, dịch tả lợn châu Phi… rồi thoái hóa đất nông nghiệp… suy thoái các vùng đất trồng cà phê, trồng cam, trồng cây ăn quả tất cả như một vòng xoáy khổng lồ tàn phá lên sản xuất nông nghiệp nói chung. Hậu quả trực tiếp là sinh kế của người nông dân, chất lượng sức khỏe cộng đồng đang bị đe dọa một cách trực tiếp và trên bình diện vùng, ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế xã hội của đất nước,  cũng như đến việc đảm bảo an ninh quốc phòng.

Kinh nghiệm của chúng ta, của Liên Hiệp Quốc và một số mô hình tiến bộ và của thế giới cho thấy các bước sau có thể gợi ý triển khai.

Cần sớm có tiêu chí và kịch bản hỗ trợ nhanh nhất đối với những vùng khó khăn nhất, nguy cơ nhất. Sau đó phải có phương án tổ chức thực hiện hiệu quả. Kinh nghiệm 4 tại chỗ trong phòng chống thiên tai có thể áp dụng và đúc rút kinh nghiệm ngay trong lúc này.

Việc sản xuất nông sản thực phẩm đối với vùng thương mại (sản xuất chủ yếu để bán, không phải tự cung tự cấp) dứt khoát phải thực hiện theo chuổi. Tức là phải tính toán quản lý đầy đủ từ khâu sản xuất (làm đất, gieo trồng, chăm sóc) đến khâu thu hoạch, sau thu hoạch, chế biến và thị trường.

Cần phải làm rõ vai trò của các tác nhân trong mỗi giai đoạn. Tiếp theo là phải đánh giá được cơ hội thị trường ở mỗi công đoạn trong chuỗi, xác định đươc rủi ro và đề ra các biện pháp khắc phục. Các đối tác sẽ bao gồm người sản xuất, doanh nghiệp thu hoạch và thu mua nông sản.

Kinh nghiệm đã chỉ ra rằng: muốn đạt được thắng lợi chung, các nhà đầu tư (ngân hàng, nhà sản xuất phân bón, giống, nhà máy, xí nghiệp..) phải đồng thời vào cuộc cùng nông dân từ khâu làm đất đến khâu thu hoạch và sau thu hoạch. Tuyệt đối không để nông dân đứng một mình, làm đơn độc.

Các cấp quản lý nhà nước (bộ, tỉnh, huyện) cần xây dựng phương án, kịch bản đầu tư, qui hoạch và phát triển nông nghiệp, xây dựng người nông dân mới trong tương lai để thực hiện một cuộc cách mạng mới về nông nghiệp: Nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu (dịch bệnh, thiên tai, các rủi ro thị trường và xã hội) trên cơ sở thành tựu của cuộc cách mạng 4.0, chuyển đổi số và chương trình xây dựng Nông thôn mới.

Mới đây, ngày 19/5/2021, Thủ tướng chính phủ đã làm việc với Bộ Nông nghiệp và PTNT, ông nhấn mạnh “Nông dân phải là trung tâm, nông thôn là nền tảng, nông nghiệp là động lực”,  “nghĩ phải thật, nói phải thật, hiệu quả thật và người nông dân phải được hưởng thụ thật’.  Nhà nước không làm thay nông dân. Trong các trụ cột chính quyền, người dân và công nghệ thì yếu tố con người là quyết định tất cả. Người dân nông thôn là chủ thể, là trung tâm, là nguồn lực tại chỗ và bên trong, là chiến lược, lâu dài và quyết định. Cái gì địa phương làm tốt hơn thì phải giao cho địa phương, cái gì dân làm tốt hơn thì phải giao cho dân. Đó chính là giải phóng nội lực, để tạo sức bật và có một sức mạnh lớn hơn, bền vững hơn, chắc chắn hơn. /.

PGS. TS. Phạm Quang Hà

Kích thước font In ấn

Bình luận chia sẻ

Tin tức, sự kiện
amity.com.vn
Hi fpt
https://tanadaithanh.vn/
winvoucher.winmart.vn
http://gfs.com.vn
http://www.vafood.com.vn/
Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam
Cơ quan chủ quản: Hiệp hội Thương nhân kinh doanh biên mậu Việt Nam
Số giấy phép: số 450/GP-BTTTT, cấp ngày 8/10/2020, cấp bởi Bộ Thông tin và Truyền thông
 139 đường Nghi Tàm, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.


Tổng biên tập: Ông Phạm Bá Dục
Tổng thư ký: Ông Phạm Hoàng Vũ
Email: kinhdoanhvabienmau@gmail.com
Mọi thông tin bạn đọc vui lòng liên hệ đường dây nóng: 0865191826
® Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam, mọi sao chép phải được sự đồng ý bằng văn bản của Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam.