Một loại vaccine thử nghiệm dựa trên công nghệ mRNA, công nghệ làm nền tảng cho một số vaccine COVID-19, có khả năng bảo vệ chuột và chồn sương chống lại bệnh cúm nặng, mở đường cho các thử nghiệm lâm sàng ở người.
Giáo sư John Oxford, nhà virus học tại Đại học Queen Mary ở London, người không tham gia vào thử nghiệm mới, cho biết vắc-xin được phát triển tại Đại học Pennsylvania có thể sẵn sàng để sử dụng trên người vào mùa đông năm 2024.
Các nhà nghiên cứu đã cố gắng tìm ra vaccine chống mọi loại cúm, hay vaccine cúm phổ quát, trong hơn một thập kỷ qua. Thử nghiệm lần này là bước đột phá mới nhất, được công bố trên tạp chí Science, giúp các nhà khoa học tiến gần tới một loại vaccine có thể giúp phòng ngừa các đại dịch cúm với khả năng tàn phá nặng nề.
Vaccine cúm theo mùa, bảo vệ chống lại tối đa bốn chủng virus cúm, được cập nhật hàng năm để đảm bảo tương thích với chủng virus cúm đang lưu hành. Trong khi đó vaccine mới được thiết kế để bảo vệ chống lại tất cả 20 chủng cúm A và B. Vaccine này sẽ giúp cơ thể đối phó với bất kỳ loại virus cúm nào phát sinh.
Lần gần đây nhất loài người trải qua đại dịch cúm là vào năm 2009 khi một loại virus cúm lây từ lợn sang người lan rộng khắp thế giới. Mặc dù đợt bùng phát đó ít gây chết người hơn nhiều so với lo ngại của các quan chức y tế, nhưng các đại dịch cúm nhìn chung là nguy hiểm. Năm 1918, một chủng cúm bùng phát diện rộng đã giết chết hàng chục triệu người.
Tiến sĩ Scott Hensley, thành viên nhóm thực hiện nghiên cứu mới, cho biết nếu có thể cung cấp khả năng miễn dịch chống lại tất cả các chủng, sẽ hạn chế được nhiều ca mắc và tử vong khi đại dịch cúm tiếp theo xảy ra. Các thử nghiệm trên chuột và chồn cho thấy vaccine cúm mRNA mới tạo ra lượng kháng thể cao ổn định trong vài tháng.
Mặc dù kết quả từ các thử nghiệm trên động vật rất hứa hẹn, nhưng các thử nghiệm lâm sàng là cần thiết để xem liệu vaccine có bảo vệ trên người, mà không gây ra tác dụng phụ, hay không.
Tiến sĩ Andrew Freedman, nhà nghiên cứu bệnh truyền nhiễm tại Đại học Cardiff cho biết: “Cho đến nay, loại vaccine này mới chỉ được thử nghiệm trên động vật và cần phải điều tra tính an toàn và hiệu quả của nó ở người. Tuy nhiên đây có vẻ là một cách tiếp cận rất hứa hẹn đối với mục tiêu sản xuất vaccine cúm phổ quát, cũng như vaccine bảo vệ chống lại chủng cúm trong một họ".
Adolfo García-Sastre, giám đốc Viện Sức khỏe Toàn cầu và Các tác nhân gây bệnh mới nổi tại Bệnh viện Mount Sinai ở New York, cho biết các vaccine cúm hiện có không bảo vệ chống lại virus cúm có khả năng gây đại dịch. “Vaccine mới, nếu hoạt động tốt ở người, sẽ đạt được mục tiêu này”.
Ông nói thêm: “Các nghiên cứu là tiền lâm sàng, trong các mô hình thử nghiệm. Kết quả rất hứa hẹn và mặc dù chúng cho thấy khả năng bảo vệ chống lại nhiều chủng, nhưng không có gì là chắc chắn cho đến khi thực hiện xong các thử nghiệm lâm sàng ở người".
Khánh Nam