Tình hình hoạt động buôn lậu thuốc lá qua biên giới của tỉnh từ đầu năm 2017 đến nay được kiểm soát và giảm mạnh (từ 40% đến 50%) so với năm 2016. Các lực lượng chức năng bắt giữ, triệt phá nhiều tụ điểm giao nhận, tập kết thuốc lá ngoại số lượng lớn, xử lý hành chính nhiều đối tượng vận chuyển, buôn bán, tàng trữ thuốc lá điếu nhập lậu trong thị trường nội địa.
Long An có đường biên giới giáp Campuchia dài khoảng 133 km, gồm 05 huyện và 01 thị xã biên giới. Quan hệ thương mại giữa tỉnh Long An với tỉnh Svayrieng (Campuchia) thông qua cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp thuộc thị xã Kiến Tường, cửa khẩu quốc gia Mỹ Quý Tây thuộc huyện Đức Huệ và 03 cửa khẩu phụ. Khu vực biên giới của tỉnh tiếp giáp Campuchia có địa hình bằng phẳng và hệ thống kênh rạch chằng chịt, nhiều đường mòn, lối mở. Khoảng cách từ biên giới Campuchia qua địa bàn Long An đến TP.Hồ Chí Minh điểm gần nhất chỉ khoảng 40 km.
Hoạt động buôn lậu thuốc lá tập trung chủ yếu trên tuyến biên giới huyện Đức Huệ và địa bàn trung chuyển huyện Đức Hoà. Các địa bàn biên giới của huyện Thạnh Hoá, Mộc Hoá, Vĩnh Hưng, Tân Hưng, thị xã Kiến Tường, hoạt động buôn lậu thường nhỏ lẻ, không phức tạp so với địa bàn biên giới huyện Đức Huệ. Các đối tượng buôn lậu thường sử dụng xe ô tô loại 4 chổ, 7 chổ hoặc xe tải để vận chuyển thuốc lá. Các đối tượng này thường hoạt động vào ban đêm, chạy với tốc độ cao gây nguy hiểm cho lực lượng truy đuổi và người dân khi tham gia giao thông.
Trước tình hình này, BCĐ 389 tỉnh Long An đã xác định công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá là nhiệm vụ chính trị quan trọng của cơ quan, đơn vị, địa phương, phải thực hiện thường xuyên, liên tục. Theo đó, lãnh đạo BCĐ 389 tỉnh đã chỉ đạo lực lượng chức năng của tỉnh tăng cường kiểm tra, kiểm soát, chốt chặn, mở nhiều đợt cao điểm đấu tranh, ngăn chặn, nhất là các địa bàn trọng điểm, các địa bàn là điểm nóng về buôn lậu (Đức Hòa, Đức Huệ). Cụ thể, Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng Phòng Cảnh sát kinh tế phối hợp Công an hai huyện Đức Huệ, Đức Hoà thành lập 8 tổ chống buôn lậu trên địa bàn hai huyện này. Các tổ chống buôn lậu hoạt động 24/24 giờ, đã bắt giữ, triệt phá nhiều tụ điểm giao nhận, tập kết thuốc lá ngoại trên tuyến biên giới và trong thị trường nội địa tại các huyện trọng điểm như: Đức Huệ, Đức Hoà. Chỉ đạo và phối hợp các Đoàn thể địa phương quản lý, giám sát, tuyên truyền, vận động các đối tượng buôn lậu, vận chuyển thuê…
Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã làm tốt vai trò điều phối, chỉ đạo phối hợp lực lượng, phân công trách nhiệm đối với từng lực lượng trên tuyến, địa bàn, cụ thể: lực lượng Bộ đội Biên phòng chịu trách nhiệm ngăn chặn, kiểm soát các đối tượng buôn lậu ngay từ biên giới; Lực lượng Công an chịu trách nhiệm kiểm tra, bắt giữ, xử lý các đối tượng, các đường dây vận chuyển, giao nhận, tàng trữ thuốc lá điếu nhập lậu từ biên giới vào thị trường nội địa; Lực lượng Quản lý thị trường chịu trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh thuốc lá điếu trong thị trường nội địa; Nâng cao trách nhiệm Người đứng đầu cơ quan, đơn vị để hoạt động buôn lậu, vận chuyển, kinh doanh thuốc lá điếu nhập lậu diễn biến phức tạp thì phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch, Trưởng BCĐ 389 tỉnh.
Các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, Đoàn thể, chính quyền địa phương trong việc tạo công ăn việc làm có thu nhập ổn định cho cư dân biên giới; hỗ trợ góp vốn xoay vòng cho đoàn viên, hội viên làm kinh tế; tuyên truyền, vận động, giáo dục, thuyết phục, cảm hoá các đối tượng buôn lậu, vận chuyển thuê, tiếp tay cho buôn lậu...Từ đó, đã tạo nên sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống buôn lậu trên địa bàn tỉnh thời gian qua.
Từ đầu năm đến hết tháng 8/2017, các lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý 1.572 vụ buôn lậu, kinh doanh, vận chuyển hàng cấm, nhập lậu (giảm 14 vụ so với cùng kỳ 2016). Xử lý tịch thu 2.153.692 gói thuốc lá (tăng 526.457 gói so với cùng kỳ); 2.292 thùng nước giải khát, 35.150 kg đường cát; 4.554 kg gỗ. Tạm giữ 97 xe ô tô, 866 xe mô tô, 62 xuồng máy là phương tiện vận chuyển.
Tuy nhiên, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại trên các địa bàn vẫn diễn biến khá phức tạp. Công tác phòng chống, tuyên truyền và quản lý giáo dục các đối tượng buôn lậu… chưa thực hiện thường xuyên. Việc tổ chức thực hiện quy chế phối hợp về phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt là đối với cấp xã. Công tác điều tra xử lý, quản lý các đối tượng cần có cơ chế rõ ràng. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí, trang thiết bị bảo đảm thực hiện tốt công tác chống buôn lậu vẫn còn nhiều hạn chế. Lực lượng mỏng so với diễn biến phức tạp của các đối tượng buôn lậu trước tình hình hiện nay.
Dự báo tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên điạ bàn tỉnh tuy đã có kiểm soát nhưng còn diễn biến phức tạp. Do đó, trong những tháng cuối năm, các thành viên BCĐ 389 tỉnh Long An tiếp tục tăng cường phối hợp trong kiểm tra, đấu tranh, ngăn chặn hoạt động kinh doanh, vận chuyển hàng hóa trái phép, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh, ATTP… Đặc biệt, một số địa phương có đường biên giới và địa phương có nhiều luồng tuyến buôn lậu hoạt động mạnh ở địa bàn Đức Hòa, Đức Huệ cần phải tập trung chỉ đạo quyết liệt trong đấu tranh ngăn chặn chống buôn lậu, vận chuyển thuốc lá nhập trái phép.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Công tác tuyên truyền phòng, chống buôn lậu với các hình thức phong phú, phù hợp với tình hình thực tế của từng địa bàn trọng điểm buôn lậu để từng bước nâng cao nhận thức quần chúng nhân dân không tham gia vận chuyển hàng lậu cho các đầu nậu; không bao che, tiếp tay cho đối tượng buôn lậu. Công tác này cần được thực hiện thường xuyên kết hợp đồng bộ với công tác chăm lo đời sống an sinh xã hội cho người dân.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc theo chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của tỉnh tổ chức kiểm tra theo lĩnh vực chuyên ngành trên địa bàn quản lý, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trực thuộc nhằm nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát. Đồng thời, thong qua thực thi nhiệm vụ, các lực lượng chức năng tổng hợp những khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị của các sở ngành, địa phương về cơ chế, chính sách, hệ thống văn bản pháp luật có liên quan đến hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả báo cáo UBND tỉnh xem xét giải quyết hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong tình hình mới.
Theo BCĐ389