Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông chưa thể vận hành vào tháng 4

20/03/2019 14:55 (GMT+7)
Chiều 19/3, tại Hội nghị thông tin báo chí do Thành ủy Hà Nội tổ chức, đại diện của Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội, Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội, Công ty Metro Hà Nội đã thông tin kế hoạch vận hành thương mại tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

Tại Hội nghị, trả lời nhiều câu hỏi của phóng viên, các ông: Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đường sắt Hà Nội; Vũ Văn Viện Giám đốc Sở GTVT Hà Nội và Nguyễn Hồng Hải, Giám đốc Trung tâm quản lý và điều hành giao thông đô thị thuộc Sở GTVT Hà Nội đã cho biết nhiều vấn đề, trong đó có một số nội dung quan tâm sau:

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông chưa có thời gian chở khách chính thức

Trước thông tin đường sắt trên cao nhận chở khách từ ngày 1/4, Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đường sắt Hà Nội đã khẳng định chưa có bất cứ tuyên bố nào của các cơ quan chức năng về thời gian chính thức tuyến đường sắt này được đưa vào vận hành.

"Thành phố hay công ty chúng tôi chưa bao giờ phát ngôn tàu có thể chở khách từ 1/4. Hiện giờ có một số hạng mục chưa hoàn thiện như hệ thống kiểm vé tự động AFC và thang cuốn chưa có mái che", ông Trường cho biết.

Ông Vũ Hồng Trường trả lời báo chí các vấn đè liên quan đến tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

Về giá vé, ông Trường cho hay, giá vé có được trợ giá của thành phố như xe buýt giai đoạn đầu trên dưới 50%. Giá vé được xây dựng dựa trên 5 tiêu chí gồm: thu nhập của người dân và khả năng chi trả, tính toán cạnh tranh chi phí với các phương tiện khác, khảo sát ý kiến người dân, chi phí vận hành và cân đối khả năng trợ giá của ngân sách nhà nước.

Hạn chế xe máy mới đang ở bước nghiên cứu

Liên quan đến vấn đề hạn chế xe máy trên một số tuyến đường của thủ đô Hà Nội, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội khẳng định, đề án hạn chế hoạt động xe máy mới đang ở giai đoạn nghiên cứu, và sẽ có lộ trình cụ thể, phù hợp, đảm bảo lợi ích cho người dân.

Những năm qua với việc đồng bộ các giải pháp từ hạ tầng tới chính sách, ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố đã giảm đáng kể. Từ 124 điểm đen ùn tắc vào năm 2010 giảm xuống còn 44 điểm năm 2015, và năm 2017 còn 41 điểm. Tuy nhiên, ùn tắc giao thông ngày càng có chiều hướng diễn biến phức tạp trong những năm gần đây, bên cạnh việc giải quyết được các điểm ùn tắc cũ lại phát sinh các điểm ùn tắc mới.
Một trong những nguyên nhân chính là do hạ tầng không theo kịp tốc độ phát triển quá nhanh của phương tiện cá nhân. Chính vì vậy, UBND TP Hà Nội đã xây dựng Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn 2030” trình HĐND TP Hà Nội xem xét. Tháng 4/2017, HĐND TP đã thông qua và ban hành Nghị quyết số 04/2017/NQ - HĐND về việc thực hiện Đề án này.

Để triển khai thực hiện Nghị quyết, Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 212/KH - UBND với 37 nhiệm vụ; trong đó có nhiệm vụ xây dựng Đề án “Phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng tiến tới dừng hoạt động của xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030”.

Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện thông tin tại giao ban báo chí chiều 19/3.

Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội khẳng định, việc xây dựng Đề án nêu trên đang được tiến hành thận trọng, kỹ lưỡng. Đề án phải đảm bảo nguyên tắc: Tuyến và khu vực hạn chế hoạt động xe máy phải có hệ thống vận tải khách công cộng và các phương tiện giao thông thay thế đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân.

Vấn đề hạn chế phương tiện cá nhân trong đó có xe máy và ô tô đã được Hà Nội đề cập từ khá lâu chứ không phải mới đây. Như với ô tô, từ năm 2013, Hà Nội đã có Quyết định 06 ban hành quy định về hoạt động của các phương tiện giao thông trên địa bàn thành phố. Quyết định này đã phân vùng hoạt động của ô tô theo tuyến và theo giờ.

“Để dừng hoạt động của xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030, TP Hà Nội sẽ có giải pháp cụ thể, thực hiện từng bước, có lộ trình chứ không phải đùng một cái đến năm 2030 là cấm xe máy ra vào trung tâm. Hơn nữa, đây là chủ trương chung của Chính phủ, đã có chỉ đạo cụ thể chứ không phải Hà Nội và TP Hồ Chí Minh tự nghĩ ra và triển khai” - ông Viện nhấn mạnh.

Đồng thời giám đốc Sở GTVT Hà Nội cũng cam kết: Việc thực hiện cấm xe máy, ô tô sẽ có lộ trình, đảm bảo hài hòa, vì lợi ích chung của Nhân dân chứ không có động cơ, mục đích cá nhân nào. Khu vực, tuyến đường thực hiện cấm xe máy sẽ phải có hạ tầng đầy đủ, giao thông công cộng đảm bảo đáp ứng nhu cầu đi lại cho Nhân dân.

Những tuyến buýt được điều chỉnh phục vụ đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị (Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội) thông tin về công tác quản lý, điều hành, kết nối các tuyến xe buýt nội đô, hệ thống xe khách liên tỉnh với tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Đông.

Ông Nguyễn Hồng Hải thông tin giao ban báo chí 19/3.

Theo đó, Hà Nội sẽ điều chỉnh 4 tuyến buýt trùng lộ trình với tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) 2A (tuyến số 02, 21, 27, 33), duy trì hoạt động của tuyến buýt số 01.

Cụ thể, điều chỉnh tuyến buýt 02 (Bác Cổ - Bến xe Yên Nghĩa) thành tuyến buýt ngang (Bác Cổ - Bến xe Mỹ Đình) kết nối với tuyến ĐSĐT 2A tại Ga Láng, cắt bỏ đoạn trùng tuyến từ Ngã Tư Sở tới Bến xe Yên nghĩa (9km).

Điều chỉnh tuyến buýt 27 (bến xe Yên Nghĩa - Nam Thăng Long) thành tuyến buýt kết nối ngang (KĐT Định Công - Nam Thăng Long) kết nối với tuyến ĐSĐT 2A tại Ga Láng, cắt bỏ đoạn trùng tuyến từ Ga Láng đến Bến xe Yên Nghĩa (10km).

Điều chỉnh tuyến buýt số 33 (Bến xe Yên Nghĩa - Xuân Đỉnh) thành tuyến buýt kết nối ngang (cụm công nghiệp Thanh Oai - Xuân Đỉnh) kết nối với tuyến ĐSĐT 2A tại 2 ga (Hà Đông, Văn Khê), cắt bỏ đoạn trùng tuyến từ Ga Văn Quán đến Ga Hà Đông và từ Ga Văn Khê tới Ga Yên Nghĩa (3km).

Điều chỉnh hợp nhất 2 nhánh tuyến 21A (Bến xe Giáp Bát - Bến xe Yên Nghĩa ) và nhánh tuyến 21B (Khu đô thị Pháp Vân, Tứ Hiệp - Bến xe Mỹ Đình) thành một tuyến buýt ngang số 21 (khu đô thị Pháp Vân, Tứ Hiệp - Trần Vỹ) kết nối với tuyến ĐSĐT 2A tại 2 ga (Thượng Đình, vành đai 3), cắt bỏ đoạn trùng tuyến từ Ga vành đai 3 đến Ga Yên Nghĩa (7,5km).

Điều chỉnh các tuyến buýt tăng cường kết nối tại các ga đầu cuối của tuyến đường sắt đô thị 2A. Cụ thể: Đối với ga Cát Linh, duy trì hoạt động của 5 tuyến buýt: 18, 25, 50, 99, BRT 01 kết nối với Ga Cát Linh.

Điều chỉnh 2 lộ trình 2 tuyến buýt tăng cường kết nối với tuyến ĐSĐT 2A tại Ga Cát Linh gồm: Điều chỉnh điểm đầu cuối tuyến 90 (Kim Mã - Nội Bài) thành tuyến Hào Nam - Nội Bài.

Điều chỉnh lộ trình tuyến 25 (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 - Bến xe Giáp Bát).

Đối với Ga Yên Nghĩa, duy trì hoạt động của 12 tuyến buýt: 01, 37, 57, 62, 72, 89, 91, 102, CNG02, BRT01, 75, 213.
Mở mới, đưa vào hoạt động 5 tuyến buýt có điểm đầu tại Bến xe Yên Nghĩa trong năm 2019 gồm: Yên Nghĩa - Phùng, Yên Nghĩa - Hoài Đức, Yên Nghĩa - Miếu Môn; Yên Nghĩa - Hồng Dương (Thanh Oai), Yên Nghĩa - Chúc Sơn - Thị trấn Kim Bài.

Ông Hải cũng cho biết, Hà Nội vẫn duy trì hoạt động của 20 tuyến buýt kết nối ngang, lộ trình trùng với tuyến ĐSĐT 2A gồm các tuyến: 105, 19, 22B, 22C, 39, 103, 106, 85, 29, 60A, 05, 44, 60B, 104, 16, 24, 51, 30, 84, 09.

Sau khi tiến hành điều chỉnh, Trung tâm tổ chức lại toàn tuyến có tổng số 65 điểm dừng xe buýt (2 chiều) với cự ly bình quân giữa các điểm dừng khoảng 400m. Trung tâm đề xuất bổ sung 14 nhà chờ xe buýt, nâng tổng số điểm dừng có nhà chờ xe buýt lên 28 điểm.

Các tuyến xe khách liên tỉnh có điểm đầu cuối tại Bến xe Yên Nghĩa sẽ kết nối trực tiếp với tuyến ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông tại Bến xe Yên Nghĩa và Ga Yên Nghĩa.

Với các tuyến xe khách liên tỉnh có điểm đầu cuối tại các bến xe: Giáp Bát, Mỹ Đình, Gia Lâm, Nước Ngầm sẽ kết nối và trung chuyển bằng các loại hình vận tải công cộng khác, trong đó có xe buýt nội đô.

Trung Thành

 

 

Kích thước font In ấn

Bình luận chia sẻ

Sản xuất
https://thtruefood.com.vn/
https://tanadaithanh.vn/
winvoucher.winmart.vn
http://gfs.com.vn
http://www.vafood.com.vn/
Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam
Cơ quan chủ quản: Hiệp hội Thương nhân kinh doanh biên mậu Việt Nam
Số giấy phép: số 450/GP-BTTTT, cấp ngày 8/10/2020, cấp bởi Bộ Thông tin và Truyền thông
 139 đường Nghi Tàm, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.


Tổng biên tập: Ông Phạm Bá Dục
Tổng thư ký: Ông Phạm Hoàng Vũ
Email: kinhdoanhvabienmau@gmail.com
Mọi thông tin bạn đọc vui lòng liên hệ đường dây nóng: 0865191826
® Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam, mọi sao chép phải được sự đồng ý bằng văn bản của Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam.