Ngày 16/7/1999, Hà Nội là thành phố đầu tiên của khu vực châu Á được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên Hợp quốc (UNESCO) trao tặng danh hiệu "Thành phố vì hòa bình". Đây là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế về những thành tựu nội bật của Thủ đô trong công cuộc đổi mới, cũng như khát vọng về hoà bình của nhân dân.
20 năm qua, Hà Nội đã không ngừng nỗ lực, xây dựng một TP hiện đại nhưng vẫn giữ bản sắc văn hóa, nhằm bảo tồn, phát huy giá trị của danh hiệu cao quý này.
Quang cảnh Hồ Gươm.
|
|
20 năm, không phải là thời gian dài so với hơn 1000 năm lịch sử của Thăng Long - Hà Nội, song đây cũng là khoảng thời gian chứng kiến nhiều đổi thay của Hà Nội cả về diện tích (năm 2008, Hà Nội đã được mở rộng địa giới hành chính với quy mô diện tích từ 924km2 lên 3.344km2), dân số, sự tăng trưởng kinh tế, mạnh về quốc phòng, an ninh, đa dạng về sắc màu văn hóa…
Trên nền tảng truyền thống tốt đẹp được giữ gìn qua các chặng đường lịch sử và đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ phát triển mới, Hà Nội đã chứng minh hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu đã được trao tặng. Không chỉ thể hiện được hình ảnh một Thủ đô yêu chuộng hòa bình, thân thiện, có nền văn hiến lâu đời và nhiều tiềm năng để hợp tác phát triển, Hà Nội đang trên đà phát triển với tốc độ đáng kinh ngạc, vươn lên là tâm điểm của các đô thị châu Á và khu vực.
Song song với những hình ảnh truyền thống, Hà Nội hôm nay đã và đang khoác lên mình chiếc áo mới, diện mạo mới với những bước tiến dài, đổi thay ngoạn mục. Hà Nội với vai trò là đầu tàu kinh tế của các tỉnh phía Bắc. Năm 2018, thu hút đầu tư nước ngoài của Hà Nội đạt hơn 7,5 tỷ USD, 6 tháng đầu năm 2019 dự kiến đạt trên 5 tỷ USD, đứng đầu cả nước sau hơn 30 năm mở cửa và hội nhập.
Hà Nội cũng là địa điểm của 1.600 văn phòng đại diện nước ngoài, 14 khu công nghiệp cùng trên 1,6 vạn cơ sở sản xuất công nghiệp. Đây là những lý do để Hà Nội trở thành TP có tốc độ đô thị hóa cao nhất cả nước.
Cùng với phát triển kinh tế, dù vẫn đang đối mặt với những thách thức của quá trình đô thị hóa với các vấn đề về nhà ở, cung cấp dịch vụ xã hội, ô nhiễm môi trường… nhưng Hà Nội vẫn đang ưu tiên nâng cao chất lượng an sinh xã hội, cuộc sống cho người dân. Bên cạnh đó, hàng loạt công trình, các tòa cao ốc, những khu đô thị mới hình thành đã cho thấy sự phát triển về mọi mặt kinh tế - xã hội của TP.
Những con đường xuyên tâm, những cây cầu, tuyến phố được nâng cấp, mở rộng không chỉ tạo sự kết nối thuận tiện trong nội đô, mà còn kết nối Hà Nội với các tỉnh, TP cả nước. Công tác quản lý đô thị được các cấp chính quyền đẩy mạnh, quản lý hè phố, vệ sinh môi trường được duy trì tốt; ứng dụng công nghệ thông tin được quan tâm, đã từng bước hình thành các điều kiện xây dựng dữ liệu lớn và thành phố thông minh.
Nổi bật nhất trong các tiêu chí “Thành phố vì hòa bình” được UNESCO ghi nhận là những thành tựu đáng kể trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Trong những năm qua, Hà Nội luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo thế hệ trẻ, coi đó như một trọng điểm ưu tiên trong chính sách phát triển.
Chất lượng giáo dục toàn diện, mũi nhọn tiếp tục đạt kết quả xuất sắc và dẫn đầu cả nước. Học sinh Thủ đô cũng tiếp tục khẳng định tài năng trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế… Như nhiều chuyên gia nhận định, chất lượng, hiệu quả của sự nghiệp giáo dục hiện nay chính là điều kiện quan trọng để giúp cho thế hệ trẻ chuẩn bị tốt hành trang tri thức, văn hóa để kiến tạo tương lai của Thủ đô và đất nước.
Cùng với danh hiệu "Thành phố vì hòa bình", hiện Hà Nội thực sự đã trở thành trung tâm kết nối các giá trị toàn cầu, đã thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị với hơn 100 Thủ đô, TP của các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, tham gia tích cực, có trách nhiệm tại nhiều diễn đàn quốc tế quan trọng…
Nhiều hội nghị cấp quốc tế đã được tổ chức ở Hà Nội, trong đó có Hội nghị cấp cao APEC vào năm 2006, Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN, ASEM, IPU-132… Điều đó cho thấy Hà Nội đã dần trở thành địa điểm tổ chức các sự kiện quốc tế đáng tin cậy. Gần đây nhất, danh xưng hòa bình, điểm đến hữu nghị một lần nữa được khẳng định khi Hà Nội được lựa chọn làm địa điểm tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai. Không chỉ đóng vai trò cầu nối hòa bình, qua sự kiện, hình ảnh Thủ đô ngàn năm văn hiến, phát triển năng động và yêu chuộng hòa bình đã được cả thế giới biết đến.
Ấn tượng nhất đối với “Thành phố vì hòa bình” là sự thân thiện, hiếu khách của người dân đối với du khách thập phương cũng đã được thể hiện trọn vẹn trong những năm qua. Hình ảnh nguyên thủ các quốc gia đến Hà Nội thong thả chạy bộ buổi sáng quanh hồ Hoàn Kiếm, đi dạo quanh khu vực Nhà thờ Lớn hay đến các điểm văn hóa tại khu phố cổ Hà Nội, thưởng thức ẩm thực tại quán bình dân… đã gây ấn tượng lớn với các du khách quốc tế khi nhắc đến Hà Nội. Như nhiều ý kiến đã nhận định, hình ảnh đó ở nước ngoài hiếm lắm. Nhưng Hà Nội đã làm được, đã tạo được niềm tin cho bạn bè quốc tế.
Tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2018 của Hà Nội còn 1,16%, vượt chỉ tiêu đề ra và hoàn thành trước 2 năm mục tiêu nhiệm kỳ; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 86,5% dân số, vượt 1,2% kế hoạch. Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới là gần 85%, về đích sớm 2 năm. Cùng với 4 huyện đã đạt chuẩn, Hà Nội đã có thêm nhiều huyện đang cơ bản hoàn thành các tiêu chí đạt chuẩn; nhiều xã đạt nông thôn mới theo tiêu chí nâng cao, đã tạo ra sự thay đổi diện mạo mới ở nông thôn.
|
Những con số thống kê cũng cho thấy, Hà Nội đang là điểm đến với nhiều du khách quốc tế từ gần 190 quốc gia và vùng lãnh thổ. Lượng khách quốc tế đến Hà Nội tăng 4 lần trong 10 năm qua không chỉ là minh chứng rõ nét cho sự hấp dẫn của Thủ đô ngàn năm văn hiến, mà còn khẳng định sự yên bình, đáng sống của “Thành phố vì hòa bình”.
Hà Nội cũng đã tổ chức nhiều lễ hội, sự kiện giao lưu văn hóa quốc tế tại các không gian văn hóa của Thủ đô như khu vực hồ Hoàn Kiếm, phố Trịnh Công Sơn, phố bích họa Phùng Hưng... đã góp phần thúc đẩy phát triển du lịch và khẳng định sự yên bình của một Thủ đô phát triển.
Để tiếp tục giữ vững và khẳng định vị thế một "Thành phố hòa bình và phát triển", Hà Nội cũng đang hướng tới xây dựng thành phố thông minh, giữ được tốc độ phát triển nhanh, toàn diện, bền vững. TP sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế tri thức, ứng dụng công nghệ thông tin; chủ động tham gia và nắm bắt cơ hội thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để nâng cao năng suất lao động, phát triển các ngành công nghiệp mới có lợi thế; phát triển Hà Nội thành trung tâm khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo - thành phố thông minh…
Bên cạnh đó, TP sẽ tập trung xây dựng Hà Nội thành trung tâm dịch vụ chất lượng cao của cả nước và khu vực. Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; tăng cường các hoạt động đối ngoại, các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, quảng bá du lịch, nhất là với thủ đô các nước, các tập đoàn lớn, xuyên quốc gia... để phát huy hơn nữa những giá trị của "Thành phố vì hòa bình".
Phát huy danh hiệu thành phố vì hoà bình, Hà Nội được UNESCO đã chuyển hướng chiến lược, lựa chọn giới thiệu, xây dựng thành phố Hà Nội trở thành thành phố sáng tạo đầu tiên của khu vực Đông Nam Á.
Trung Thành