Ngòi Tùng Khê có chiều dài hơn 2 km, bắt nguồn từ cầu Cốc phường Tây Mỗ đến sông Nhuệ - đoạn thuộc phường Đại Mỗ, đây là một trong những mương thoát nước dân sinh quan trọng của cả hai địa phương.
Theo người dân cho biết, ngòi Tùng Khê trước đây là mương nước sạch không bị ô nhiễm, thậm chí có cả các loài thủy sinh sinh sống ở ngòi nhưng nhiều năm trở lại đây do rác thải sinh hoạt của các hộ gia đình sống gần ngòi vứt ra nên ngòi mới ngập ngụa rác thải đến như vậy.
Ghi nhận của phóng viên tại vị trí chân cầu Triền đoạn thuộc phường Tây Mỗ, rác thải bị ứ đọng dưới chân cầu từ nhiều năm nay khiến cho dòng nước không thể lưu thông được. Xen kẽ với dòng nước đen đục là những bãi rác sinh hoạt nổi lềnh phềnh trên mặt ngòi bốc mùi hôi thối khó chịu.
Điều đáng nói, ngòi Tùng Khê là mương thoát nước của cả hai phường Tây Mỗ và Đại Mỗ, do lượng rác thải lớn đã làm tắc nghẽn dòng chảy của cả ngòi, kéo theo đó là nỗi lo về ngập úng mỗi khi mùa mưa đến.
“Những ngày mưa to, rác thải nhiều quá làm tắc công cầu Triền khiến dòng nước đen ngòm tràn lên cả trên nhà. Mọi đồ dùng của gia đình đều bị ướt cả, điều này ảnh hưởng rất nhiều tới sức khỏe và cuộc sống của chúng tôi. Nếu cứ để tình trạng này diễn ra ở ngòi Tùng Khê thì nơi đây sẽ trở thành ổ dịch bệnh, bởi nơi đây có rất nhiều chuột, ruồi, muỗi phát sinh từ ngòi.”, người dân sống dần ngòi Tùng Khê ở vị trí chân cầu Triền cho biết.
Không chỉ có vậy, những ống nước thải của các hộ gia đình sống gần ngòi cũng xả trực tiếp ra đây, làm cho nguồn nước cùa ngòi Tùng Khê không chỉ ô nhiễm về rác thải mà lượng nước của ngòi cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Cùng với đó, ngòi Tùng Khê cũng dần bị thu hẹp bởi một số hộ gia đình sống gần ngòi ngang nhiên lấn chiếm xây dựng các công trình dân dụng.
Được biết, từ cuối năm 2016, địa phương đã có báo cáo, đề xuất quận Nam Từ Liêm và thành phố đầu tư dự án nạo vét, kè hai bờ sông ngòi Tùng Khê nhưng đến nay dự án vẫn còn nằm trên giấy.
Trước thực trạng trên, người dân mong muốn các cấp chính quyền của địa phương cũng thành phố sẽ có những biện pháp cải tạo ngòi Tùng Khê được sạch đẹp hơn, người dân không còn phải chịu cảnh ngập úng vào những ngày mưa lớn. Chỉ có như vậy, cuộc sống của các hộ gia đình sống hai bờ ngòi mới được an toàn và khỏe mạnh hơn.
Vũ Cừ