Khám phá Cao Bằng bằng xe đạp
Để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn
Ngày 6/11/2018 vừa qua, tại Hà Nội, UBND tỉnh Cao Bằng đã tổ chức họp báo giới thiệu về các chương trình lớn sẽ tổ chức trong tháng 11. Trong đó có Hội nghị Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Cao Bằng năm 2018 (ngày 25/11); Lễ đón nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng, Công bố Di tích Địa điểm Chiến thắng Biên giới năm 1950 là di tích Quốc gia đặc biệt (ngày 24/11); Tuần văn hóa, thể thao và du lịch Cao Bằng (từ ngày 23-26/11) và chương trình du lịch Qua những miền di sản Việt Bắc (từ 24-27/11).
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh, tỉnh Cao Bằng luôn xác định thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước để phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ quan trọng, trong đó trọng tâm là phát triển một số ngành kinh tế có lợi thế của tỉnh như khai thác chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông lâm sản, chú trọng phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp hữu cơ và đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch để phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Khai thác và phát huy lợi thế của tỉnh, trên tất cả các lĩnh vực có tiềm năng, nhất là khai thác thế mạnh về phát triển kinh tế cửa khẩu, thương mại và dịch vụ.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh Cao Bằng có 268 dự án với tổng số vốn đăng ký 40.715,72 tỷ đồng, trong đó có 13 dự án có vốn đầu tư nước ngoài. Chỉ tính riêng trong 9 tháng đầu năm 2018, Cao Bằng đã cấp chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 28 dự án với tổng số vốn đăng ký là 2.037,258 tỷ đồng. Lãnh đạo tỉnh Cao Bằng cam kết luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất, đồng hành cùng các nhà đầu tư, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Du khách trải nghiệm du lịch cộng đồng tại Cao Bằng
Và những sản phẩm dịch vụ du lịch mới
Ông Sầm Việt An, Giám đốc Sở VHTTDL Cao Bằng cho biết, hiện nay địa phương đã xây dựng ba tuyến du lịch trong vùng Công viên địa chất bao gồm: Tuyến Du lịch cụm phía Tây “Khám phá Phia Oắc – vùng núi của những đổi thay”(huyện Nguyên Bình), tuyến du lịch cụm phía Bắc “Hành trình về nguồn cội” (gồm huyện Hòa An và Hà Quảng) và tuyến Du lịch cụm phía Đông “Trải nghiệm văn hóa bản địa ở xứ sở thần tiên”(gồm 4 huyện: Trà Lĩnh, Quảng Uyên, Trùng Khánh, Hạ Lang).
Ngoài ra, những sản phẩm du lịch trải nghiệm như khám phá động Ngườm Ngao, chèo thuyền kayak trên sông Quây Sơn, hay du lịch lịch sử - văn hóa gắn với khu di tích Pác Bó vẫn là những sản phẩm thế mạnh của Cao Bằng.
Với việc phát triển những dòng sản phẩm này, Cao Bằng có thể phát huy được những lợi thế về thiên nhiên, văn hóa cộng đồng gắn với trải nghiệm, thưởng thức những đặc sản, đặc trưng địa phương như: Miến dong Phja Đén (huyện Nguyên Bình), quả lê và sản phẩm thạch đen (huyện Thạch An), hạt dẻ và thạch trắng (huyện Trùng Khánh), bánh khẩu sli Nà Giàng (huyện Hà Quảng); bánh cuốn, phở Chua, bánh Coóng phù, bánh khảo… Theo lãnh đạo Sở VHTTDL Cao Bằng, tỉnh đang hệ thống lại các sản phẩm đặc sắc của vùng, sắp xếp theo danh mục ưu tiên và sẽ phát động cuộc thi thiết kế sản phẩm du lịch cho Cao Bằng, để có thể phát triển hệ thống nhận diện thương hiệu du lịch địa phương tốt hơn.