Làng nghề gỗ Liên Hà là một trong những làng nghề lâu đời chuyên sản xuất những sản phẩm mỹ nghệ với giá trị cao đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng và thị hiếu của thị trường trong và ngoài nước. Tuy nhiên cùng với sự phát triển của làng nghề thì vấn đề ô nhiễm trong quá trình sản xuất cũng vì thế mà ngày càng gia tăng.
Nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm làng nghề cũng như giảm thiểu ô nhiễm trong quá trình sản xuất kinh doanh thông qua đổi mới công nghệ, với sự hỗ trợ từ Sở Công Thương Hà Nội, Dự án đầu tư Dây chuyền máy cắt gỗ định hình CNC với tổng giá trị 759 triệu đồng của Công ty TNHH Sản xuất và Dịch vụ Thương mại Hưng Hòa An (Công ty Hưng Hòa An) đã được triển khai từ tháng 3 đến tháng 12 năm 2020, trong đó nguồn quỹ khuyến công thành phố hỗ trợ cho doanh nghiệp là 300 triệu đồng.
Theo đó dây chuyền máy cắt gỗ định hình CNC được đầu tư gồm hệ thống các máy như: Máy cưa hoạt động bằng điện (Model MJ300-XD3); Máy công cụ dùng trong ngành gỗ (Model HH505); Máy chà nhám (Model MS 290); Máy khoan gỗ và tạo góc (Model XC-21-3). Nhờ đầu tư công nghệ mới, sản phẩm của công ty làm ra đã đạt chất lượng ổn định, mẫu mã đa dạng và đặc biệt là giảm lượng bụi gỗ phát thải ra môi trường, cũng như năng suất lao động được tăng lên.
Chia sẻ về vấn đề này bà Đỗ Thị Vân Nga- Giám đốc Công ty Hưng Hòa An cho biết - Đầu tư dây chuyền máy cắt gỗ định hình CNC làm tăng chất lượng sản phẩm so với máy cũ cơ sở đang sử dụng. Máy móc được ứng dụng trong công đoạn sản xuất đã nâng cao năng suất và hạ giá thành sản phẩm. Giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước và không khí cũng như lượng nước sử dụng trong quá trình sản xuất…. Cụ thể năng suất lao động đã tăng lên 200%, chất lượng sản phẩm đạt 100%, tăng 40% so với trước khi đầu tư, giá thành sản xuất giảm 20%. Đặc biệt, việc đầu tư dây chuyền máy cắt gỗ định hình CNC có thể đáp ứng khối lượng lớn với các kích thước sản phẩm khác nhau, phù hợp với thị hiếu khách hàng, giảm được giá thành, giảm được nhân công, cũng là giảm được gánh nặng kinh tế cho doanh nghiệp đồng thời góp phần nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp cũng như đời sống người lao động trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Dự án đã góp phần lan tỏa đến những cơ sở sản xuất chế biến gỗ khác tại địa phương. Hiệu quả của mô hình giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn có điều kiện tiếp cận công nghệ, học hỏi… từ đó góp phần thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, mở rộng quy mô sản xuất hơn nữa, tăng doanh thu cho doanh nghiệp. Góp phần đưa công nghiệp Thủ đô phát triển, tăng tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu kinh tế chung của thành phố Hà Nội. Tạo môi trường sản xuất sạch, xanh cho các làng nghề tại thủ đô.
Minh Kỳ