Bộ Công Thương yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục thực hiện nghiêm Kế hoạch số 410/KH-BCĐ389 ngày 14 tháng 6 năm 2017 của Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả về tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trong kinh doanh xăng dầu, Kế hoạch số 6235/KH-BCT ngày 12 tháng 7 năm 2017 của Bộ Công Thương về việc tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trong kinh doanh xăng dầu.
Chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tiến hành kiểm tra, giám sát chặt chẽ các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn, tập trung vào các doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm, phối hợp với Chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng kiểm tra chất lượng xăng dầu lưu thông trên thị trường. Xử lý nghiêm khắc, kịp thời mọi hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật, áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh theo quy định đồng thời giám sát chặt chẽ các cửa hàng xăng dầu đã bị tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu.
Sở Công Thương tỉnh Nghệ An chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường, Thanh tra Sở phối hợp với lực lượng Công an, Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và chính quyền địa phương kiểm tra, rà soát toàn bộ các cửa hàng xăng dầu trên địa bàn, đặc biệt là các cửa hàng xăng dầu có hoạt động mua bán xăng, dầu với 02 doanh nghiệp bị phát hiện vi phạm là Doanh nghiệp tư nhân Kiên Lục (ở xóm 8, xã Quỳnh Mỹ, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) và Công ty TNHH Thanh Ngũ (xóm Ngọc Tân, xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm.
Phối hợp với các phương tiện truyền thông tuyên truyền cho các tổ chức, cá nhân, người tiêu dùng không mua xăng dầu tại các điểm kinh doanh trái phép; tuyên truyền các chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm trong kinh doanh xăng dầu. Công bố công khai các cửa hàng xăng dầu vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng để người tiêu dùng biết, giám sát, tự bảo vệ mình, góp phần với các cơ quan chức năng chống các hành vi gian lận trong kinh doanh xăng dầu.
Trước đó, nhận diện tình hình buôn bán, vận chuyển trái phép xăng dầu đang có nhiều diễn biến phức tạp, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã ban hành Kế hoạch tăng cường thanh, kiểm tra, kiểm soát, chống buôn lậu, gian lận thương mại xăng dầu trên toàn quốc. Theo đó, các lực lượng chủ động xây dựng các kế hoạch nghiệp vụ, tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, giám sát hoặc xác lập các vụ án, đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả đối với các hành vi buôn lậu, mua bán, vận chuyển trái phép xăng dầu trên các khu vực biên giới; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, giám sát, quản lý chặt chẽ về đo lường, chất lượng, hồ sơ, hóa đơn, chứng từ, kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu của các thương nhân và hành vi vận chuyển trái phép ngoại tệ ra nước ngoài để thanh toán cho việc mua bán xăng dầu lậu... xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác quản lý kinh doanh xăng dầu, không để các đối tượng lợi dụng buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế trong hoạt động kinh doanh xăng dầu. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, xây dựng các chuyên mục để tuyên truyền phổ biến về pháp luật phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại xăng dầu trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền trực tiếp tại các doanh nghiệp, các cửa hàng xăng dầu để tổchức, cá nhân, doanh nghiệp, nhân dân thấy rõ tác hại của buôn lậu, gian lận thương mại xăng dầu, không tham gia hoạt động, tiếp tay, bao che cho đối tượng buôn lậu; kịp thời chủ động tố giác tội phạm đến các cơ quan chức năng.
Khen thưởng và đề nghị khen thưởng kịp thời đối với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc; phát hiện, xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân có hành vi bao che, tiếp tay,
Cụ thể, BCĐ 389 quốc gia giao cho các đơn vị chức năng như Công Thương chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra việc kinh doanh, vận chuyển xăng dầu trên thị trường: phối hợp với lực lượng Công an triệt phá các chuyên án buôn lậu, gian lận thương mại.
Lực lượng Biên phòng nắm chắc tình hình buôn lậu, gian lận thương mại trên các khu vực biên giới nhằm phát hiện, ngăn chặn và có báo cáo kịp thời để xử lý các hành vi vi phạm; phối hợp kiểm tra hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn các huyện biên giới. Chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng thường xuyên trao đổi thông tin, tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát người, phương tiện trong khu vực biên giới, cửa khẩu; phát hiện bắt giữ xử lý nghiêm các đối tượng, phương tiện buôn lậu, gian lận thương mại, mua bán, vận chuyển trái phép xăng dầu qua biên giới theo đúng quy định của pháp luật.
Lực lượng Công an triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, đấu tranh quyết liệt với đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại xăng dầu; tập trung đấu tranh triệt phá các đường dây, ổ nhóm buôn lậu, các đối tượng có hoạt động buôn lậu xăng dầu để xử lý theo quy định của pháp luật. Tiếp nhận, phối hợp điều tra, xử lý các vụ việc vi phạm pháp luật trong kinh doanh xăng dầu do cơ quan chức năng khác chuyển đến theo thẩm quyền. Đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát nhằm kiểm tra, xử lý và ngăn chặn kịp thời đối với hành vi vận chuyển hàng lậu trên các tuyến đường; Cơ quan Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các đơn vị, lực lượng chức năng liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát và quản lý chặt chẽ công tác đo lường, chất lượng trong hoạt động kinh doanh xăng dầu của các doanh nghiệp, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm, như: Gian lận về đo lường, không bảo đảm chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và tiêu chuẩn công bố áp dụng...
Cơ quan Hải quan phối hợp với cơ quan Thuế kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hồ sơ, chứng từ nhập khẩu, xuất khẩu xăng dầu tại khu vực cửa khẩu quốc tế Bờ Y; áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan, đẩy mạnh công tác thu thập thông tin, nắm tình hình tại các địa bàn, khu vực biên giới nhằm kiểm soát tình hình mua bán xăng dầu của các tổ chức, cá nhân. Tăng cường thanh tra, kiểm tra đối với các tổ chức, cá nhân có tham gia hoạt động kinh doanh xăng dầu nhằm nắm bắt cụ thể số lượng xăng dầu mua bán, tiêu thụ có nguồn gốc không hợp pháp hạn chế tình trạng lập khống hóa đơn, chứng từ để hợp thức hóa xăng dầu nhập lậu, trốn thuế và xử lý, truy thu thuế theo đúng quy định của pháp luật.