Đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước: Giải pháp kích thích tăng trưởng

21/08/2018 (GMT+7)
Một trong những giải pháp quan trọng được các chuyên gia kinh tế đưa ra nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm 2018 và các năm tiếp theo là đẩy mạnh tái cơ cấu khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

Tăng trưởng đạt 6,83%

Theo dự báo của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tăng trưởng kinh tế năm 2018 ước đạt 6,83% (cao hơn mục tiêu Quốc hội đưa ra là 6,7%). Trong đó, tăng trưởng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản dự báo đạt 3,54%; công nghiệp và xây dựng đạt 7,89%; dịch vụ 7,36%. Lạm phát bình quân năm 2018 dự báo trong khoảng 4 - 4,2% (mục tiêu Quốc hội đưa ra là dưới 4%).

giai phap kich thich tang truong
Thúc đẩy tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước

Đáng chú ý, tăng trưởng quý III/2018 ước đạt 6,72% và quý IV đạt 6,56%. Dự báo này đưa ra phù hợp với nhận định trước đó của nhiều chuyên gia kinh tế khi cho rằng, tăng trưởng GDP năm 2018 "khác biệt" so với những năm trước đó, không còn theo chiều hướng quý sau cao hơn quý trước mà ngược lại.

TS. Đặng Đức Anh - Trưởng Ban Phân tích và Dự báo (Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia) - cho rằng: Có rất nhiều nguyên nhân khiến tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm có chiều hướng đi xuống. Trong đó, nguyên nhân quan trọng là bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới đang tác động lớn đến tăng trưởng của Việt Nam. Cụ thể, trong nước, sức ép đến ổn định kinh tế vĩ mô ngày càng lớn, lực đẩy tăng trưởng từ khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang mất dần và chưa có động lực mới bổ sung. Đặc biệt, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại Việt Nam tuy tăng trưởng mạnh, song vẫn chủ yếu hoạt động trong phân khúc thấp của chuỗi giá trị, không đóng góp nhiều cho tăng trưởng.

Bối cảnh quốc tế, việc tăng giá đồng đô la Mỹ, chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ đối với các nước khác, nhất là đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và biến động giá cả các mặt hàng thiết yếu như xăng, dầu… sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam những tháng cuối năm 2018 và những năm tiếp theo.

DNNN chưa làm "tròn vai"

Một trong những giải pháp trọng tâm được các chuyên gia kinh tế đưa ra nhằm kích thích tăng trưởng là đẩy mạnh tái cơ cấu khu vực DNNN, bởi khu vực này thời gian qua chưa làm "tròn vai". Theo GS-TSKH. Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài: DNNN là khu vực sử dụng nhiều vốn, đất đai, nhưng lại là khu vực hoạt động kém hiệu quả nhất, đặc biệt, rất nhiều mục tiêu tái cơ cấu khu vực này đưa ra thời gian qua nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện.

Liên quan đến vấn đề này, TS. Phạm Sỹ Thành - Giám đốc Chương trình nghiên cứu kinh tế Trung Quốc (Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách) - cho rằng: Trong tổng số 1.000 doanh nghiệp (DN) nộp thuế thu nhập DN lớn nhất Việt Nam năm 2017 thì khu vực DNNN chỉ chiếm 27,7%, trong khi khu vực DN tư nhân là 34,1%, và khu vực FDI là 36,7%.

Bên cạnh đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, tạo cơ hội cho DN tư nhân, DN nhỏ và vừa hoạt động. Vì trên thực tế, trong tổng số 600.000 DN đang hoạt động trên cả nước, chỉ có khoảng 350.000 DN tiếp cận được nguồn vốn vay. Không tiếp cận được nguồn vốn đồng nghĩa với việc DN không thể mở rộng sản xuất, kinh doanh, cũng như đầu tư cho khoa học kỹ thuật và không đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế.

GS-TSKH. Nguyễn Mại: Nhiều chính sách hỗ trợ DN được đưa ra nhưng chưa mang lại hiệu quả, trong khi đó, DN tư nhân chính là động lực quan trọng nhất cho tăng trưởng bền vững.

Theo Công Thương

Kích thước font In ấn

Bình luận chia sẻ

Sản xuất
amity.com.vn
Hi fpt
https://tanadaithanh.vn/
winvoucher.winmart.vn
http://gfs.com.vn
http://www.vafood.com.vn/
Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam
Cơ quan chủ quản: Hiệp hội Thương nhân kinh doanh biên mậu Việt Nam
Số giấy phép: số 450/GP-BTTTT, cấp ngày 8/10/2020, cấp bởi Bộ Thông tin và Truyền thông
 139 đường Nghi Tàm, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.


Tổng biên tập: Ông Phạm Bá Dục
Tổng thư ký: Ông Phạm Hoàng Vũ
Email: kinhdoanhvabienmau@gmail.com
Mọi thông tin bạn đọc vui lòng liên hệ đường dây nóng: 0865191826
® Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam, mọi sao chép phải được sự đồng ý bằng văn bản của Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam.