Chiều 29/11/2018, tại thành phố Đà Nẵng đã diễn ra Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp 2018 với chủ đề “Tìm giải pháp đột phá cho khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam”, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ. Tham dự sự kiện còn có Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội - Phan Xuân Dũng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN)- Chu Ngọc Anh, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Lê Quốc Phong, cùng đại diện lãnh đạo các bộ/ngành: Tư pháp, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam…, các chuyên gia quốc tế, thanh niên khởi nghiệp, các nhà đầu tư và doanh nghiệp. Đây là cơ hội để các thanh niên, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST), các nhà đầu tư, chuyên gia… đưa ra đề xuất, sáng kiến, giải pháp, góp phần thúc đẩy phát triển hệ sinh thái KNĐMST quốc gia.
Nhiều nút thắt cần tháo gỡ
Ngay từ những phút đầu,phần đối thoại với Thủ tướng và Lãnh đạo các bộ/ngành đã diễn ra sôi nổi, cởi mở với nhiều ý kiến, kiến nghị xoáy sâu vào thực trạng hoạt động KNĐMST ở Việt Nam, từ cơ chế chính sách đến thực tiễn.... Là người đầu tiên nêu ý kiến về bức tranh KNĐMST ở Việt Nam, bà Thạch Lê Anh, Chủ nhiệm Đề án Thương mại hóa công nghệ theo mô hình Thung lũng Silicon (Vietnam Silicon Valley - VSV) khẳng định, Việt Nam đang được đánh giá là quốc gia phát triển mạnh hệ sinh thái KNĐMST. Mới từ năm 2012, khái niệm hệ sinh thái KNĐMST ở Việt Nam còn ít người biết đến, nay đã vươn lên thứ ba trong các nước ASEAN. Tuy nhiên, môi trường phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp còn nhiều khó khăn khiến các nhà đầu tư thiên thần (người bỏ vốn mồi đầu tiên) e ngại. Hiện tại, chưa có chính sách ưu đãi thuế cho đối tượng này, cũng như các chính sách đầu tư tài chính để họ sẵn sàng bỏ vốn. Trong khi giai đoạn vốn mồi rất quan trọng đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Nhất trí với quan điểm này, ông Nguyễn Mạnh Dũng, Trưởng Đại diện quỹ đầu tư CyberAgent Ventures tại Việt Nam chia sẻ, thị trường Việt Nam đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm, chỉ sau Indonesia và Thái Lan. Lý do ở những thị trường phát triển hơn như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc… các nhà đầu tư không có cơ hội và không đủ nguồn vốn. Thế nhưng quy trình thủ tục lâu, nhiều quy định khó khăn khiến nhà đầu tư e ngại. Họ luôn đặt câu hỏi nếu đầu tư vào doanh nghiệp Việt Nam thì làm sao để có thể thoái vốn. Chính điều đó khiến doanh nghiệp khởi nghiệp mất đi cơ hội. Đây được coi là nút thắt cho cả từ nhà đầu tư và doanh nghiệp khởi nghiệp.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp KNĐMST có vòng đời ngắn trong khi thủ tục để giải ngân vốn đầu tư phải mất 6 đến 12 tháng, khiến các nhà đầu tư nản chí các doanh nghiệp KNĐMST mất đi cơ hội.Cùng với đó, KNĐMST đa số dựa vào giải pháp công nghệ mới. Tuy nhiên các sản phẩm, giải pháp công nghệ của các nhóm khởi nghiệp vẫn đang xếp chung với các sản phẩm công nghệ truyền thống nên phải áp dụng đúng quy trình thử nghiệm, ứng dụng mất rất nhiều thời gian. Nhiều bạn trẻ đã kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ/ngành liên quan xây dựng cơ chế chính sách đặc thù để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển trong lĩnh vực KNĐMST; đồng thời mong muốn Chính phủ đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, giảm bớt các thủ tục rườm rà và chỉ đạo các ngân hàng tạo điều kiện cho giới trẻ tiếp cận nguồn vốn để khởi nghiệp.
Câu trả lời từ các bộ/ngành
Chia sẻ với ý kiến của các doanh nghiệp, nhà đầu tư tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cho rằng, vấn đề khó khăn hiện tại đó là chính sách đầu tư, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến thoái vốn, cho vay, vốn đầu tư mạo hiểm… Chính sách về vốn đầu tư mạo hiểm đã được Bộ KH&CN đưa vào Luật Công nghệ cao năm 2008 và mới đây là Luật Chuyển giao công nghệ sửa đổi, Nghị định số 76/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 hướng dẫn thi hành Luật. Nhờ đó, đã tạo ra hành lang pháp lý đầu tiên cho lĩnh vực này. Tuy nhiên, để tập trung tháo gỡ các nút thắt về cơ chế tài chính hiện tại, cần có sự vào cuộc của một số bộ/ngành liên quan như Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam…
Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh phát biểu tại Diễn đàn.
Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, những vấn đề của KNĐMST ở Việt Nam hiện nay gồm: tạo không gian mới, nguồn vốn, đầu ra sản phẩm và hội nhập toàn cầu. Về tạo không gian cho hoạt động KNĐMST,Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ, thường cái mới sẽ chưa có tiền lệ để quản lý theo các quy định hiện hành, nênchỉ cần cho nó phát triển trong một không gian nhất định, nếu nó bộc lộ những bất cập thì sẽ xử lý. Về vốn khởi nghiệp, theo người đứng đầu ngành thông tin - truyền thông, cả Việt Nam hiện có 40 quỹ đầu tư, nhà đầu tư thiên thần rất ít, trong khi có hàng nghìn dự án khởi nghiệp, vậy vấn đề giải quyết ở đây là cầnkhuyến khích các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư vào doanh nghiệp nhỏ, mới thành lập. Một công ty lớn thường bao gồm nhiều tầng, lớp, không thể đẩy mạnh sáng tạo nhanh như một doanh nghiệp chỉ có 3 hay 5 người,vì thế cách tốt nhất là đầu tư cho các công ty nhỏ phát triển hoạt động sáng tạo. Việt Nam có hàng chục nghìncông ty quy mô trên 1 nghìn người, đây mới chính là nhà đầu tư khởi nghiệp, vấn đề là phải tìm cơ chế hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp này tham gia, trong đó phải đặc biệt quan tâm cácdoanh nghiệp nhà nước (chiếm 30% tổng số doanh nghiệp trên cả nước).
Một trong những yếu tố quan trọng để tạo sự đột phá trong KNĐMST là nguồn nhân lực, do đó cần có chương trình dạy về khởi nghiệp, sáng tạo, giúp thế hệ trẻ sớm tiếp cận. Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho hay, bên cạnh Đề án 844 (theo Quyết định 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 về việc phê duyệt đề án hỗ trợ hệ sinh thái KNĐMST quốc gia đến năm 2025) còn có Đề án hỗ trợ học sinh sinh viên khởi nghiệp (theo Quyết định 1665/QĐ-TTg ngày 30/10/2017 về hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025),trong đó chú trọng đến các mục tiêu cụ thể như đẩy mạnh tinh thần khởi nghiệp, trang bị kiến thức và kỹ năng khởi nghiệp… Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạkhẳng định, sẽ phối hợp cùng các đơn vị liên quan xây dựng cơ chế khuyến khích, tạo sự kết nối chặt chẽ giữa doanh nghiệp và học sinh, sinh viên để lan tỏa tinh thần khởi nghiệp, thành lập các chuỗi nghiên cứu, chuyển giao về khởi nghiệp.
Quyết tâm từ Chính phủ
Qua gần3giờ lắng nghe các ý kiến, phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao và ghi nhận những ý kiến xác đáng của các doanh nghiệp khởi nghiệp, các nhà quản lý… Thủ tướng cho biết, từ lễ khởi xướng “Năm quốc gia khởi nghiệp” (2016) đến nay đã có hàng nghìn doanh nghiệp khởi nghiệp thành công, chưa bao giờ phong trào khởi nghiệp ở nước ta phát triển mạnh mẽ như thời gian qua.Thủ tướng đặt niềm tin rất lớn vào thế hệ trẻ được đào tạo bài bản đã và đang nỗ lực trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Theo Thủ tướng, để khởi nghiệp thành công phải có đam mê, khát vọng, dám nghĩ dám làm, đặc biệt là không sợ thất bại. Không có đam mê và khát vọng thì không thể “dốc hết trái tim, trí tuệ và nhiệt huyết của mình” cho mục tiêu hướng đến;không dám nghĩ, dám làm thì không thể đi đến cùng với thách thức. Dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám chấp nhận thất bại để thành công là tinh thần thiết yếu để KNĐMST.Thủ tướng cho rằng, thị trường Việt Nam đang tăng trưởng nhanh, là điều kiện thuận lợi cho phát triển hoạt động KNĐMST. Tuy nhiên, những tiến bộ trong nỗ lực tạo dựng hành lang pháp lý vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa tạo được môi trường khởi nghiệp thực sự thuận lợi và hiệu quả. Thủ tướng khẳng định, Chính phủ luôn quan tâm và đặt KNĐMST là một trong những động lực đột phá cho đổi mới mô hình tăng trưởng.Chính phủ cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam lớn mạnh và hoàn thiện hơn nữa trong những năm tới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu ý kiến chỉ đạo tại Diễn đàn.
Liên quan tới vấn đề vốn cho hoạt động KNĐMST và các cơ chế tài chính, tạo lập quỹ đầu tư khởi nghiệp, huy động nguồn vốn từ cộng đồng, từ các doanh nghiệp lớn trong nước, Thủ tướng giao các Bộ Kế hoạch Đầu tư, Tài chính, KH&CN khẩn trương nghiên cứu, đề xuất cụ thể báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12/2018. Thủ tướng nhấn mạnh, cần thiết kế chính sách theo tinh thần Chính phủ kiến tạo và khởi tạo, chấp nhận và chia sẻ một phần rủi ro với các doanh nghiệp KNĐMST, vì đây là một lĩnh vực đầu tư mạo hiểm và nhiều rủi ro.
Cuối cùng, người đứng đầu Chính phủ chia sẻ:“Người ta nói với tôi rằng,cần phải hỗ trợ cho người chiến thắng, người chạy marathon có huy chương, chứ đừng hỗ trợ từ đầu vì sẽ tạo ra bao cấp”, đây là vấn đề cần suy nghĩ trong thiết kế chính sách. Chính phủ sẽ xem xét về cơ chế “kích cầu” cho doanh nghiệp KNĐMST để giải quyết những vấn đề đặt ra trong thực tiễn, đồng thời yêu cầu các bộ nghiên cứu để có định hướng rõ ràngtrong từng lĩnh vực cụ thể, giúp tháo gỡ các vướng mắc từ hạ tầng, khung pháp lý, thị trường, dựa trên đánh giá về thị trường của khu vực và quốc tế... nhằm đồng hành với doanh nghiệp.Trên cơ sở ý kiến đề xuất tại Diễn đàn, Thủ tướng tổng kết lại 7 nội dung công việc cần thực hiện trong thời gian tới,cụ thể: i) Cần có khung pháp lý để đưa ra các giải pháp thiết thực hơn cho KNĐMST, trong đó chính sách, luật pháp là điều kiện nền tảng. Cơ chế chính sách phải thông thoáng, thuận lợi, nhanh chóng hơn; ii) Cần có cơ chế vốn và tài chính ưu tiên cho KNĐMST; iii)Thủ tục hành chính phải nhanh chóng, thuận lợi cho KNĐMST; iv) Xây dựng sàn chứng khoán riêng để hoạt động tham gia khởi nghiệp mạnh mẽ hơn; v) Tăng cường hoạt động tư vấn, cố vấn cho KNĐMST; vi) Có chính sách cụ thể hóa hoạt động đầu tư mạo hiểm; vii) Tạo cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp lớn, đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nướctham gia vào hoạt động khởi nghiệp.
Kết thúc Diễn đàn, Thủ tướng bày tỏ sự tin tưởng lớn lao đối với các bạn trẻ có khát khao khởi nghiệp: “Tuổi trẻ có thể làm việc lớn, tương lai phụ thuộc vào các bạn”; đồng thời mong Việt Nam có thêm nhiều người trẻ tuổi góp phần làm thay đổi thế giới, “biến Truyền thuyết Thánh Gióng thành hiện thực”, giúp đưa Việt Nam ra biển lớn, để nước ta giàu mạnh, không thua kém bất cứ dân tộc nào trên thế giới.
Hồng Hạnh