Tích cực phối hợp để bảo vệ lợi ích của lốp xe Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ

28/12/2020 16:50 (GMT+7)
Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội và doanh nghiệp xuất khẩu trong quá trình điều tra chống bán phá giá với lốp xe Việt Nam và có phương án hỗ trợ, xử lý kịp thời nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp Việt.

Mức độ cảnh báo nguy cơ cao

Trước đó, tháng 5/2020, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã tiếp nhận hồ sơ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với sản phẩm lốp xe khách và lốp xe tải hạng nhẹ (PVLT tires) có xuất xứ từ Hàn Quốc, Đài Loan - Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam. Cụ thể, nguyên đơn cáo buộc sản phẩm lốp xe từ các nước trong đó có Việt Nam đã bán phá giá và trợ cấp vào thị trường Hoa Kỳ gây ra thiệt hại đáng kể đối với ngành sản xuất trong nước. Đây cũng là sản phẩm được Bộ Công Thương cảnh báo nguy cơ bị nước ngoài điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại từ tháng 7/2019 với mức độ cảnh báo nguy cơ cao.

Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của lốp xe Việt Nam, chiếm trên 50% tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm này
Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của lốp xe Việt Nam, chiếm trên 50% tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm này

Theo số liệu của Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (USITC) kim ngạch xuất khẩu sản phẩm bị điều tra của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ đạt 12,1 triệu USD trong năm 2019, chiếm khoảng 6,7% tổng kim ngạch nhập khẩu sản phẩm này của Hoa Kỳ.

Còn theo Hiệp hội cao su Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm lốp xe của Việt Nam liên tục tăng trong 5 năm qua, đạt mức tăng trưởng bình quân 17,8%/năm. Riêng năm 2019, kim ngạch xuất khẩu lốp xe của Việt Nam đạt 1 tỷ 200 triệu USD. Năm 2019, Việt Nam có 186 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu lốp xe

Sản phẩm lốp xe của Việt Nam được xuất khẩu tới 153 thị trường. Các thị trường lớn nhất là Hoa Kỳ, (đạt 604 triệu USD, chiếm 50,4%), Brazil (40,6 triệu USD chiếm 3,4%), Nhật Bản (36 triệu USD, chiếm 3,1%), Malaysia (36 triệu, chiếm 3,1%), tiếp theo đó là Đức, Ấn Độ, Hà Lan…

Ông Võ Hoàng An - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký VRA nhận định, mặc dù tốc độ tăng trưởng sản xuất và xuất khẩu tốt trong nhiều năm nhưng kim ngạch nhập khẩu các sản phẩm lốp xe vào Việt Nam cũng tăng trung bình 10%/năm trong khoảng 5 năm trở lại đây. Các nhà sản xuất lốp xe lớn cho rằng sản phẩm lốp xe Việt Nam chưa có chỗ đứng tại thị trường nội địa do sự cạnh tranh khốc liệt của sản phẩm từ Thái Lan, đặc biệt về giá.

Phối hợp bảo vệ lợi ích của lốp xe Việt Nam

Chia sẻ về một số khía cạnh pháp lý về các vụ việc phòng vệ thương mại theo các quy định của WTO nói chung và vụ việc lốp của Hoa Kỳ nói riêng, ông Lê Triệu Dũng- Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại nhấn mạnh, việc tích cực phối hợp, trao đổi thông tin giữa các doanh nghiệp với Cục Phòng vệ thương mại là hết sức cần thiết và có ý nghĩa quyết định đến kết quả các vụ việc phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Để ứng phó hiệu quả với vụ việc, Bộ Công Thương khuyến nghị Hiệp hội cao su và các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm lốp xe chủ động nắm bắt tình hình, chuẩn bị hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc xuất khẩu sản phẩm lốp ô tô sang Hoa Kỳ, đồng thời thường xuyên liên lạc với Cục Phòng vệ thương mại để cập nhật, chia sẻ thông tin diễn biến xuất khẩu để có phương án xử lý kịp thời khi vụ việc xảy ra. Trong quá trình điều tra, Bộ Thương mại Hoa Kỳ có thể ban hành kết luận sơ bộ và áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp tạm thời.

Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan có liên quan của Việt Nam để cung cấp các thông tin cần thiết cho phía Hoa Kỳ về các nội dung trợ cấp bao gồm cả vấn đề “định giá thấp tiền tệ” để Bộ Thương mại Hoa Kỳ có đầy đủ căn cứ, dữ liệu trước khi ban hành kết luận điều tra vụ việc.

Nhìn nhận vấn đề, Cục Phòng vệ thương mại đã giới thiệu các quy định pháp luật phòng vệ thương mại của Việt Nam nhằm giúp các doanh nghiệp nắm được nội dung và điều kiện áp dụng của các biện pháp này để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Đặc biệt, trong trường hợp ngành sản xuất trong nước bị thiệt hại gây do tác động của hàng hóa nhập khẩu, các doanh nghiệp có thể kiến nghị lên các cơ quan có thẩm quyền để có những động thái hỗ trợ và bảo vệ lợi ích hợp pháp.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp kháng kiện đạt hiệu quả cao nhất, Cục Phòng vệ thương mại khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội và doanh nghiệp xuất khẩu trong quá trình điều tra vụ việc và có phương án hỗ trợ, xử lý kịp thời nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp Việt Nam

Bên cạnh đó, Cục Phòng vệ thương mại đã khuyến nghị Hiệp hội cao su và các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm lốp xe chủ động nắm bắt tình hình, chuẩn bị hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc xuất khẩu sản phẩm lốp ô tô sang Hoa Kỳ, đồng thời thường xuyên liên lạc với Cục Phòng vệ thương mại để cập nhật, chia sẻ thông tin diễn biến xuất khẩu để có phương án xử lý kịp thời khi vụ việc xảy ra.

Hiệp hội cao su Việt Nam cũng chủ động sẵn sàng tham gia xử lý vụ việc cũng như phối hợp với Cục Phòng vệ thương mại trong suốt quá trình ứng phó nếu Hoa Kỳ chính thức khởi xướng điều tra vụ việc với một số sản phẩm lốp xe ô tô.

Theo Congthuong.vn

Kích thước font In ấn

Bình luận chia sẻ

Mua bán
amity.com.vn
Hi fpt
https://tanadaithanh.vn/
winvoucher.winmart.vn
http://gfs.com.vn
http://www.vafood.com.vn/
Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam
Cơ quan chủ quản: Hiệp hội Thương nhân kinh doanh biên mậu Việt Nam
Số giấy phép: số 450/GP-BTTTT, cấp ngày 8/10/2020, cấp bởi Bộ Thông tin và Truyền thông
 139 đường Nghi Tàm, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.


Tổng biên tập: Ông Phạm Bá Dục
Tổng thư ký: Ông Phạm Hoàng Vũ
Email: kinhdoanhvabienmau@gmail.com
Mọi thông tin bạn đọc vui lòng liên hệ đường dây nóng: 0865191826
® Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam, mọi sao chép phải được sự đồng ý bằng văn bản của Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam.