Rao bán rầm rộ dù dự án chưa hoàn thiện cơ sở pháp lý
Theo tìm hiểu, hiện nay thực trạng khu đất thực hiện dự án Khu nhà ở thôn Đông Yên, xã Đông Phong, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh vẫn là cánh đồng, chưa có hoạt động thi công hạ tầng nhưng đã được giới “cò đất” rao bán rầm rộ.
Một “cò đất” quảng cáo, dự án có khoảng gần 550 lô đất. Về tiến độ thanh toán được chia làm các đợt như sau: "Đợt 1: Cọc 100 triệu vào tài khoản chủ đầu tư; Đợt 2: Thanh toán 15% sau 7 ngày + tiền chênh; Đợt 3: Thanh toán 25% sau 30 ngày; Đợt 4: Thanh toán 50% tháng 5/2021 ký Hợp đồng mua bán; Thanh toán 10% tháng 9/2021 nhận sổ đỏ".
Cũng theo "cò đất" trên, hiện tại giao dịch mua bán chỉ bằng Văn bản thỏa thuận như Hợp đồng góp vốn vào cọc 100 triệu, sau 7 ngày vào 15% giá Hợp đồng. Sau hạ tầng, tháng 5 năm sau (2021) mới ký hợp đồng mua bán.
“Cò đất” quảng cáo, mời chào các giới đầu tư tại dự án Khu nhà ở thôn Đông Yên
Được biết, dự án Khu nhà ở thôn Đông Yên, xã Đông Phong, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh được UBND tỉnh Bắc Ninh ký Quyết định số 419/QĐ-UBND tỉnh ngày 9/9/2020 do Công ty TNHH REQ trúng đấu giá làm chủ đầu tư.
Dự án có tổng diện tích là 108.308,9m2. Trong đó diện tích đất ở để đấu giá quyền sử dụng đất là 57.730m2 chia thành 548 lô, đất cây xanh là 17.866m2, đất bãi đỗ xe là 2.677m2, đất giao thông, hạ tầng kỹ thuật là 30.035m2.
Công ty TNHH REQ trúng đấu giá quyền sử dụng đất dự án với giá trúng đấu giá là 308,88 tỷ đồng. Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án Khu nhà ở thôn Đông Yên với thời hạn sử dụng đất là 50 năm.
Vi phạm Luật kinh doanh bất động sản
Quy định về giao dịch với dự án đã được quy định rất rõ trong Luật Kinh doanh Bất động sản. Cụ thể, theo quy định tại Điều 55 Luật Kinh doanh bất động sản về điều kiện của bất động sản hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh, nêu rõ: ''Có giấy tờ về quyền sử dụng đất, hồ sơ dự án, thiết kế bản vẽ thi công đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, giấy phép xây dựng đối với trường hợp phải có giấy phép xây dựng, giấy tờ về nghiệm thu việc hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ dự án; trường hợp là nhà chung cư, tòa nhà hỗn hợp có mục đích để ở hình thành trong tương lai thì phải có biên bản nghiệm thu đã hoàn thành xong phần móng của tòa nhà đó".
Còn tại Điểm a, Khoản 2, Điều 19, Nghị định số 99-2015 về hướng dẫn Luật Nhà ở quy định, chủ đầu tư không được áp dụng hình thức huy động vốn để phân chia sản phẩm nhà ở hoặc để ưu tiên đăng ký, đặt cọc, hưởng quyền mua nhà ở hoặc để phân chia quyền sử dụng đất trong dự án cho bên được huy động vốn.
Về chế tài xử phạt hành vi huy động vốn trái phép tại các dự án BĐS, theo Điểm Đ Khoản 4, Điều 57, Nghị định 139/2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng trong đó có việc huy động hoặc chiếm dụng vốn trái phép sẽ sẽ bị phạt tiền từ 270.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với chủ đầu tư dự án kinh doanh bất động sản và buộc phải khắc phục hậu quả thực hiện đúng quy định hoặc đúng cam kết, buộc bồi thường thiệt hại (nếu có) cho bên mua, bên thua mua.
Tuy nhiên, trước thực trạng nhiều doanh nghệp bất động sản sẵn sàng “nhờn luật” nhằm đạt được mục đích, đẩy mọi rủi ro cho khách hàng gánh chịu vẫn ngang nhiên huy động vốn trái phép thì cần phải có những chế tài nghiêm minh hơn nữa dành cho chủ đầu tư.
Những hành vi vi phạm này cần phải xử lý triệt để tránh các hệ lụy về kinh tế cho các cá nhân mua bất động sản. Đồng thời, cũng tránh gây bất ổn cho sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Đánh giá về vấn đề này, một chuyên gia bất động sản cho biết: Nếu như có việc dự án Khu nhà ở thôn Đông Yên, xã Đông Phong, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh chưa xây xong móng đã rao bán và nhận đặt cọc của khách hàng là có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc, tiến hành xác minh, làm rõ thông tin trên để kịp thời phát hiện và xử lý các sai phạm (nếu có).
Chúng tôi tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Đà Giang