Yến sào Khánh Hòa dùng “chiêu độc” o ép nhà phân phối phá sản

13/12/2018 10:40 (GMT+7)
Công ty Yến sào Khánh Hòa không ngần ngại dùng nhiều “chiêu độc” để o ép nhà phân phối. Dù đã hợp tác lâu năm, nhưng có nhà phân phối đành ngưng hợp tác vì quá lỗ. Số khác phải ráng chèo chống đến cuối năm mong nhận được phần thưởng để bớt lỗ.
Là một công ty đầu ngành các sản phẩm về yến, nhưng Công ty Yến sào Khánh Hòa không ngần ngại dùng nhiều “chiêu độc” để o ép nhà phân phối.

Cắt hợp đồng không lý do

Hợp tác với Công ty Yến sào Khánh Hòa nhiều năm, nhưng bà Lê Thị Bích Tuyền (ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) không ngờ có ngày nhà phân phối như chị lại bị công ty cắt hợp đồng không lý do.

Tháng 5/2014, hai vợ chồng bà Tuyền lập Công ty Sum Lương để hợp tác phân phối các sản phẩm yến của Yến sào Khánh Hòa. Nhà phân phối sẽ nhập hàng, giao hàng cho khách và thu tiền về. Yến sào Khánh Hòa cử nhân viên giám sát và nhân viên kinh doanh hỗ trợ từng nhà phân phối. Tuy nhiên, nhà phân phối vẫn chịu trách nhiệm chính trong việc bán hàng để đạt được mức doanh số khoán hàng quý hay hàng năm. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2014, Sum Lương đã vượt mục tiêu doanh số cả năm mà Yến sào Khánh Hòa giao.

Đầu năm 2017, thấy sản lượng tiêu thụ giảm, Yến sào Khánh Hòa áp dụng chương trình hỗ trợ bán hàng cộng thêm với một số nhà phân phối lớn, trong đó có Sum Lương. Cụ thể, trong giai đoạn tháng 4-6/2017, nếu nhà phân phối đạt doanh số sẽ được thưởng 5% trên giá trị doanh số tháng. Chương trình thưởng 3% trên doanh số hàng quý (nếu đạt) vẫn được hưởng riêng. Phụ trách khu vực quận 3 và Phú Nhuận, Sum Lương nhanh chóng đạt doanh số tháng 4/2017 là hơn 2,9 tỷ đồng. Nhưng bất ngờ Yến sào Khánh Hòa quyết định cắt hợp đồng với Sum Lương.

Đầu tháng 5/2017, ông Trần Phương - Trưởng bộ phận Kinh doanh chi nhánh TP.HCM của Yến sào Khánh Hòa báo cho Sum Lương biết là bị cắt chương trình hỗ trợ bán hàng trong hai tháng còn lại. Quyết định không kèm theo lý do hoặc bất cứ văn bản nào. Sau khi Sum Lương phản đối thì ông Phương hứa công ty sẽ trả thưởng 3% doanh số của tháng 4/2017 thay vì 5% như đã hứa. Bà Tuyền sau đó đã gặp trực tiếp ông Võ Đình Nhân - Giám đốc chi nhánh TP.HCM của Yến sào Khánh Hòa để trao đổi, nhưng ông Nhân vẫn giữ quyết định cũ.

Như vậy, thay vì trả 5% của doanh số là trên 145 triệu đồng, Yến sào Khánh Hòa chỉ hứa trả hơn 87 triệu đồng, đã khiến nhà phân phối bị thiệt thòi không nhỏ về quyền lợi. Đáng nói hơn, Yến sào Khánh Hòa hứa cuối năm 2017 sẽ trả số tiền trên nhưng đến nay, cuối năm 2018, công ty vẫn im hơi lặng tiếng. Bà Tuyền đã nhiều lần liên hệ lãnh đạo công ty nhưng không nhận được câu trả lời.

Nhiều nhà phân phối cho biết, bán được hàng thì lỗ. Không bán giảm giá thì hàng tồn gây kẹt vốn, không đủ doanh số nên cũng lỗ.

Bán hay không bán cũng lỗ

Sở dĩ bà Tuyền phản ứng dữ dội trước quyết định của Yến sào Khánh Hòa vì một phần họ sai, phần khác vì phía nhà phân phối đang bị o ép quá mức.

Khi nhập các sản phẩm yến sào Sanest lọ và hộp của Yến sào Khánh Hòa, nhà phân phối được chiết khấu 9% trên hóa đơn. Nếu vượt doanh số hàng quý và hàng năm nữa, nhà phân phối được thưởng thêm tổng cộng 11,2%. Tính chung, nhà phân phối như Sum Lương được hưởng chiết khấu và thưởng trên 20% mỗi năm. Tuy nhiên, thực tế lại không đẹp đẽ như vậy.

Theo bà Tuyền, nếu chiết khấu cho khách hàng 16,6% như Yến sào Khánh Hòa tính thì nhà phân phối mới chỉ hòa vốn. Trong khi đó, thực tế trên thị trường, để bán được hàng thì nhà phân phối phải giảm giá tới 18-20%. Như vậy Sum Lương phải chấp nhận lỗ 1,4-2,4%.

Theo anh Sương, nhà phân phối lớn tại thành phố Cần Thơ, do nhà phân phối chưa nhận ra những “chiêu độc” của Công ty Yến sào Khánh Hòa nên nghĩ rằng mình có lời.

Thứ nhất, giá chiết khấu 9% tính khi đơn hàng chưa tính thuế VAT (10%), nên thực tế, nhà phân phối chỉ được giảm còn hơn 8% mà thôi.

Thứ hai, phần thưởng cho nhà phân phối thực chất là bằng hàng chứ không phải tiền mặt, mà hàng này Yến sào Khánh Hòa tính theo giá công ty bán lẻ.

Chương trình khuyến mãi chồng chéo của Yến sào Khánh Hòa khiến nhà phân phối kêu trời vì bị lỗ liên tục.

Ngoài ra, công ty áp doanh số khá cao - theo anh Sương, khiến nhà phân phối phải chạy đua đẩy hàng ra thị trường bằng cách giảm giá thêm nữa. Thực tế giá bán của Sum Lương hay của anh Sương đều phải giảm cho khách 18-20%. Các yếu tố hao hụt làm nhà phân phối lỗ chứ không có lãi như Yến sào Khánh Hòa vẽ ra cho đối tác. Anh Sương cho biết, sau khi chịu lỗ cả năm 2015, anh gánh gồng chịu lỗ thêm 6 tháng đầu năm 2016 nữa. Tưởng đâu Yến sào Khánh Hòa sẽ có chịu hỗ trợ nhà phân phối nhưng không, vì vậy anh ngưng hợp tác. “Bán được thì lỗ. Không bán giảm giá thì hàng tồn gây kẹt vốn, không đủ doanh số nên cũng lỗ” - anh Sương chua chát nói.

Nguyên nhân chính khiến giá bán sản phẩm yến sào Khánh Hòa (hộp và lọ) trên thị trường nhiều khu vực đang loạn, ngoài việc công ty áp doanh số cao còn đến từ chương trình khuyến mãi chồng chéo. Thời gian đầu năm 2018, doanh số tính theo quý chẵn. Nhưng từ tháng 9/2018, Yến sào Khánh Hòa áp mức thưởng quý gần tháng cuối quý này và hai tháng quý sau. Để được nhận thưởng, nhà phân phối phải nhập hàng liên tục từ quý này sang quý khác không được dừng. Và vòng xoáy thua lỗ cứ thế kéo dài. Một số chấp nhận làm đến hết năm, nhận đủ thưởng để giảm số lỗ. Nhưng không ít nhà phân phối khác thà ngưng hợp tác với Yến sào Khánh Hòa chứ không muốn chịu cảnh “làm công không cho công ty ăn”.

Chúng tôi đã liên hệ với ông Đinh Viết Thuận - Giám đốc chi nhánh TP.HCM của Yến sào Khánh Hòa, ông khuyên phóng viên nên liên hệ với chủ tịch công ty là ông Lê Hữu Hoàng. Đồng thời, ông sẽ báo lại với Tổng Giám đốc Nguyễn Anh Hùng. Vì mọi vấn đề của công ty đều do ông Hùng ký duyệt.

Caption

Theo Người Tiêu Dùng

Kích thước font In ấn

Bình luận chia sẻ

Kinh doanh, pháp luật
amity.com.vn
Hi fpt
https://tanadaithanh.vn/
winvoucher.winmart.vn
http://gfs.com.vn
http://www.vafood.com.vn/
Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam
Cơ quan chủ quản: Hiệp hội Thương nhân kinh doanh biên mậu Việt Nam
Số giấy phép: số 450/GP-BTTTT, cấp ngày 8/10/2020, cấp bởi Bộ Thông tin và Truyền thông
 139 đường Nghi Tàm, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.


Tổng biên tập: Ông Phạm Bá Dục
Tổng thư ký: Ông Phạm Hoàng Vũ
Email: kinhdoanhvabienmau@gmail.com
Mọi thông tin bạn đọc vui lòng liên hệ đường dây nóng: 0865191826
® Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam, mọi sao chép phải được sự đồng ý bằng văn bản của Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam.