Việc thực hiện đường lối chính sách của hai tỉnh về việc đẩy mạnh giao thương hàng hóa và mua bán mậu dịch của cư dân hai bên biên giới thông qua các Hiệp định, Quy chế khu vực biên giới, Hiệp định thương mại Việt Nam - Lào; các lực lượng chức năng đã cùng với chính quyền địa phương phối hợp thực hiện tốt các Hiệp định, Quy chế hoạt động thương mại khu vực biên giới, không để xảy ra tình trạng mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và ùn tắc hàng hóa tại khu vực cửa khẩu; tạo điều kiện cho việc kết nối giao thương, tăng cường kim ngạch thương mại giữa hai nước nói chung, hoạt động thương mại biên giới giữa hai tỉnh Thanh Hóa - Hủa Phăn nói riêng.
Lực lượng BĐBP tỉnh Thanh Hóa đang thực hiện công tác tuyên truyền đối với người dân địa phương khu vực biên giới Việt - Lào
Từ nhiều chính sách kích cầu hoạt động thương mại biên giới
Dựa trên lợi thế có được từ những chính sách ưu đãi trong hoạt động thương mại biên giới, lực lượng chuyên trách tại cửa khẩu, lối mở tích cực cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo thông quan, xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu nhanh gọn nhưng vẫn đảm bảo đúng quy trình và tuân thủ đầy đủ các quy định.
Thường niên, Thanh Hóa và Huở Phăn ký kết các văn bản thỏa thuận về hợp tác kinh tế - văn hóa, quốc phòng - an ninh, làm tiền đề để các doanh nghiệp hai địa phương tìm hiểu, hợp tác, đầu tư, sản xuất và kinh doanh thương mại hai chiều.
Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và cư dân hai bên biên giới cơ bản chấp hành tốt pháp luật nước sở tại, thông lệ quốc tế và các quy định của hai địa phương; việc trao đổi hàng hóa của hai địa phương diễn ra trên khu vực biên giới, cửa khẩu nên công tác kiểm tra; kiểm soát của các lực lượng chức năng cũng vì thế nhanh gọn, chặt chẽ.
Công tác cải cách thủ tục hành chính của hai bên cũng được thực hiện có hiệu quả, theo hướng thuận lợi, nhanh gọn. Qua đó cũng giảm được chi phí cho các doanh nghiệp, cùng với việc áp dụng các chính sách ưu đãi, đa số các mặt hàng được hưởng thuế xuất 0%, là động lực thúc đẩy hoạt động thương mại biên giới phát triển.
Công tác kiểm dịch động thực vật, kiểm tra an toàn thực phẩm cũng được chú trọng thực hiện tốt. Bên cạnh đó, một trong những điều kiện tiên quyết thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh biên mậu là tỉnh Thanh Hóa được Trung ương quan tâm hỗ trợ, đầu tư hạ tầng giao thông biên giới kết hợp với nguồn kinh phí địa phương. Các tuyến đường bộ từ Trung tâm TP. Thanh Hóa và cảng biển Nghi Sơn kết nối với các huyện miền núi biên giới giáp với nước bạn Lào, được đầu tư nâng cấp mở rộng, tạo điều kiện cho việc giao lưu và phát triển kinh tế.
Đến những thành quả bước đầu
Từ những thuận lợi đem lại qua các chính sách kích cầu của Đảng; Nhà nước hai Quốc Gia, với sự nỗ lực của chính quyền và nhân dân hai tỉnh mà trong những năm qua kinh tế biên mậu của hai tỉnh Thanh Hóa - Huở Phăn đã cho những thành quả ban đầu.
Mới đây nhất, trong đợt đánh giá công tác năm 2023 trong hoạt động xuất, nhập khẩu với nước bạn Lào qua các cửa khẩu chủ yếu là hoạt động buôn bán thương mại của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp hai tỉnh Thanh Hóa- Huở Phăn chủ yếu các mặt hàng tạm nhập tái xuất và tiểu ngạch. Trong năm 2023, tổng kinh nghạch xuất nhập khẩu đạt 48.028.622 USD (trong đó xuất khẩu đạt 37.406.516 USD; nhập khẩu đạt 10.622.106 USD).
Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là vật liệu xây dựng (sắt; xi măng; tấm lợp; gạch lát nền…), hàng tiêu dùng do Việt Nam sản xuất như: xăng dầu; gas; máy móc, thiết bị, phương tiện tạm xuất - tái nhập phục vụ thi công công trình thuộc các dự án đầu tư, các mặt hàng nhập khẩu: Gỗ; quặng sắt và hàng nông; lâm sản các loại. Theo đó, với 30.923 tấn hàng các loại và 211,866m3 gỗ được nhập về và 43.715 tấn hàng hóa các loại được xuất đi trong năm 2023, ngoài ra có 5.332 tấn hàng hóa và 1 xe phun bê tông được tạm nhập tái xuất trong năm.
Cũng trong năm 2023, lưu lượng người xuất nhập cảnh tăng cao: Nhập cảnh có 26.195 lượt người/8.062 phương tiện; xuất cảnh 26.623 lượt người/8.150 phương tiện, ngoài ra lượng người nhập cảnh qua biên với đạt 17.336 lượt người; xuất cảnh vùng biên giới đạt 17.698 lượt người.
Tính đến ngày 31/5/2024, tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 20.193.026 USD (trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 11.224.675 USD tăng 4,93% so cùng kỳ năm ngoái; nhập khẩu đạt 8.968.351 USD tăng 210% so cùng kỳ năm ngoái).
Hoàng Giáp