Lạng Sơn: Đẩy mạnh đầu tư hạ tầng, khơi dậy tiềm năng kinh tế biên mậu

20/05/2025 10:25 (GMT+7)
Lạng Sơn, một tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam, đang từng bước chuyển mình mạnh mẽ trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và vươn mình trong kỷ nguyên mới của Đất nước. Với vị trí địa lý chiến lược, sở hữu đường biên giới dài tiếp giáp với Trung Quốc, cùng hệ thống giao thông thuận lợi, Lạng Sơn đang tập trung mọi nguồn lực để đẩy mạnh đầu tư hạ tầng, tạo đà cho sự phát triển vượt bậc của kinh tế biên mậu.

Vị trí địa lý chiến lược

Lạng Sơn có 231,74 km đường biên giới quốc gia tiếp giáp với Trung Quốc, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động giao thương, xuất nhập khẩu hàng hóa. Tỉnh sở hữu 2 cửa khẩu quốc tế (Hữu Nghị, Đồng Đăng), 1 cửa khẩu quốc gia (Chi Ma) và 9 cửa khẩu phụ, cùng với hệ thống đường sắt, đường bộ kết nối với các tỉnh, thành phố trong cả nước và các nước láng giềng.

Trong khi đó, Lạng Sơn có lợi thế về giao thông và kết nối rất tốt như: là cửa ngõ quan trọng nối Trung Quốc và các nước ASEAN, là điểm đầu tiên của Việt Nam trên tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng (Việt Nam).

Tỉnh Lạng Sơn nằm cạnh tam giác kinh tế trọng điểm Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa, phát triển các dịch vụ logistics và kết nối với các trung tâm kinh tế lớn của cả nước.

Những năm gần đây, tỉnh Lạng Sơn được quy hoạch ngày càng khang trang, hiện đại, hạ tầng giao thông của tỉnh Lạng Sơn đã có những bước tiến đáng kể. Sự phát triển vượt bậc này đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh.  

Theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Lạng Sơn xác định rõ các mục tiêu và định hướng phát triển. Tỉnh ưu tiên thu hút các dự án thương mại và dịch vụ kinh tế cửa khẩu; du lịch; dịch vụ vận tải, kho bãi, logistics... theo hướng chất lượng cao, văn minh, hiện đại.

Ngoài ra, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, đã xác định rõ mục tiêu tập trung phát triển kinh tế cửa khẩu, công nghiệp thương mại, dịch vụ. Tỉnh tạo điều kiện thuận lợi thu hút doanh nghiệp đầu tư kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn.

Khơi dậy tiềm năng phát triển kinh tế biên mậu

Với những lợi thế trên, Lạng Sơn có tiềm năng to lớn để phát triển kinh tế biên mậu, bao gồm thương mại, dịch vụ, logistics, công nghiệp và thương mại điện tử. Tỉnh có thể trở thành một trung tâm trung chuyển hàng hóa quan trọng, một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư và du khách.

Triển khai nền tảng cửa khẩu số tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và cửa khẩu Tân Thanh (nay là đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1088/2-1089 thuộc cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị) là một trong những hoạt động giúp khơi dậy tiềm năng phát triển kinh tế biên mậu giữa Việt Nam – Trung Quốc.

Những năm vừa qua, tỉnh Lạng Sơn đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi, cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư. Tỉnh tập trung thu hút các dự án đầu tư vào các lĩnh vực: Khu công nghiệp, cụm công nghiệp; Thương mại biên giới, dịch vụ, logistics; Du lịch; Chế biến, chế tạo….

Chính vì vậy, Lạng Sơn đã đạt được một số kết quả tốt: Về tăng trưởng kinh tế, Lạng Sơn có sự tăng trưởng ổn định, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ và du lịch.

Về Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn tỉnh tăng trưởng đáng kể.

Về phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng cửa khẩu được tỉnh đầu tư nâng cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động giao thương.

Cụ thể, tỉnh Lạng Sơn đã phân bổ hàng chục nghìn tỷ đồng để đầu tư xây dựng, hoàn thiện các công trình, dự án phát triển kết cấu hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn. Theo Sở Công thương Lạng Sơn từ năm 2016-2024, Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn đã thu hút 154 dự án. Trong đó có 16 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đầu tư hơn 87 triệu USD và 138 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn đầu tư hơn 16.000 tỷ đồng. Các dự án chủ yếu thuộc các lĩnh vực xây dựng hạ tầng cơ sở, trung tâm thương mại….

Trong đó, điển hình là tập trung đầu tư xây dựng công trình tòa nhà cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và tuyến đường chuyên dụng xuất, nhập khẩu hàng hóa qua mốc 1119-1120 tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị; tuyến đường chuyên dụng vận tải hàng hóa tại cửa khẩu Tân Thanh; nâng cấp, cải tạo đường xuất, nhập khẩu cửa khẩu Chi Ma (Lộc Bình); Khởi công tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng; cải tạo nâng cấp tuyến đường Hữu Nghị  -Bảo Lâm.. Những dự án này đã hoàn thành và đưa vào sử dụng kịp thời, góp phần quan trọng trong việc phát huy hiệu quả Khu kinh tế cửa khẩu, đặc biệt là tạo thuận lợi cho hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa của cả nước qua địa bàn tỉnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát lệnh khởi công tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng với chiều dài 60km, tổng mức đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng, một trong những dự án đầu tư hạ tầng của tỉnh Lạng Sơn.

Những nỗ lực của Lạng Sơn trong việc đẩy mạnh đầu tư hạ tầng và phát triển kinh tế biên mậu đã mang lại những kết quả tích cực.

Năm 2022, tỉnh đã phát triển và đưa vào triển khai nền tảng cửa khẩu số tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và cửa khẩu Tân Thanh (nay là đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1088/2-1089 thuộc cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị).

Tỉnh triển khai thực hiện Đề án thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh tại đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1119-1120 và đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1088/2-1089 thuộc cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam) - Hữu Nghị Quan (Trung Quốc). Đây là mô hình thí điểm đầu tiên trên cả nước với việc xây dựng tuyến đường chuyên dụng xuất nhập khẩu độc lập, khép kín, tách biệt với tuyến vận chuyển truyền thống hiện nay. 

Các phương tiện chở hàng hóa xuất, nhập khẩu qua Cửa khẩu Chi Ma, việc Lạng Sơn không ngừng đầu tư cơ sở hạ tầng, đã nâng cao hiệu quả hoạt động xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu trên địa bàn. (Ảnh baolangson.vn)

Đề án thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh được kỳ vọng hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu của Lạng Sơn với mục tiêu phấn đấu đến năm 2027 nâng cao năng lực thông quan gấp 2-3 lần so với thời điểm hiện nay; phấn đấu đến năm 2030 nâng cao năng lực thông quan gấp 4-5 lần so với thời điểm hiện nay. Điều này giúp khơi dậy tiềm năng phát triển kinh tế biên mậu giữa Việt Nam – Trung Quốc.

Lạng Sơn đang đứng trước những cơ hội lớn để phát triển kinh tế biên mậu. Với sự quyết tâm của chính quyền địa phương, sự đồng lòng của người dân và sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, Lạng Sơn sẽ vượt qua những thách thức, khai thác tối đa tiềm năng, trở thành một trung tâm kinh tế quan trọng của khu vực và cả nước. Việc đẩy mạnh đầu tư hạ tầng là chìa khóa để Lạng Sơn hiện thực hóa mục tiêu này, tạo đà cho sự phát triển bền vững và thịnh vượng.

Tuấn Anh 


Kích thước font In ấn

Bình luận chia sẻ

Kinh doanh, pháp luật
Tin đã đăng
https://thtruefood.com.vn/
https://tanadaithanh.vn/
winvoucher.winmart.vn
http://gfs.com.vn
http://www.vafood.com.vn/
Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam
Cơ quan chủ quản: Hiệp hội Thương nhân kinh doanh biên mậu Việt Nam
Số giấy phép: số 450/GP-BTTTT, cấp ngày 8/10/2020, cấp bởi Bộ Thông tin và Truyền thông
 268A đường Âu Cơ, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.


Phó Tổng biên tập: Ông Tạ Trung Thành
Tổng thư ký: Ông Phạm Hoàng Vũ
Email: kinhdoanhvabienmau@gmail.com
Mọi thông tin bạn đọc vui lòng liên hệ đường dây nóng: 0865191826
® Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam, mọi sao chép phải được sự đồng ý bằng văn bản của Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam.