Sự kiện này không chỉ là một cột mốc quan trọng trong quan hệ hợp tác song phương Việt - Trung mà còn là một bước tiến lớn trong việc thực hiện Hiệp định tạo thuận lợi vận tải người và hàng hóa qua lại biên giới giữa các nước Tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS-CBTA).
Hai tuyến vận tải chính được khai thác gồm: Côn Minh - Cửa khẩu Hà Khẩu (Trung Quốc) - Cửa khẩu Lào Cai (Việt Nam) - Hà Nội - Hải Phòng và Nam Ninh - Cửa khẩu Hữu Nghị Quan (Trung Quốc) - Cửa khẩu Hữu Nghị (Việt Nam) - Hà Nội. Đây là hai tuyến vận tải đường bộ có lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu lớn và đóng vai trò quan trọng trong thương mại song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Lễ đón phương tiện vận tải Trung Quốc sang Việt Nam (Ảnh Nhân dân)
Việc khai trương tuyến vận tải xuyên biên giới này là kết quả của nhiều năm đàm phán và chuẩn bị kỹ lưỡng giữa Việt Nam và Trung Quốc. Thể hiện cam kết mạnh mẽ của hai nước trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động vận tải, giảm thiểu các rào cản hành chính, và tối ưu hóa quy trình thông quan. Điều này không chỉ giúp giảm chi phí vận chuyển và thời gian giao hàng mà còn tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp hai nước.
Tuyến vận tải mới sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc, hai đối tác thương mại lớn. Điều này sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng của thương mại song phương, đặc biệt tạo động lực cho sự phát triển kinh tế biên mậu giữa hai nước. Các doanh nghiệp sẽ có thể tiếp cận thị trường rộng lớn hơn, giảm chi phí và tăng cường khả năng cạnh tranh.
Trước đó, sáng 14/5/2025, những đoàn xe đầu tiên chở linh kiện điện tử, rau quả tươi và hàng bách hóa từ Nam Ninh (Quảng Tây, Trung Quốc) và Côn Minh (Vân Nam, Trung Quốc) đã đồng loạt khởi hành, vượt qua các cửa khẩu Hà Khẩu, Hữu Nghị Quan, tiến thẳng vào nội địa Việt Nam.
Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa thông quan qua Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn). Ảnh TTXVN
Đây là lần đầu tiên xe chở hàng Trung Quốc đi thẳng vào Hà Nội theo các hiệp định vận tải trong khuôn khổ Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS), đánh dấu cột mốc quan trọng trong hợp tác thương mại và logistics khu vực.
Trong thời gian tới, Chính phủ hai bên sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ để hoàn thiện các quy định pháp lý, nâng cấp cơ sở hạ tầng, và tăng cường hợp tác trong lĩnh vực vận tải. Các doanh nghiệp vận tải và logistics sẽ có cơ hội lớn để phát triển và mở rộng hoạt động kinh doanh. Sự kiện này là minh chứng cho thấy sự quyết tâm của Việt Nam và Trung Quốc trong việc thúc đẩy hợp tác song phương và góp phần phát triển vùng kinh tế biên giới một cách toàn diện và bền vững.
Hiệp định về tạo thuận lợi vận tải người và hàng hóa qua lại biên giới giữa các nước Tiểu vùng Mê Công mở rộng được gọi tắt là Hiệp định GMS - CBTA có sự tham gia của 6 nước: Việt Nam, Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar. |
Trung Phú