Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh nêu rõ thực trạng kinh tế tư nhân, 5 giai đoạn phát triển và các kết quả đã đạt được, đồng thời chỉ ra các hạn chế, bài học và đưa ra 08 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ trình bày Chuyên đề "Nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết số 68-NQ/TW, ngày 04/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân và kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/TW". Ảnh VGP/Nhật Bắc (Theo Chinhphu.vn)
Mục tiêu đến năm 2030
Kinh tế tư nhân (KTTN) là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia; là lực lượng tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Có 2.000.000 doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế, 20 doanh nghiệp hoạt động/nghìn dân, có ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; tốc độ tăng trưởng bình quân đạt khoảng 10-12%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, đóng góp khoảng 55-58% GDP, 35-40% tổng thu ngân sách, giải quyết việc làm cho khoảng 84-85% tổng số lao động; năng suất lao động tăng bình quân khoảng 8,5-9,5%/năm.
Tầm nhìn đến năm 2045
Kinh tế tư nhân Việt Nam phát triển nhanh, mạnh, bền vững, chủ động tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu; có năng lực cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế; phấn đấu đến năm 2045 có ít nhất 3.000.000 doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế, đóng góp khoảng trên 60% GDP.
Kết quả đạt được
Có thể đánh giá khái quát về kết quả và đóng góp của kinh tế tư nhân trong quá trình đổi mới, hội nhập và phát triển như sau, kinh tế tư nhân liên tục phát triển, khẳng định vị thế:
Là một động lực quan trọng của nền kinh tế, là kênh huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng thu NSNN tạo việc làm, thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội.
Thúc đẩy hội nhập quốc tế, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và phát triển đất nước.
Tỷ trọng vốn đầu tư của KTTN trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội có xu hướng liên tục tăng, từ 44% năm 2010 lên 56% năm 2023; đóng góp hơn 30% tổng thu NSNN, khoảng 30% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu.
KTTN là khu vực năng động trong đổi mới công nghệ, sáng tạo sản phẩm và dịch vụ. Các doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tăng nhanh, từ 1.500 startup năm 2015 lên khoảng 4.000 startup vào năm 2024.
Đội ngũ doanh nhân ngày càng phát triển lớn mạnh, tinh thần kinh doanh, tinh thần đổi mới và khát vọng vươn lên ngày càng mạnh mẽ; đặc biệt, ngay cả trong những thời kỳ khó khăn, thiên tai, dịch bệnh, các doanh nghiệp, doanh nhân vẫn nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, thể hiện trách nhiệm xã hội với cộng đồng.
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội dự hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc. (Theo chinhphu.vn)
Thực trạng kinh tế tư nhân hiện nay
Kinh tế tư nhân đã có những đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và thu ngân sách. Tuy nhiên, khu vực này vẫn còn gặp nhiều khó khăn như hạn chế về quy mô, công nghệ, năng lực quản trị và khả năng tiếp cận nguồn lực. Nhiều doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh chưa được hỗ trợ đầy đủ để phát triển bền vững.
8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm tháo gỡ điểm nghẽn, tạo đột phá phát triển kinh tế tư nhân
Phát biểu tại Hội nghị công bố và quán triệt Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, 8 nhóm nhiệm vụ và giải pháp đề ra trong Nghị quyết nhằm giải quyết những vấn đề cấp bách, then chốt để thúc đẩy kinh tế tư nhân (KTTN) phát triển thực chất, hiệu quả, bền vững, trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế.
1. Đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức và hành động
Thủ tướng cho rằng, đây là nhóm nhiệm vụ tiên quyết, có ý nghĩa nền tảng, tạo khí thế mới, xung lực mới cho phát triển KTTN. Cần khơi dậy mạnh mẽ tinh thần dân tộc, khát vọng vươn lên của doanh nhân, doanh nghiệp. Đồng thời, yêu cầu các cơ quan báo chí tích cực tuyên truyền, cổ vũ các mô hình hay, cách làm hiệu quả, nghiêm cấm việc đưa thông tin sai lệch, tiêu cực ảnh hưởng đến doanh nghiệp, doanh nhân.
2. Cải cách, nâng cao chất lượng thể chế, chính sách
Nghị quyết yêu cầu xử lý dứt điểm tình trạng thể chế chồng chéo, mâu thuẫn, xem đây là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”. Tinh thần chủ đạo là chuyển tư duy quản lý sang phục vụ và kiến tạo phát triển, bảo đảm quyền sở hữu, quyền kinh doanh, quyền cạnh tranh bình đẳng và thực thi hợp đồng. Đồng thời, phân định rõ ràng trách nhiệm hành chính, dân sự và hình sự để tránh hình sự hóa quan hệ kinh tế, củng cố niềm tin cho doanh nghiệp.
3. Tăng cường tiếp cận các nguồn lực
Tạo điều kiện để KTTN dễ dàng tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất; đa dạng hóa nguồn vốn; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đây là điểm mới quan trọng của Nghị quyết, với các giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ vướng mắc hiện nay.
4. Thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số
Doanh nghiệp tư nhân được khuyến khích đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững thông qua các cơ chế hỗ trợ tài chính vượt trội. Trong đó có việc tính gấp đôi chi phí nghiên cứu phát triển khi xác định thuế TNDN, được trích tối đa 20% lợi nhuận lập quỹ khoa học, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số…
5. Tăng cường liên kết trong và ngoài khu vực
Đẩy mạnh kết nối giữa doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI; hình thành các chuỗi cung ứng, mạng lưới liên kết vùng, ngành nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh.
6. Phát triển doanh nghiệp tư nhân quy mô vừa và lớn
Hình thành các tập đoàn KTTN tầm khu vực và quốc tế thông qua các mô hình hợp tác công - tư linh hoạt. Triển khai chương trình phát triển 1.000 doanh nghiệp tiêu biểu, tiên phong trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và xanh, vươn ra thị trường quốc tế.
7. Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh
Chính sách hỗ trợ cần thực chất, hiệu quả và toàn diện. Ưu tiên nhóm doanh nhân trẻ, phụ nữ, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn. Thực hiện hiệu quả Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia để giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn lực và phát triển bền vững.
8. Phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân
Thủ tướng khẳng định, doanh nhân cần được tạo điều kiện tốt nhất để phát triển, đóng góp cho đất nước. Việc biểu dương, tôn vinh các doanh nhân tiêu biểu, tiên phong, có trách nhiệm xã hội và tham gia tích cực vào quản trị quốc gia là hết sức cần thiết.
Anh Minh