Kinh tế biên mậu - Động lực và triển vọng mới

19/07/2024 10:25 (GMT+7)
Với tổng chiều dài gần 5.000 km biên giới trên đất liền với Lào, Trung Quốc và Campuchia, hoạt động kinh tế biên mậu của Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, ngày càng khởi sắc.

Những tháng đầu năm 2024, hoạt động XNK qua các cửa khẩu đất liền Việt Nam - Trung Quốc khởi sắc. (Nguồn: BQL cửa khẩu Lào Cai)

Hoạt động thương mại biên mậu là khái niệm kinh tế chỉ các hoạt động kinh doanh hàng hóa qua biên giới giữa các nước. Thương mại biên mậu có hai phương thức: kinh doanh biên mậu và giao dịch thương mại. Kinh doanh biên mậu là hoạt động trao đổi thương mại qua biên giới của hai quốc gia lân cận. Giao dịch thương mại là giao dịch của người dân sống ở khu vực quanh vùng biên giới.

Chính phủ ban hành Nghị định 14/2018/NĐ-CP ngày 23/1/2018 quy định về hoạt động thương mại biên giới của thương nhân và mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới.

Thương mại tăng trưởng liên tục

Biên giới Việt Nam - Lào dài hơn 2.337 km đi qua 10 tỉnh của Việt Nam nối với 10 tỉnh của  Lào; Theo thông tin tại website của Ủy ban biên giới quốc gia, tính đến hết tháng 10/2023, trên biên giới Việt - Lào có tổng số 33 cặp cửa khẩu đang hoạt động, trong đó có chín cặp cửa khẩu quốc tế, sáu cặp cửa khẩu chính và 18 cặp cửa khẩu phụ tạo thuận lợi giao thương khu vực, quãng thời gian và chi phí rút ngắn rất nhiều so với các quốc gia trong khu vực châu Á và thế giới.

Trong tương lai, việc hoàn thành hai dự án đường cao tốc Hà Nội - Vientiane và đường sắt Vũng Áng - Vientiane được kỳ vọng giúp giao thương với  Lào trở nên nhanh chóng hơn, giảm chi phí giao hàng, giảm giá thành.

Hiện nay, hai nước đã ký các hiệp định thương mại, quy chế về hàng hóa của  Lào quá cảnh trên lãnh thổ Việt Nam; xây dựng một số khu thương mại tự do ở các cửa khẩu biên giới và xây dựng nhiều siêu thị và trung tâm giới thiệu hàng hóa Việt Nam tại các địa phương của  Lào; hoàn thành Quy hoạch mạng lưới chợ biên giới Việt Nam - Lào.

Việt Nam đứng ở vị trí thứ ba trong số các thị trường xuất khẩu của Lào và cũng đứng ở vị trí thứ ba trong số các quốc gia mà Lào nhập khẩu nhiều nhất. Năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới Việt Nam - Lào đạt 1,58 tỷ USD (tăng 23,3% so với 2021) và chiếm 93% so với tổng trị giá xuất nhập khẩu giữa hai nước.

Trong tháng 1/2024, kim ngạch thương mại song phương tăng 75,8% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 174,4 triệu USD, trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang  Lào đạt 56,8 triệu USD, tăng 104,4% so với cùng kỳ năm 2023.

Đường biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc dài 1.449,566 km, tiếp giáp giữa bảy tỉnh của Việt Nam với tỉnh Vân Nam và khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây của Trung Quốc.

Theo Hiệp định về Cửa khẩu và quy chế quản lý cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc ký ngày 18/11/2009, trên toàn tuyến biên giới Việt - Trung có 22 cặp cửa khẩu. Đến tháng 10/2023, hai bên đã mở được 14 cặp cửa khẩu, gồm sáu cặp cửa khẩu quốc tế và tám cặp cửa khẩu song phương.

Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ sáu của Trung Quốc trên thế giới và lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN, với thương mại song phương chiếm 25% tổng thương mại của Trung Quốc với khối này trong 11 tháng năm 2023. Quý I/2024, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 29,4 tỷ USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm trước. 10 tháng năm 2023, kim ngạch thương mại qua các cửa khẩu biên giới đất liền giữa hai nước đạt 34,57 tỷ USD, tăng 87,3% so với cùng kỳ 2022.

Quảng Tây là một trong năm khu tự trị của Trung Quốc, có dân số khoảng hơn 50 triệu người, là thị trường truyền thống, đóng vai trò rất quan trọng không chỉ với bốn tỉnh biên giới phía Bắc của Việt Nam (Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh) mà còn đối với tổng thể hợp tác kinh tế thương mại hai nước.

Tính đến hết tháng 10/2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) giữa Quảng Tây với Việt Nam đạt khoảng 29,3 tỷ USD, tăng 40,9% so với cùng kỳ 2022 và chiếm khoảng 36,2% tổng giá trị trao đổi ngoại thương của tỉnh. Cùng thời gian này, thương mại Đông Hưng (Trung Quốc) - Việt Nam đạt 2,68 tỷ USD, tăng 161% so với cùng kỳ năm ngoái. Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Quảng Tây, là thị trường XNK lớn nhất của tỉnh này trên thế giới.

Những tháng đầu năm 2024, hoạt động XNK qua các cửa khẩu đất liền Việt Nam - Trung Quốc tiếp tục khởi sắc. Theo Cục Hải quan Lạng Sơn, từ đầu năm 2024 đến cuối tháng 3/2024, các đơn vị hải quan tại cửa khẩu trên địa bàn tỉnh tiếp nhận và giải quyết thủ tục cho hơn 24.400 bộ tờ khai với kim ngạch đạt hơn 6,6 tỷ USD, tăng 42,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong khi đó, Cục Hải quan  Lào Cai cho biết, kim ngạch XNK hàng hóa qua các cửa khẩu tại tỉnh từ ngày 1/1-2/3 đạt hơn 239 triệu USD, tăng 39,3% so với cùng kỳ năm 2023. Tại Quảng Ninh, theo Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái, tính từ 1/1-10/3, tổng kim ngạch XNK hàng hóa qua địa bàn đạt hơn 542 triệu USD, tăng 27,77% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2023. Đây là tín hiệu tích cực trong hợp tác kinh tế thương mại biên mậu giữa hai nước.

Biên giới trên đất liền Việt Nam và Campuchia có chiều dài khoảng 1.137km, đi qua biên giới chín tỉnh của Campuchia và 10 tỉnh của Việt Nam. Cũng theo trang tin của Ủy ban biên giới quốc gia, tính đến tháng 10/2023, biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia có 41 cặp cửa khẩu đang hoạt động, trong đó có 11 cặp cửa khẩu quốc tế, 11 cặp cửa khẩu chính và 19 cặp cửa khẩu phụ.

Việt Nam hiện giữ vững vị trí đối tác thương mại lớn thứ ba và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Campuchia.

Theo Tổng cục Hải quan và Thuế tiêu thụ đặc biệt  Campuchia (GDCE), giá trị XNK hàng hóa qua biên giới giữa  Campuchia và Việt Nam có dấu hiệu tích cực trong hai tháng đầu năm 2024, với tổng kim ngạch hơn 1,4 tỷ USD; tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Thương mại song phương khởi sắc kể từ cuối năm 2023 nhờ vào sự đóng góp của xuất khẩu nông sản của Campuchia. Do hai nước có chung đường biên giới nên người dân các tỉnh biên giới trao đổi hàng hóa với số lượng lớn, vì vậy, số lượng thực tế cao hơn nhiều so với ghi nhận

Động lực và triển vọng mới

Kinh tế biên mậu đã, đang và sẽ ngày càng phát triển cả bề rộng và bề sâu, quy mô và hình thức, dần hình thành những khu kinh tế vùng biên năng động, trực tiếp và gián tiếp tạo điều kiện để các tỉnh giáp biên khai thác, phát huy thế mạnh và tiềm năng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế hợp lý, liên doanh, liên kết nội và liên vùng, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa, góp phần thúc đẩy sản xuất, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống cho người lao động, củng cố tình đoàn kết, hữu nghị, an ninh quốc phòng giữa Việt Nam và các nước cùng chung biên giới.

Trong năm 2024 và những năm tới đây, hoạt động kinh tế biên mậu tiếp tục khởi sắc ở tất cả các vùng biên giới, dựa trên các kết quả đã đạt được từ trước đến nay. Đồng thời, đà tăng trưởng này còn tăng tốc do nhận thêm các động lực mới từ tăng trưởng kinh tế và các cam kết cấp cao của Việt Nam và các bên liên quan.

Theo nguồn Báo mới

 


Kích thước font In ấn

Bình luận chia sẻ

Kinh doanh, pháp luật
Tin đã đăng
https://thtruefood.com.vn/
https://tanadaithanh.vn/
winvoucher.winmart.vn
http://gfs.com.vn
http://www.vafood.com.vn/
Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam
Cơ quan chủ quản: Hiệp hội Thương nhân kinh doanh biên mậu Việt Nam
Số giấy phép: số 450/GP-BTTTT, cấp ngày 8/10/2020, cấp bởi Bộ Thông tin và Truyền thông
 268A đường Âu Cơ, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.


Tổng biên tập: Ông Phạm Bá Dục
Tổng thư ký: Ông Phạm Hoàng Vũ
Email: kinhdoanhvabienmau@gmail.com
Mọi thông tin bạn đọc vui lòng liên hệ đường dây nóng: 0865191826
® Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam, mọi sao chép phải được sự đồng ý bằng văn bản của Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam.