Thanh Hoá: Nỗ lực phát triển kinh tế biên mậu trước nhiều khó khăn, thách thức

13/10/2024 8:50 (GMT+7)
Những năm qua, tỉnh Thanh Hoá đã chú trọng đẩy mạnh phát triển hạ tầng thương mại biên giới nhằm tận dụng và phát huy tối đa lợi thế mà kinh tế biên mậu đem lại cho địa phương, kỳ vọng đưa lĩnh vực này trở thành một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của tỉnh. Mặc dù đứng trước nhiều khó khăn thách thức, nhưng các cấp, các ngành của Tỉnh vẫn nỗ luôn nỗ lực, đạt được một số kết quả bước đầu. Để tìm hiểu thêm thông tin, Phóng viên Tạp chí Kinh doanh Biên mậu Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Xuân Thắng - Trưởng phòng Quản lý xuất nhập khẩu, Sở Công Thương Thanh Hóa.

Ông nhìn nhận thế nào về vai trò cũng như tầm quan trọng của phát triển hoạt động thương mại biên giới của tỉnh nhà?

Như chúng ta đã biết, hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lời, bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác, trong đó bao gồm các hoạt động: mua bán hàng hoá; cung ứng dịch vụ; xúc tiến thương mại; các hoạt động trung gian thương mại… Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, thương mại đã trở thành lĩnh vực tiên phong, quan hệ thương mại đi trước mở đường cho quan hệ ngoại giao chính thức giữa các quốc gia.

Ông Nguyễn Xuân Thắng - Trưởng phòng Quản lý xuất nhập khẩu, Sở Công Thương Thanh Hóa.

Do vậy, hoạt động phát triển thương mại biên giới được đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, là con đường để khai thác những tiềm năng, thế mạnh của nước nhà nói chung và tỉnh Thanh Hoá nói riêng trong việc thu hút đầu tư nước ngoài, đẩy mạnh thực hiện công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước, làm cơ sở khoa học xây dựng kế hoạch và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của nước ta trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay. Phát triển hoạt động thương mại biên giới góp phần đẩy mạnh phát triển quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước Việt Nam - Lào, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thúc đẩy kết nối giao thương, tăng trưởng kim ngạch thương mại giữa hai nước nói chung, hoạt động thương mại biên giới giữa hai tỉnh Thanh Hoá và tỉnh Hủa Phăn nói riêng.

Tỉnh Thanh Hóa xác định đâu là khó khăn lớn nhất trong lộ trình đưa hoạt động thương mại biên giới đi lên? Đâu là nguồn lực “xương sống” của thương mại biên giới Thanh Hóa – Hủa Phăn?

          Bên cạnh những thuận lợi mà Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương hai nước đã hỗ trợ, ban hành nhiều chính sách ưu đãi về hoạt động thương mại biên giới ra, thì vấn đề phát triển hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam - Lào đang là vấn đề đối mặt với nhiều khó khăn nhất trong quá trình thực hiện và phát triển hoạt động thương mại biên giới giữa hai tỉnh.

Để khắc phục hạn chế khó khăn này, trong thời gian qua các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương đặc biệt quan tâm đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong việc chỉ đạo huy động nhiều nguồn lực hướng về biên giới để củng cố tiềm lực mọi mặt, nhằm cải thiện nhu cầu giao thương phát triển kinh tế qua khu vực các cửa khẩu biên giới, như: Ưu tiên phân bổ, đầu tư ngân sách Trung ương và địa phương hàng nghìn tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng địa bàn biên giới, hệ thống điện, đường, trường, trạm. Tổng số vốn được giao theo kế hoạch từng năm từ nguồn ngân sách nhà nước được phân bổ cho công tác đầu tư phát triển giao thông, hạ tầng thương mại biên giới qua các năm cụ thể như sau:

Năm 2020 vốn được phân bổ đầu tư cho các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, phát triển kinh tế - xã hội, thương mại biên giới trên địa bàn 16 xã thuộc 5 huyện biên giới tỉnh là 224.005 triệu đồng; Năm 2021 vốn được phân bổ đầu tư cho khu vực các xã biên giới là 46.5000 triệu đồng;

Năm 2022 vốn đầu tư công cho các chương trình, dự án đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, phát triển kinh tế - xã hội, thương mại biên giới trên địa bàn 16 xã, thuộc 5 huyện biên giới của tỉnh được phân bổ 52.171 triệu đồng; Năm 2023 được phân bổ đầu tư công cho các chương trình, dự án đầu tư cơ sở hạ tầng trên địa bàn 5 huyện biên giới là 883.883 triệu đồng;

Năm 2024 được phân bổ cho khu vực 16 xã biên giới là 137.391 triệu đồng.

Qua đó, chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy rằng, khi công tác phát triển hạ tầng thương mại biên giới trong những năm qua được chú trọng đầu tư, công tác Logistics qua biên giới Việt Nam - Lào đã được cải thiện, giúp cho nhu cầu giao thương phát triển kinh tế qua khu vực các cửa khẩu biên giới thuận lợi, không để xảy ra tình trạng ùn tắc hàng hoá tại khu vực cửa khẩu. Điều này làm thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch hoạt động xuất nhập khẩu giữa hai tỉnh - được coi là nguồn lực “mũi nhọn” của thương mại biên giới giữa hai tỉnh Thanh Hoá và tỉnh Hủa Phăn. Cụ thể, số doanh nghiệp xuất nhập khẩu giữa hai tỉnh Thanh Hoá - Hủa Phăn tham gia xuất khẩu ngày càng nhiều, mặt hàng xuất nhập khẩu ngày càng phong phú, đa dạng. Giá trị hàng hoá xuất nhập khẩu qua các năm, như sau: Năm 2020 đạt 33.2 triệu USD; năm 2021 đạt 26,6 triệu USD; năm 2022 đạt 267,139 triệu USD (tăng trưởng mạnh sau khi kiểm soát được dịch Covid-19, tăng 1.103% so với cùng kỳ), năm 2023 đạt 48,028 triệu USD; 06 tháng đầu năm 2024 đạt 20,193 triệu USD.

Tỉnh Thanh Hóa có một đường biển kéo dài kèm theo đó là nguồn lợi lớn từ biển, ông có xem đây là lợi thế để cung ứng thực phẩm cho nước bạn Lào sau khi hoàn thiện các tuyến giao thông- hạ tầng cơ bản?

Hiện nay, được sự quan tâm của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương, hạ tầng giao thông biên giới tỉnh Thanh Hoá đã được hỗ trợ đầu tư kết hợp với nguồn vốn của tỉnh, của địa phương trong tỉnh, cụ thể: Đầu tư, nâng cấp mở rộng các tuyến đường bộ từ trung tâm thành phố Thanh Hoá và Cảng biển Nghi Sơn kết nối với các huyện biên giới giáp với nước bạn Lào; Đầu tư, xây dựng các tuyến đường ven biển đoạn qua tỉnh Thanh Hoá. Đây là lợi thế lớn của tỉnh Thanh Hoá và tôi mong rằng những tuyến giao thông - hạ tầng cơ bản này sau khi hoàn thiện sẽ là hành lang quan trọng để tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế các huyện ven biển, phát triển các hoạt động thương mại biên giới và củng cố quốc phòng an ninh cho tuyến biên giới trên biển.

Theo ông với mức độ phát triển như hiện nay đã xứng với tiềm năng hoạt động thương mại biên giới của 2 quốc gia? Giải pháp là gì?

Trong những năm qua, hoạt động thương mại biên giới của tỉnh Thanh Hoá giáp với nước bạn Lào đã được quan tâm đầu tư nhiều hơn thông qua các chương trình, dự án đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, phát triển kinh tế - xã hội, thương mại biên giới trên địa bàn biên giới. Tuy nhiên, mức độ phát triển thương mại biên giới sẽ đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới nếu như những khó khăn, vướng mắc sau đây có được những giải pháp, định hướng đúng, cụ thể như sau:

Các xã biên giới tỉnh Thanh Hoá đều được các huyện miền núi có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, địa hình khu vực biên giới tương đối phức tạp, độ dốc cao, thường bị sạt lở vào mùa mưa; gây nhiều khó khăn cho việc đầu tư và xây dựng; hạ tầng kỹ thuật còn chưa đồng bộ; nguồn lực ngân sách trung ương địa phương còn hạn hẹp, chưa đáp ứng được nhu cầu. Đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội chưa mang lại hiệu quả cao; các cơ chế, chính sách đầu tư tại các khu vực miền núi, biên giới chưa đủ hấp dẫn, mới chỉ tập trung vào các nội dung xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới…; Do vậy, tập trung ưu tiên bố trí vốn đầu tư hạ tầng giao thông, hạ tầng thương mại biên giới, nâng cấp các tuyến đường giao thông từ trung tâm các huyện biên giới, các cụm dân cư đến các chợ, tạo điều kiện thuận lợi cho người, phương tiện trao đổi hàng hoá. Tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, quảng bá thông tin hình ảnh và môi trường đầu tư giữa hai tỉnh cần được chú trọng, đầu tư nhiều hơn để thu hút các dự án, các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài trong lĩnh vực thương mại biên giới

Sự bất cập, chồng chéo về quy định pháp luật trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng, bảo vệ môi trường, nhà ở và kinh doanh bất động sản, đấu thầu, quản lý, sử dụng tài sản công, quản lý vốn của nhà nước còn bất cập, chồng chéo, chưa được giải quyết triệt để, gây khó khăn khi áp dụng; Do đó, Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương hai nước cần đẩy mạnh những giải pháp nhằm cải cách công tác thủ tục hành chính đạt hiệu quả, theo hướng thông thoáng, thuận lợi, nhanh gọn; đồng hành, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân hai nước, cũng như nước thứ ba trong hoạt động thương mại biên giới; giải quyết linh hoạt các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nâng cao kỷ cương, kỷ luật công tác, không để xảy ra hiện tượng sách nhiễu, tiêu cực.

Cửa khẩu Na Mèo huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa, là nơi kết nối giao thương văn hóa, buôn bán giữa người dân hai tỉnh Thanh Hóa (Việt Nam) và Hủa Phăn (Lào).

Hạ tầng thương mại, cơ sở vật chất: khu liên kiểm kết hợp kho bãi, nhà công vụ đang còn sơ sài, chưa đảm bảo để thực hiện tốt công tác vận chuyển và lưu kho hàng hoá xuất, nhập khẩu tại khu vực biên giới. Do vậy, việc sớm đầu tư, xây dựng, củng cố hạ tầng Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo, Cửa khẩu chính Tèn Tằn, Cửa khẩu phụ Khẹo; xem xét, tạo điều kiện cấp kinh phí giải quyết, đầu tư xây dựng khu liên kiểm kết hợp kho chứa hàng tại Cửa khẩu quốc tế Na Mèo và Cửa khẩu chính Tén Tằn, nhà công vụ tại Cửa khẩu chính Tén Tằn (huyện Mường Lát) và Cửa khẩu phụ Khẹo (huyện Thường Xuân); cho mở rộng khu vực bãi dừng, đỗ phương tiện, khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng kinh doanh kho, bãi, thuận lợi cho vận chuyển và lưu kho hàng hóa xuất, nhập khẩu nhằm thu hút nguồn hàng quá cảnh, tạm nhập - tái xuất qua Cửa khẩu quốc tế Na Mèo.

Cuối cùng, việc nâng cấp Cửa khẩu chính Tén Tằn thành Cửa khẩu quốc tế, Cửa khẩu phụ Khẹo thành cửa khẩu chính; nâng cấp lối mở Cang - Pó, Kham - Piềng lên cửa khẩu phụ cũng là nhiệm vụ quan trọng trong việc phát triển hoạt động thương mại biên giới trong thời gian tới nhằm đáp ứng đầy đủ, thường xuyên nhu cầu giao thương của các thương nhân, tổ chức hoạt động thương mại biên giới tại các cửa khẩu và lối mở biên giới Việt Nam - Lào.

Thay vì tập trung phát triển các khu cửa khẩu đã có một cách chuyên nghiệp hơn, theo thông tin mới nhận chúng ta tiếp tục khai thác thêm các cửa khẩu khác trong tỉnh, theo ông đây có được xem là hướng đi mới mang tính chất đột phá. Điều này có làm ảnh hưởng tới việc phát triển của khu vực cửa khẩu “truyền thống” lâu nay?

Theo như Quyết định số 1201/QĐ-TTg ngày 14/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch cửa khẩu trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Lào thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó với mục tiêu quy hoạch được xác định như sau: “Hình thành định hướng, lộ trình phát triển hệ thống cửa khẩu tuyến biên giới đất liền Việt nam - Lào trong trung hạn (đến năm 2030) gắn với tầm nhìn dài hạn (đến năm 2050) và xa hơn nữa; Làm cơ sở cho các bộ, ngành và các tỉnh biên giới Việt Nam - Lào triển khai việc đầu tư phát triển cửa khẩu biên giới phù hợp quy hoạch cửa khẩu…”. Để triển khai thực hiện Quyết định số 1201/QĐ-TTg nêu trên, Uỷ ban nhân dân tỉnh Thanh Hoá đang hoàn thiện dự thảo Kế hoạch triển khai thực hiện quyết định số 1201/QĐ-TTg ngày 14/10/2023 của Thủ tướng Chỉnh phủ phê duyệt Quy hoạch cửa khẩu trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Lào thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây chính là cơ sở hành lang pháp lý để tỉnh Thanh Hoá xác định rõ được mục tiêu trọng tâm, trọng điểm trong thời gian tới để ưu tiên khai thác phát triển hạ tầng thương mại biên giới tại các cửa khẩu biên giới theo định hướng của Quyết định trên./.

Trân trọng cảm ơn ông!

Hoàng Giáp

Kích thước font In ấn

Bình luận chia sẻ

Kinh doanh, pháp luật
https://thtruefood.com.vn/
https://tanadaithanh.vn/
winvoucher.winmart.vn
http://gfs.com.vn
http://www.vafood.com.vn/
Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam
Cơ quan chủ quản: Hiệp hội Thương nhân kinh doanh biên mậu Việt Nam
Số giấy phép: số 450/GP-BTTTT, cấp ngày 8/10/2020, cấp bởi Bộ Thông tin và Truyền thông
 139 đường Nghi Tàm, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.


Tổng biên tập: Ông Phạm Bá Dục
Tổng thư ký: Ông Phạm Hoàng Vũ
Email: kinhdoanhvabienmau@gmail.com
Mọi thông tin bạn đọc vui lòng liên hệ đường dây nóng: 0865191826
® Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam, mọi sao chép phải được sự đồng ý bằng văn bản của Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam.