Hương sắc cố đô trong lòng Hà Nội

20/11/2018 12:45 (GMT+7)
Một trong những hoạt động quan trọng của chuỗi sự kiện chào mừng ngày di sản Việt Nam 23/11 do Ban quản lý Phố cổ Hà Nội phối hợp với các đơn vị tổ chức là chương trình “Hương Sắc Cố Đô”. Chương trình nhằm giới thiệu với khán giả Thủ đô và du khách quốc tế những giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam được gây dựng và lưu giữ trên đất Huế.
 
Nhã nhạc là loại hình âm nhạc cung đình nên lời lẽ tao nhã, điệu thức cao sang, quý phái

 

Thăng Long - Đông Đô và Phú Xuân - Huế là hai miền đất cổ đế Kinh. Hai miền đất văn hiến này là nơi hội tụ và lưu giữ những tinh hoa văn hóa, nghệ thuật truyền thống Việt Nam mà trong đó có nhiều giá trị đã được UNESCO công nhận là di sản. Trong đó, có Nhã nhạc Cung đình Huế - Kiệt tác phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại.

Nhã nhạc - kiệt tác văn hóa truyền khẩu

Nhã nhạc là loại hình âm nhạc cung đình nên lời lẽ tao nhã, điệu thức cao sang, quý phái. Nó biểu tượng cho vương quyền về sự trường tồn, hưng thịnh của triều đại. Vì vậy, Nhã nhạc được các triều đại quân chủ Việt Nam rất coi trọng. Lộc Khê Hầu Đào Duy Từ (1572-1643) được coi là Tiên tổ của nhạc xứ Đàng trong. Khi phò giúp chúa Nguyễn, ngài đã cho lập ra Hòa Thanh thự để truyền dạy các bài ca vũ nhạc dùng trong nghi lễ của phủ Chúa và sáng tác ra nhiều khúc Nhạc mà ngày nay vẫn được dùng trong Nhã Nhạc cung đình Huế. Tiếp thu và kế thừa truyền thống lâu đời của các triều đại trước, Vương triều nhà Nguyễn (1802-1945) đã xây dựng và phát triển hoàn chỉnh hệ thống Nhã Nhạc cung đình. Dưới triều các vua Nguyễn, Nhã Nhạc là một hệ thống bài bản, gắn liền với tất cả các nghi lễ và sinh hoạt ở trong Đại Nội. Sau ngày cáo chung của chế độ phong kiến Việt Nam, một số nhạc công của Nhã Nhạc được duy trì dưới sự bảo trợ của Đức bà Thái hậu Từ Cung.

Biểu diễn nhã nhạc - ảnh TL

Có thể nói Xứ Huế và Bắc Thành là hai trung tâm văn hóa của Việt Nam, với những nền âm nhạc đặc trưng tiêu biểu. Huế là đất đế kinh của vương triều nhà Nguyễn, Bắc thành là tên gọi của đất Thăng Long, Đông Đô được đặt ra bởi Gia Long Hoàng Đế vào đầu thế kỷ 19. Bắc thành với sự kế thừa văn hóa của Thăng Long – Đông Đô có vốn cổ âm nhạc đa dạng với các lối hát cửa đình, hát tuồng bắc, hát chèo, hát chầu văn và hát xẩm. Vào đầu những năm 1990, nhờ sự quan tâm và vận động, bảo trợ của các vị Giáo Sư Trần Văn Khê, nhạc sỹ Tôn Thất Thuyết, nhạc sỹ Nguyễn Thiện Đạo, các nghệ nhân Nhã Nhạc cung đình còn lại đã tập hợp và lập ra câu lạc bộ Nhã Nhạc và Ca Huế Phú Xuân do nghệ nhân Trần Kích (1921-2010) đứng ra làm chủ nhiệm. Năm 1995, nhóm Phú Xuân được mời sang Pháp trình diễn nghệ thuật và thu đĩa tiếng tại nhà văn hóa thế giới ở Paris. Chuyến lưu diễn đã gây ra được tiếng vang lớn trong cộng đồng âm nhạc quốc tế. Từ năm 1996, các nghệ nhân Phú Xuân truyền dạy Nhã Nhạc và Ca Huế cho sinh viên của Học viện Âm nhạc Huế và đã đóng góp tri thức cổ nhạc của mình để xây dựng thành công hồ sơ Nhã Nhạc cung đình triều Nguyễn để trình lên Unessco.

Năm 2003, Nhã Nhạc cung đình triều Nguyễn chính thức được Unessco công nhận là kiệt tác văn hóa truyền khẩu phi vật thể của nhân loại. Đây là di sản văn hóa phi vật thể đầu tiên cùng với không gian cồng chiêng Tây Nguyên được Unessco ghi nhận là giá trị văn hóa của nhân loại. Năm 2008, nghệ nhân Trần Kích- chủ nhiệm câu lạc bộ Nhã Nhạc và Ca Huế Phú Xuân được Bộ Văn hóa nước Cộng Hòa Pháp phong tặng tước vị Hiệp sĩ Văn hóa và Nghệ thuật. Nhã Nhạc cung đình Huế ngày nay nhờ tâm huyết lưu giữ và truyền dạy của các nghệ nhân đã trở thành tài sản âm nhạc của toàn dân tộc. Nhã nhạc Việt Nam mang ý nghĩa âm nhạc tao nhã… Trong các thể loại nhạc cổ truyền Việt Nam chỉ có Nhã nhạc đạt tới tầm vóc quốc gia. Nhã nhạc Việt Nam đã có từ thế kỷ XI, đến thời Nguyễn thì Nhã nhạc cung đình Huế đạt đến độ chín muồi và hoàn chỉnh nhất. Giờ đây, Nhã nhạc cung đình Huế không chỉ là vốn quý của dân tộc Việt Nam mà còn là tài sản vô giá của loài người.

 

Bảo tồn bằng Du lịch

Với những giá trị nổi bật, Nhã nhạc cung đình Huế sẽ tiếp tục được giữ gìn và bảo tồn một cách hiệu quả, góp phần cùng với các loại hình di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam khẳng định vị thế của một dân tộc, một quốc gia giàu truyền thống văn hóa trong khu vực và thế giới.

Xác định những giá trị, tầm quan trọng của loại hình nghệ thuật này, đồng thời góp phần bảo tồn di sản thông qua xây dựng và phát triển thành sản phẩm du lịch là hướng đi đúng đắn, đem lại những nguồn lợi chính đáng. Lâu nay, Huế đã xây dựng nhiều tour đưa khách tới tham quan, trải nghiệm và thưởng thức kiệt tác văn hóa của nhân loại. Tuy nhiên, để xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch từ Di sản này cần phải mở rộng quy mô hơn nữa. Cụ thể, việc đưa di dản này từ Huế ra Hà Nội để kết hợp xây dựng thành sản phẩm du lịch tại Thủ Đô để bảo tồn, quảng bá và phục vụ du khách là việc làm rất ý nghĩa. Cần được sự hỗ trợ từ nhiều phía.

Biểu diễn nhã nhạc - ảnh TL

Ý tưởng bảo tồn di sản Nhã nhạc cung đình giữa lòng Thủ đô thông qua xây dựng thành sản phẩm du lịch phục vụ du khách trong và ngoài nước đã được Ban quản lý phố cổ Hà Nội mạnh dạn triển khai thông qua chương trình “Hương sắc cố đô”. Chương trình với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và chu đáo để thể hiện nổi bật được tầm vóc và ý nghĩa của di sản. Buổi trình diễn âm nhạc của hai miền đất văn hiến sẽ mang tựa đề “Ai vô xứ Huế, ai ra Bắc thành”. Đây là một món quà ý nghĩa nhân kỷ niệm 14 năm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam và cũng là 15 năm Nhã nhạc Cung đình Huế được UNESCO ghi tên vào Danh mục Kiệt tác phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại. Sự kiện sẽ giới thiệu tới khán giả Việt Nam và quốc tế những giá trị tinh hoa trong âm nhạc cổ truyền Việt Nam mà ở đó nhiều bộ môn đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại: nhã nhạc cung đình Huế, hát ca trù, hát chầu văn…

Theo BTC, câu chuyện âm nhạc của xứ Huế và Bắc thành sẽ được thể hiện bởi những bậc thầy ca nhạc hai miền: giọng ca Huế trữ tình, quyền quý của nghệ nhân Thanh Tâm cùng hòa quyện với giọng ca Bắc của NSND Thanh Hoài, tiếng hồ xẩm ấm áp của NSND Xuân Hoạch cùng vang vọng với giọng nhị Huế trầm tư của nghệ nhân Trần Thảo

Các nghệ sĩ, nghệ nhân cổ nhạc nguyên gốc xứ Huế đến từ câu lạc bộ Nhã nhạc và ca Huế Phú Xuân, phần nhạc cổ đồng bằng Bắc Bộ sẽ được thể hiện bởi các nghệ sĩ, nghệ nhân của nhóm Đông Kinh cổ nhạc như NSND Mẫn Thu, NSND Minh Gái, NSUT Kiều Oanh, NSND Xuân Hoạch, NSND Thanh Hoài, NSND Mạnh Phóng, NSUT Thúy Ngần, NSUT Kim Liên với các bài tuồng bắc, ca trù, xẩm, chèo cổ, chầu văn.

Để tour bảo tồn và quảng bá di sản nhã nhạc tới gần hơn với công chúng, góp phần đưa Kiệt tác phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại trở lại với nhân dân theo đúng sự khởi phát ban đầu, sự kiện còn được hoạt hóa trong nhiều nội dung như: trình diễn áo dài, bộ sưu tập mang hương sắc cố đô, đem âm nhạc, di sản vào thời trang, triển lãm trưng bày các đạo cụ về nhã nhạc... tại 50 Đào Duy Từ, Hà Nội.

Khải Bình

 

 

Kích thước font In ấn

Bình luận chia sẻ

Giáo dục
amity.com.vn
Hi fpt
https://tanadaithanh.vn/
winvoucher.winmart.vn
http://gfs.com.vn
http://www.vafood.com.vn/
Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam
Cơ quan chủ quản: Hiệp hội Thương nhân kinh doanh biên mậu Việt Nam
Số giấy phép: số 450/GP-BTTTT, cấp ngày 8/10/2020, cấp bởi Bộ Thông tin và Truyền thông
 139 đường Nghi Tàm, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.


Tổng biên tập: Ông Phạm Bá Dục
Tổng thư ký: Ông Phạm Hoàng Vũ
Email: kinhdoanhvabienmau@gmail.com
Mọi thông tin bạn đọc vui lòng liên hệ đường dây nóng: 0865191826
® Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam, mọi sao chép phải được sự đồng ý bằng văn bản của Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam.