Lại bàn đến chuyện giá cả hàng hóa dịch vụ trong giai đoạn hiện nay

11/08/2023 19:35 (GMT+7)
Điều đáng nói ở đây là trên thị trường thì đầu vào của sản xuất kinh doanh dịch vụ hầu hết đều theo xu hướng giảm là chủ yếu, chính vì vậy những người chỉ thiên về lợi nhuận để tăng giá sớm, tăng giá bất hợp lý vẫn tìm cách thu lợi nhuận, làm thiệt hại túi tiền của người tiêu dùng.

Mở đầu bài viết này, tôi xin kể lại một câu chuyện tăng giá mới nhất: Cách đây mấy hôm bạn tôi có đi ăn bánh cuốn ở ngoài phố, cô chủ quán khi thanh toán đã báo giá thêm 5.000đ/đĩa, mà không có lời giải thích nào thêm.

Bạn tôi có hỏi cô trả lời thản nhiên: “Bọn em đã lên giá cách đây một tuần”.

Điều cần quan tâm là mặt hàng bánh cuốn, nguyên liệu chính là gạo và thịt lợn lại không tăng giá, thậm chí thịt làm chả còn giảm.

Cũng câu chuyện tăng giá, nhiều phóng viên thị trường của các báo đã phản ảnh ý kiến của các bà nội trợ về giá tăng của một số mặt hàng trong một hai tháng nay, nhất là mặt hàng thiết yếu như đường, dầu ăn, mì ăn liền, trứng các loại…

Lại bàn đến chuyện giá cả hàng hóa dịch vụ trong giai đoạn hiện nay (Ảnh minh họa)

Đứng trước tình hình trên và quan tâm đến điều hàng CPI cả năm 2023 nhất là những tháng cuối năm, Chính phủ, Bộ ngành và các địa phương đã có những động thái chỉ đạo kịp thời việc quản lí và tổ chức thực hiện việc bình ổn giá thị trường.

Chúng ta công nhận có một số điều kiện khách quan đem lại việc tăng giá hàng hóa trong mấy tháng nay như việc tăng giá điện, giá nước ở một số địa phương, giá sách giáo khoa, học phí, giá cước hàng không, ăn uống theo mùa du lịch.

Điều đáng nói ở đây là trên thị trường thì đầu vào của sản xuất kinh doanh dịch vụ hầu hết đều theo xu hướng giảm là chủ yếu, chính vì vậy những người chỉ thiên về lợi nhuận để tăng giá sớm, tăng giá bất hợp lý vẫn tìm cách thu lợi nhuận, làm thiệt hại túi tiền của người tiêu dùng.

Trước tình hình trên người đúng đầu Chính phủ gần đây có định hướng thật rõ ràng: “Giá cả phải là động lực thúc đẩy, chứ không phải triệt tiêu sự phát triển”.

Rõ ràng việc làm chưa đúng đắn trên của một bộ phận doanh nghiệp cá nhân kinh doanh dịch vụ trên thị trường cho chúng ta thấy nếu không kiểm soát được tình hình như hiện nay và diễn biến tiếp tục theo chiều hướng xấu hơn thì chắc chắn sẽ kìm hãm sự phát triển của sản xuất và kìm hãm cả sức mua trong nước: Mặt bằng giá cả nhất là những mặt hàng thiết yếu phục vụ cho dân sinh có những điều hết sức bất hợp lý nêu ở trên, vừa không có lợi cho kích thích sản xuất trong nước phát triển, đồng thời người tiêu dùng buộc phải chấp nhận những giá cả cao vô lí hàng ngày một cách phổ biến. Cần phải nói thêm rằng hiện nay nhà nước chỉ quản lý giá một số danh mục mặt hàng rất thiết yếu như xăng, dầu, điện…

Nhưng trên thị trường còn có hàng nghìn mặt hàng, nhóm hàng hoạt động mua bán theo cơ chế thị trường thuận mua vừa bán mà nhu cầu tiêu dùng, sử dụng các gia đình vẫn cần đến và phải mua sắm.

Chúng ta chưa có giải pháp và các quy định để quản lý giá những mặt hàng này thường xuyên hoặc quản lý giá theo từng giai đoạn khi giá tăng vô lý, đột biến. Trong giai đoạn hiện nay để hoàn thành kế hoạch nhà nước năm 2023, trong đó có chỉ tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 4,5%/năm, chính vì vậy Chính phủ luôn luôn quan tâm đến lĩnh vực quản lý giá ở thị trường nội địa.

Chính phủ coi xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng là ba khâu then chốt cho phát triển kinh tế bền vững, chính vì vậy nếu chúng ta giải được bài toán về giá cả, đưa về mức giá hợp lý những mặt hàng có diễn biến giá theo chiều hướng xấu chắc chắn sẽ góp phần thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng xã hội và hoàn thành nhiệm vụ chung của kế hoạch nhà nước trong năm nay.

Giả sử một cần thịt ba chỉ ở một số siêu thị đang ở hơn 200 nghìn đồng/kg (ở chợ 130-140 nghìn đồng/kg) nếu giảm được giá bán tại siêu thị từ 30-40 nghìn đồng/kg thì chắc chắn lượng tiêu thụ thịt ở kênh hiện đại sẽ tăng lên.

Tương tự cũng giải quyết như vậy, một kg cam sành ở Vĩnh Long và một số nơi khác tại vườn chỉ có giá 5-6 nghìn đồng/kg nhưng tại các thành phố lớn, người mua lẻ đã phải mua với giá từ 17-25 nghìn đồng/kg, thậm chí còn cao hơn khi thời tiết tăng nhiệt độ cũng được giảm giá từ 5-7 nghìn đồng/kg.Tình hình giá cả của một số mặt hàng diễn biến không có lợi ở trên, dư luận xã hội và người tiêu dùng có quyền đặt câu hỏi: Việt Nam chúng ta hàng hóa sản xuất trong nước cộng với hàng nhập khẩu, nhất là nhóm hàng nông sản thực phẩm khá dồi dào, đủ sức cho nội địa và xuất khẩu đi các nước với khối lượng lớn, vì sao chúng ta chưa ổn định tương đối lĩnh vực giá cả, gây những bất lợi cho thị trường trong nước và đời sống của nhân dân.

Vậy giải pháp cần thiết hiện nay là gì?

Thứ nhất, cần bổ sung vào các văn bản dưới luật về quản lý giá hàng hóa, khi có những việc tăng giá đột biến gây bất ổn thị trường (ngoài danh mục các mặt hàng hiện nay nhà nước đang quản lý giá).

Thứ hai, các quy định về quản lý cần cho phép các cơ quan chức năng như quản lý thị trường, cục quản lý giá bộ tài chính, có quyền yêu cầu các đơn vị có các biểu hiện tăng giá vô lý, đột biến không có cơ sở phải kê khai giá. Nếu thu lợi nhuận quá mức, hơn cả người sản xuất thì yêu cầu hạ giá xuống.

Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh sản xuất hàng hóa trong nước, lưu thông phân phối dễ dàng các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh liên kết chặt chẽ trong các chuỗi cung ứng, giảm bớt trung gian bất hợp lý, chống độc quyền mua, độc quyền bán, ép chiết khấu cao vô lý khi người sản xuất đưa hàng vào bán đại lý tại các trung tâm thương mại, siêu thị.

Thứ tư, Nhà nước cần đầu tư cơ sở hạ tầng như: Đường giao thông, bến cảng, hiện địa hóa các phương tiện vận chuyển bốc xếp, xây dựng hệ thống logictics nhằm giảm giá thành hàng hóa lưu thông.

Thứ năm, tổ chức các hệ thống chợ đầu mối vùng, trong đó có các sàn giao dịch nông sản thực phẩm, đảm bảo mua bán công khai, minh bạch, chú trọng dự trữ quốc gia những mặt hàng thiết yếu đề phòng những việc bất khả kháng không lường trước được.

Thứ sáu, kiểm soát các mặt hàng là đầu vào của toàn xã hội như xăng dầu, điện, than... đảm bảo cạnh tranh, định giá bán lẻ khó kiểm soát.

Làm được những vấn đề trên, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, tham mưu của các Bộ, ngành và các địa phương, cùng sự nỗ lực chủ quan, tự giác của các doanh nghiệp và sự ủng hộ, giám sát thường xuyên của người tiêu dùng, các hiệp hội liên quan, chắc chắn công tác quản lý giá trong năm 2023 và những năm tiếp theo sẽ có những bước tiến vững chắc góp phần vào việc thúc đẩy sản xuất và phục vụ tiêu dùng xã hội.

Chuyên gia kinh tế  Vũ Vinh Phú


Kích thước font In ấn

Bình luận chia sẻ

Hàng hóa và thương hiệu
Tin đã đăng
https://thtruefood.com.vn/
https://tanadaithanh.vn/
winvoucher.winmart.vn
http://gfs.com.vn
http://www.vafood.com.vn/
Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam
Cơ quan chủ quản: Hiệp hội Thương nhân kinh doanh biên mậu Việt Nam
Số giấy phép: số 450/GP-BTTTT, cấp ngày 8/10/2020, cấp bởi Bộ Thông tin và Truyền thông
 268A đường Âu Cơ, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.


Tổng biên tập: Ông Phạm Bá Dục
Tổng thư ký: Ông Phạm Hoàng Vũ
Email: kinhdoanhvabienmau@gmail.com
Mọi thông tin bạn đọc vui lòng liên hệ đường dây nóng: 0865191826
® Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam, mọi sao chép phải được sự đồng ý bằng văn bản của Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam.