Kích cầu tiêu dùng quan trọng nhất là tạo thêm sức mua xã hội một cách bền vững

08/09/2023 19:10 (GMT+7)
Từ nay cho đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 chỉ còn vài ba tháng nữa, theo thống kê hàng năm, sức mua xã hội sẽ tăng dần cho đến cuối năm.

Trong 1 - 2 tháng gần đây, liên tục các hội chợ thương mại, xúc tiến giới thiệu sản phẩm, các đợt khuyến mãi được mở ra ở các vùng miền, các siêu thị, Trung tâm thương mại trên cả nước… những sự kiện trên cho thấy, tiêu dùng là một trong 3 trụ cột chính để phát triển kinh tế tại Việt Nam và tiêu dùng là một trong những trụ cột đang rất được coi trọng, nhất là trong giai đoạn hiện nay.

Thực tế cho thấy, trong khi xuất khẩu còn có những khó khăn, thì thị trường nội địa một trăm triệu dân và nhiều tiềm năng chưa được khai thác, chắc chắn là cái đích mà các nhà sản xuất bán lẻ phải đặc biệt quan tâm.

Chúng ta rất coi trọng các biện pháp kích cầu đang thực hiện, và từ ngày 1/7/2023 lại được kích thích thêm với chính sách giảm thuế VAT của Nhà nước… điều này sẽ đem lại luồng sinh khí mới cho sức mua xã hội, đặt biệt là từ nay đến Tết Nguyên đán 2024.

Kích cầu tiêu dùng quan trọng nhất là tạo thêm sức mua xã hội một cách bền vững

Trong việc kích cầu tiêu dùng, kinh nghiệm cho biết việc tạo sức mua bền vững chắc chắn là giải pháp quan trọng nhất mà chúng ta phải đi sâu và đề cập tới nhằm thực hiện hiệu quả hơn trong việc thúc đẩy sản xuất, tăng doanh số bán lẻ, lợi nhuận cho doanh nghiệp từ nay đến cuối năm.

Vậy, muốn tạo ra sức mua hiệu quả bền vững chúng ta phải làm gì? Để giải quyết vấn đề này bài toán đầu tiên phải giải quyết là tạo công ăn việc làm, thu nhập, nâng cao đời sống của từng gia đình và các cá nhân trong cộng đồng. Tìm mọi cách thu hút thêm lao động vào các doanh nghiệp, tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công lớn hơn, nhanh hơn và mạnh mẽ hơn.

Làm được hai vấn đề trên không chỉ nâng cao sức mua của người lao động, của khu vực doanh nghiệp và đầu tư công, mà còn có sức lan tỏa mạnh mẽ sang các ngành sản xuất vật chất, dịch vụ khác như cung cấp nguyên vật liệu cho sản xuất, các vật liệu sắt thép, xi măng… để phục vụ cho các công trình được đầu tư trong cả nước. Tiếp theo đó, chúng ta phải giải bài toán giữa sản xuất và phân phối tiêu dùng.

Hàng hóa sản xuất hiện nay của chúng ta khá dồi dào, chất lượng đã được nâng cao một bước, tuy nhiên sự gắn kết giữa sản xuất phân phối còn lỏng lẻo, chia cắt, còn mang tính cục bộ, lợi nhuận trong chuỗi giá trị phân chia không công bằng, thiệt hại thường rơi vào người sản xuất của cải vật chất cho xã hội. Các chuỗi cung ứng ngắn tạo ra nhằm giảm chi phí ở khâu trung gian chưa được thiết lập nhiều. Ở Việt Nam, chuỗi cung ứng chưa được coi trọng đúng mức, phát triển sản xuất và giải quyết đầu ra cho sản phẩm còn lúng túng, bị động, chậm khắc phục.

Trong khi đó, việc kiểm soát hàng hóa buôn lậu, gian lận thương mại tuy có cố gắng nhưng chưa đạt hiệu quả cao. Người sản xuất kinh doanh chân chính bị thua thiệt, những tổ chức cá nhân làm ăn phi pháp “giàu to”, có hiện tượng coi thường pháp luật. Mặt khác, việc cạnh tranh trong lĩnh vực thương mại nội địa còn thiếu bình đẳng, minh bạch, công khai.

Ngoài các tồn tại làm hạn chế sức mua xã hội nêu trên, một lần nữa chúng ta phải nhắc lại, chính việc mua bán hàng hóa ở thị trường Việt Nam thiếu công khai, minh bạch, bị ép cấp, ép giá, hàng hóa đi qua nhiều khâu trung gian dẫn tới việc hình thành giá cả không hợp lý. Đúng ra, nếu được tổ chức tốt thì người tiêu dùng lẻ phải được hưởng một giá bán hợp lý, nhưng trong thực tế không phải như vậy. Giá còn bị đẩy lên cao do sự độc quyền của một số nhà bán lẻ ở trên thị trường hiện nay, mà hầu như chưa có những can thiệp của các hiệp hội, cơ quan quản lý Nhà nước.

Chính những vấn đề tồn tại nêu trên, đã làm hạn chế đáng kể việc kích cầu tiêu dùng. Chúng ta phấn khởi vì nhiều đợt khuyến mại kích thích tiêu dùng, nhưng vẫn còn đâu đó theo phản ánh của khách hàng, các phóng viên báo chí đó là: Cách khuyến mại chưa đủ độ chín về thời gian, chất lượng hàng hóa, giá cả khuyến mại chưa đem lại niềm vui cho người tiêu dùng xã hội.

Tóm lại, với những tồn tại nêu trên đã làm hạn chế việc kích thích sức mua xã hội, niềm tin tiêu dùng chưa được vững chắc, ít có tác dụng cho những đợt kích cầu sau này ở thị trường nội địa. Một thực tế mà ai cũng nhận thức được đó là, sức mua không thể tăng lên một cách mạnh mẽ bởi trong thực tế hiện nay, theo Viện Kinh tế công nhân của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, thì lương công nhân chưa đủ trang trải cuộc sống. Còn nông dân chiếm tới 70% lực lượng lao động xã hội, thì hàng hóa nông sản làm ra hay bị được mùa mất giá, lợi nhuận sau bán ra không đủ chi phí trồng trọt, chăn nuôi…

Chúng ta tin tưởng rằng, nếu phát huy được những mặt mạnh của các đợt kích cầu đã, đang và sẽ diễn ra từ nay trở đi; đồng thời, khắc phục những tồn tại, khiếm khuyết đã nêu ở trên của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, được sự hỗ trợ trực tiếp tại các địa phương và các bộ ngành có liên quan bằng các chính sách sản xuất và tiêu thụ hàng hóa hợp lý.

Lấy trọng tâm là tạo thêm sức mua xã hội một cách bền vững. Chắc chắn, việc kích cầu tiêu dùng sắp tới sẽ có những đóng góp tích cực vào việc thực hiện kế hoạch lưu chuyển hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội năm 2024, làm tiền đề cho sự phát triển sản xuất thương mại dịch vụ những năm tiếp theo.

Chuyên gia Vũ Vinh Phú

Kích thước font In ấn

Bình luận chia sẻ

Hàng hóa và thương hiệu
amity.com.vn
Hi fpt
https://tanadaithanh.vn/
winvoucher.winmart.vn
http://gfs.com.vn
http://www.vafood.com.vn/
Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam
Cơ quan chủ quản: Hiệp hội Thương nhân kinh doanh biên mậu Việt Nam
Số giấy phép: số 450/GP-BTTTT, cấp ngày 8/10/2020, cấp bởi Bộ Thông tin và Truyền thông
 139 đường Nghi Tàm, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.


Tổng biên tập: Ông Phạm Bá Dục
Tổng thư ký: Ông Phạm Hoàng Vũ
Email: kinhdoanhvabienmau@gmail.com
Mọi thông tin bạn đọc vui lòng liên hệ đường dây nóng: 0865191826
® Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam, mọi sao chép phải được sự đồng ý bằng văn bản của Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam.