Huyện Bá Thước (tỉnh Thanh Hóa): Tập trung phát triển các sản phẩm OCOP gắn với du lịch, thúc đẩy tiềm năng phát huy thế mạnh

16/10/2023 13:58 (GMT+7)
Huyện Bá Thước là điểm du lịch “hút khách” miền Tây xứ Thanh cũng như cả nước, là điểm đến ấn tượng của du khách trong nước và quốc tế đến thăm quan, nghỉ dưỡng. Việc thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP của Thanh Hóa, sẽ là điều kiện thuận lợi để địa phương phát triển các sản phẩm OCOP tiêu biểu có giá trị gắn liền với du lịch địa phương…

Bá Thước là một huyện miền núi và nằm ở phía Bắc Tây bắc của tỉnh Thanh Hóa, huyện này cách thành phố Thanh Hóa khoảng 120 km. Huyện có địa hình đa dạng và phức tạp, với 3/4 diện tích bao gồm đồi núi và được chia cắt mạnh bởi hệ thống sông suối. Nơi đây có sự xen lẫn giữa các gò đồi, cánh đồng và thung lũng. Độ cao trung bình khoảng từ 80 đến 100 mét so với mặt nước biển, địa hình từ thấp dần khi đi về phía Đông. Đây là khu vực đất đai màu mỡ nên được xem là trọng điểm cho việc trồng lúa và cây hoa màu.

Để ra được sản phẩm nếp cau Pù Luông phải trải qua thời gian lâu dài và các công đoạn khá khắt khe...

“Đánh thức” tiềm năng, hình thành hệ sinh thái OCOP Miền tây xứ Thanh

Để đánh thức tiềm năng phát triển nông nghiệp, nông sản với nhiều lợi thế, những năm qua Lãnh đạo và nhân dân huyện Bá Thước luôn tranh thủ mọi nguồn lực và lợi thế tập trung cho sự phát triển nền Nông nghiệp địa phương. Một trong những điểm nhấn quan trọng là việc UBND huyện tiến hành từng bước việc hỗ trợ bà con tiếp cận thị trường tiêu thụ, đẩy mạnh sản xuất nông sản đặc trưng

Trong rất nhiều sản phẩm có giá trị, có thể kể đến một số sản phẩm nông nghiệp mang tính đặc trưng, đặc sản của Bá Thước như Quýt hôi Quốc Thành, Giảo cổ lam, Mía tím…

Quýt hôi Quốc Thành : Với khí hậu, thổ nhưỡng đặc trưng, Quýt hôi Quốc Thành khác biệt với các vùng khác, là giống quýt riêng chỉ có ở 6 xã khu vực Quốc Thành (Ban Công, Thành Lâm, Thành Sơn, Lũng Niêm, Cổ Lũng, Lũng Cao). Hiện, toàn khu vực Quốc Thành của huyện có khoảng 31 ha trồng quýt, trong đó 20 ha đang cho thu hoạch quả. Sản lượng quýt hàng năm cho thu hoạch đạt sản lượng là 121 tấn, với giá bình quân 15.000 -  20.000 đ/kg. Đến nay, sản phẩm Quýt hôi Quốc Thành ngày càng khẳng định chất lượng trên thị trường và được người dân mở rộng quy mô sản xuất.

Để phát triển giống quýt quý này, huyện Bá Thước đã lồng ghép các chính sách hỗ trợ từ Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo nhanh và bền vững hỗ trợ cho nông dân cây giống. UBND huyện Bá Thước cũng đã phối hợp với Viện Thổ nhưỡng nông hóa (trực thuộc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) nghiên cứu, lựa chọn, trình UBND Tỉnh công nhận 6 cây giống đầu dòng và thực hiện đề tài “Phục hồi và phát triển giống quýt hôi trên địa bàn huyện Bá Thước” thuộc nguồn vốn khoa học công nghệ.

Giảo cổ lam : Cây giảo cổ lam được phân bố ở 6 xã khu vực Quốc Thành (Ban Công, Thành Lâm, Thành Sơn, Lũng Niêm, Cổ Lũng, Lũng Cao). Từ năm 2012, xác định giảo cổ lam là sản phẩm bản địa, có giá trị kinh tế cao, có tiềm năng để phát triển kinh tế vùng, UBND huyện Bá Thước đã đầu tư xây dựng mô hình trình diễn trồng di thực cây giảo cổ lam về vườn hộ gia đình.

Đầu ra cho sản phẩm giảo cổ lam rất tốt, thường cung không đủ cầu. Sản phẩm được bán cho các đơn vị như Công ty Dược Đông Á, hoặc các tư thương và người dân tại các tỉnh, thành phố như Hải Phòng, Hà Nội, Nam Định,… và các huyện trong tỉnh Thanh Hóa.

Mía tím Bá Thước :Huyện Bá Thước là một trong những địa phương trồng mía tím nhiều nhất ở Thanh Hoá. Mía tím là loại cây trồng được nhiều hộ nông dân ở của huyện tham gia trồng. Đối với cây mía tím, huyện Bá Thước đã tập trung thâm canh, ổn định đến năm 2025 là 500 ha, diện tích tập trung tại các xã Điền Lư, Điền Trung, Điền Quang, thị trấn Cành Nàng, Lương Ngoại, Lương Trung, Ban Công, Thiết Ống; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất như: xây dựng hệ thống tưới mía, chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh, tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, máy móc, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất thâm canh, tiến tới xây dựng các hợp tác xã sản xuất và chế biến các sản phẩm từ cây mía tím cung cho thị trường trong và ngoài huyện.

Ngoài những nông sản đặc trưng nêu trên, huyện Bá Thước còn có giống lúa nếp hạt cau, nếp cái hoa vàng, mía tím cũng được địa phương xác định là sản phẩm đặc sản có lợi thế. Theo đó, đối với lúa gạo đặc sản tập trung tại các ruộng bậc thang ở các xã: Ban Công, Thành Sơn, Thành Lâm, Lũng Niêm, Cổ lũng và Lũng Cao, được trồng với diện tích khoảng 100 ha đã tạo cảnh quan du lịch, vừa là đặc sản phục vụ khách tham quan, du lịch tại địa phương.

Mùa hoa của đất

Một trong những sản phẩm mang tính đặc trưng bản địa lâu đời mà lãnh đạo và người dân địa phương luôn giành tâm huyết, là lúa Nếp hạt cau. Điều kiện thổ nhưỡng phù hợp cho giống lúa nếp hạt cau phát triển là đất trồng phải khô ráo, nơi ruộng cạn, nước cung cấp cho lúa phải sạch. Cây lúa nếp hạt cau này có khả năng phát triển cao và trĩu bông hơn các giống lúa khác nên yêu cầu môi trường đất đai phải ổn định.

Hạt lúa nếp cau tròn và có màu giống hạt cau khi chín

Lúa nếp hạt cau khi chín vỏ hạt màu cau khô, hạt gạo trắng, tròn khi xôi được đồ lên rất dẻo, ăn không ngán mà có hương thơm đặc trưng khó có loại nếp nào sánh được. Loại lúa này không chỉ nổi bật về chất lượng, với hàm lượng Protein chiếm 2,62%; hàm lượng lipit chiếm 0,24g/100g; hàm lượng Glucid chiếm 29,12g/100g; hàm lượng chất xơ chiếm 0,42g/100g. Năng suất lúa bình quân đạt 40 tạ/ha, giá trị thu nhập gấp 3 lần lúa thường, sản phẩm gạo nếp hạt cau có mức giá 50.000 đồng/kg. Việc trồng và chăm sóc giống lúa hạt cau này không chỉ đem lại thu nhập ổn định cho người dân, mà còn đóng góp vào sự phát triển bền vững của nông nghiệp và cảnh quan du lịch xanh mướt cho địa phương.

Lúa nếp hạt cau có thời gian trồng dài hơn so với các loại nếp khác, phải mất tầm 5 tháng mới có thể thu hoạch, thời gian gieo mạ cũng kéo dài từ 25 đến 30 ngày, trong khi các loại nếp khác chỉ cần 15 ngày nên công việc trồng và chăm sóc lúa nếp hạt cau đòi hỏi nhiều công sức, tuy nhiên kết quả thu lại rất đáng “đồng tiền bát gạo”. Giống lúa nếp hạt cau được gieo trồng từ tháng 6 đến tháng 11 sẽ cho thu hoạch, thời gian thu hoạch là thời điểm thích hợp du khách đến tham quan, du lịch Pù Luông dịp cuối năm. Lúa nếp hạt cau cho thu hoạch muộn sẽ góp phần tạo cảnh quan, đem lại trải nghiệm thú vị cho du khách khi đến Pù Luông.

Tuy nhiên, thành phẩm của lúa Nếp cau lại không có giống lúa nào có thể vượt qua về chất lượng

Chị Tâm - thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp Du lịch Ban Công chia sẻ: Ở xã này có 4 làng trồng lúa nếp hạt cau, gồm làng Tôm, làng Chiềng Lau, làng Sát, làng Ba rộng khoảng 20 hecta. Tất cả các hộ trồng giống lúa này đều ký hợp đồng với hợp tác xã bao tiêu khi lúa chín. Công đoạn phơi giống lúa này cũng đòi hỏi lâu hơn, cần tới 6 ngày nắng để đảm bảo chất lượng vỏ và hạt. Việc sản xuất lúa đòi hỏi người dân phải bỏ sức gấp đôi so với trồng các giống lúa khác, nhưng kết quả cho ra một sản phẩm mà không loại lúa nào có được…

Để có được hạt lúa nếp hạt cau chất lượng, nông dân phải thực hiện việc thu hoạch bằng cách nhặt từng bông một thay vì thu hoạch theo bó như các loại lúa khác. Hợp tác xã cùng hỗ trợ kĩ thuật và cung cấp giống cây cho các hộ nông dân, sau đó thu mua sản phẩm. Máy móc cũng không thể tiếp cận một số ruộng nhỏ do địa hình địa phương hạn chế, nên đa phần nông dân phải làm thủ công và chính điều này lại làm nên đặt trưng và chất lượng của sản phẩm. Lúa Nếp hạt cau là một giống lúa cổ được trồng nhiều và chủ yếu ở xã Ban Công (huyện Bá Thước).

Hình thành hệ sinh thái OCOP cho các sản phẩm nông nghiệp miền Tây xứ Thanh là sự phát triển lâu dài.

Hỗ trợ tiếp cận thị trường cho nông dân sản xuất

Mới đây, huyện Bá Thước đã ban hành Kế hoạch Phát triển sản phẩm nông nghiệp có lợi thế của huyện giai đoạn 2021 - 2025. Để thúc đẩy tiêu thụ nông sản đặc trưng, đặc sản miền núi của địa phương, huyện Bá Thước đã rất tích cực hỗ trợ tiếp cận thị trường cho nông dân sản xuất. Thông qua truyền thông cũng như các hội nghị kết nối cung cầu để nông dân sản xuất tiếp cận được xu hướng thị trường, các điều kiện, yêu cầu để cung cấp nông sản đặc trưng, đặc sản vào các trung tâm thương mại, các siêu thị và cửa hàng tiện lợi tiêu chuẩn chất lượng.

Huyện cũng đã có các chính sách tín dụng đặc thù để các hộ sản xuất yên tâm đầu tư sản xuất nông sản đặc trưng, đặc sản và cung cấp ra thị trường.

Bên cạnh đó, huyện Bá Thước đã tập trung tăng cường tập huấn cho nông dân sản xuất nông sản đặc trưng, đặc sản trong bảo quản, sơ chế, chế biến sản phẩm trước khi đưa ra thị trường; Tập huấn, hỗ trợ các nội dung liên quan đến lập kế hoạch trong sản xuất gắn với thị trường cũng như các yêu cầu của kênh phân phối hiện đại để nông dân định hướng sản xuất thích ứng được với sự chuyển đổi của thị trường. Nâng cao năng lực tiếp cận thị trường cho nông dân sản xuất nông sản đặc trưng, đặc sản miền núi.

Phát triển liên kết trong chế biến, bảo quản, sơ chế để nâng cao giá trị nông sản đặc trưng, đặc sản đáp ứng yêu cầu của kênh phân phối hiện đại; Lựa chọn sản phẩm, xây dựng một số mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản đặc trưng, đặc sản khu vực miền núi.

Hoàng Giáp

Kích thước font In ấn

Bình luận chia sẻ

Hàng hóa và thương hiệu
amity.com.vn
Hi fpt
https://tanadaithanh.vn/
winvoucher.winmart.vn
http://gfs.com.vn
http://www.vafood.com.vn/
Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam
Cơ quan chủ quản: Hiệp hội Thương nhân kinh doanh biên mậu Việt Nam
Số giấy phép: số 450/GP-BTTTT, cấp ngày 8/10/2020, cấp bởi Bộ Thông tin và Truyền thông
 139 đường Nghi Tàm, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.


Tổng biên tập: Ông Phạm Bá Dục
Tổng thư ký: Ông Phạm Hoàng Vũ
Email: kinhdoanhvabienmau@gmail.com
Mọi thông tin bạn đọc vui lòng liên hệ đường dây nóng: 0865191826
® Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam, mọi sao chép phải được sự đồng ý bằng văn bản của Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam.