Doanh nghiệp làm gì để tồn tại trong bối cảnh hiện nay?

05/12/2020 11:10 (GMT+7)
Thời gian gần đây, hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) của phần lớn doanh nghiệp (DN) chịu thiệt hại đáng kể do tác động của dịch Covid-19. Vậy, DN cần làm gì trong bối cảnh hiện nay? Phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trao đổi với bà Vũ Hồng Dân, Trưởng phòng Tư vấn cải tiến năng suất, Viện Năng suất Việt Nam xoay quanh vấn đề này.

Phóng viên (PV): Thưa bà, tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện nay gây ảnh hưởng gì tới DN?

Bà Vũ Hồng Dân.

Bà Vũ Hồng Dân: Theo kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), gần 85% DN cho biết thị trường tiêu thụ của họ bị thu hẹp, 60% thiếu vốn và đứt dòng tiền kinh doanh, 43% DN phải thu hẹp quy mô lao động do thiếu việc làm, 82% DN cho rằng doanh thu của họ sẽ sụt giảm. Theo khảo sát nhanh của Viện Năng suất Việt Nam với gần 200 DN cho thấy, các DN đều gặp phải một số vấn đề, như: Thiếu nguồn nguyên liệu sản xuất, sản xuất đình trệ, thu hẹp quy mô lao động hay năng suất lao động giảm rõ rệt. Để ứng phó với dịch bệnh, nhiều DN lựa chọn cắt giảm quy mô SXKD, cắt giảm lao động, chuyển đổi hình thức kinh doanh hoặc dừng hoạt động kinh doanh. Nếu không thể tìm ra cách khắc phục sớm thì phần lớn DN sẽ không thể trụ vững.

PV: Theo bà, những khó khăn đó tác động như thế nào tới DN?

Bà Vũ Hồng Dân: Chúng ta đang sống trong môi trường mong manh nhiều rủi ro do dịch bệnh. Tuy nhiên, rủi ro luôn có hai mặt là: Tác động mang tính tiêu cực, gây hậu quả nghiêm trọng; nhìn từ khía cạnh khác thì rủi ro cũng đem đến cơ hội. Cơ hội dành cho những người chuẩn bị và sẵn sàng có đủ khả năng để biến cơ hội đó thành hành động. Đây là thời cơ cho DN tái cấu trúc mạnh mẽ hơn, nhanh hơn để bước vào kỷ nguyên số hóa, thay đổi nhìn nhận đâu là giá trị thực phát triển bền vững.

Công ty Cổ phần Kỹ thuật công nghiệp Á Châu tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc vừa sản xuất vừa phòng, chống dịch bệnh trong bối cảnh Covid-19. Ảnh: DUNG TRẦN

PV: Vậy DN cần làm gì để vượt qua khó khăn hiện nay, thưa bà?

Bà Vũ Hồng Dân: Để vượt qua thời kỳ khó khăn hiện tại và hậu Covid-19, DN cần xác định tâm thế “trường kỳ kháng chiến” với dịch bệnh, nhận diện rủi do, lựa chọn kịch bản, đặc biệt cần tư duy nhạy bén-hành động nhanh-quyết tâm cao để biến những tri thức, thông tin, dữ liệu liên quan đến bối cảnh thành những hành động chính xác, nhanh chóng.

Mọi vấn đề đều có rủi ro, nhưng rủi ro không tồn tại mãi mãi mà thay đổi theo bối cảnh. Vì vậy, DN cần xây dựng kế hoạch và chiến lược ứng biến theo tuần, cũng có thể theo ngày, xây dựng kịch bản chuẩn bị cho tình huống xấu nhất để chúng ta luôn trong tư thế chủ động trước những sự thay đổi và biến động; tận dụng tối đa cơ hội để tồn tại và trụ vững qua thời gian dịch bệnh.

Bên cạnh đó, DN cần rà soát môi trường bên trong và bên ngoài để hiểu rõ hơn năng lực của mình, xác định cơ hội và nguy cơ, từ đó có những chiến lược phù hợp với cơ hội hoặc thách thức trong bối cảnh mới là kinh doanh thời kỳ dịch bệnh; chuẩn bị mô hình kinh doanh mới bởi các quy trình, hệ thống, nguyên tắc trước đây có thể chỉ phù hợp trong bối cảnh cũ; không ngừng kết nối với khách hàng vì khách hàng là một trong những lý do giúp DN tồn tại; tập trung vào mục tiêu ngắn hạn, sản xuất các sản phẩm bán được ngay để sớm thu hồi vốn, cắt bỏ những chi phí không cần thiết để tinh gọn hơn.

Bên cạnh đó, tăng cường truyền thông giáo dục, xây dựng ý thức tốt cho nhân viên, người lao động từ việc đeo khẩu trang, rửa tay, không tụ tập đông người, rà soát các quá trình, hoạt động để xác định cơ hội cải tiến gia tăng giá trị và giảm thiểu lãng phí. Tăng cường hoạt động kiểm tra giám sát, công khai, minh bạch.

PV: Bà nhận định như thế nào về khả năng ứng phó với dịch bệnh của DN hiện nay?

Bà Vũ Hồng Dân: Dù dịch Covid-19 diễn ra trên toàn cầu nhưng vẫn nhiều DN tăng trưởng mạnh, ví như trang thương mại điện tử Amazon doanh thu vẫn tăng 21%, lợi nhuận quý I đạt 24 tỷ USD, tuyển dụng hơn 100.000 người lao động. Theo thông tin của CNN, thị trường thương mại tăng 24% trong quý I-2020. Trên thế giới, những nhãn hàng hiệu cũng chuyển đổi kinh doanh, như: LV chuyển từ sản xuất túi da và các phụ kiện đắt tiền sang sản xuất khẩu trang; Dior, Channel chuyển sang sản xuất nước rửa tay sát khuẩn;... Tại Việt Nam, nhiều DN tiên phong sản xuất các sản phẩm phòng, chống dịch bệnh, như: Tập đoàn Vingroup chuyển giao công nghệ của Mỹ để sản xuất máy thở trong nội địa, sản xuất hai bộ kit xét nghiệm virus SARS-CoV-2 là VinKit SARS-CoV-2 RT-PCR 1.0 và VinKit SARS-CoV-2 Multiplex RT-PCR;... điều này thể hiện DN Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để tìm kiếm cơ hội, duy trì hoạt động SXKD cũng như đóng góp trách nhiệm xã hội trong đại dịch này.

                       Thuỳ Dung/QĐND

 

 Quan tâm

 

Kích thước font In ấn

Bình luận chia sẻ

Hàng hóa và thương hiệu
amity.com.vn
Hi fpt
https://tanadaithanh.vn/
winvoucher.winmart.vn
http://gfs.com.vn
http://www.vafood.com.vn/
Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam
Cơ quan chủ quản: Hiệp hội Thương nhân kinh doanh biên mậu Việt Nam
Số giấy phép: số 450/GP-BTTTT, cấp ngày 8/10/2020, cấp bởi Bộ Thông tin và Truyền thông
 139 đường Nghi Tàm, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.


Tổng biên tập: Ông Phạm Bá Dục
Tổng thư ký: Ông Phạm Hoàng Vũ
Email: kinhdoanhvabienmau@gmail.com
Mọi thông tin bạn đọc vui lòng liên hệ đường dây nóng: 0865191826
® Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam, mọi sao chép phải được sự đồng ý bằng văn bản của Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam.