Xuất khẩu thủy sản sang Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản đều vượt 1 tỷ USD
Kim ngạch xuất khẩu thủy sản tháng 9/2023 ước đạt 862 triệu USD
Theo Tổng Cục Hải quan, trong 15 ngày đầu tháng 9/2023, trị giá xuất khẩu thủy sản đạt 363,8 triệu USD, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính từ đầu năm đến ngày 15/9/2023, tổng trị giá xuất khẩu thủy sản đạt 6,15 tỷ USD, giảm 22% so với cùng kỳ năm trước.
Kim ngạch xuất khẩu thủy sản tháng 9/2023 ước đạt 862 triệu USD, tương đương cùng kỳ năm 2022 và tăng nhẹ 16 triệu USD so với tháng trước. Lũy kế tới hết quý III/2023, xuất khẩu thủy sản đạt trên 6,6 tỷ USD, giảm 22% so với cùng kỳ. Trong tháng 9, một số sản phẩm xuất khẩu chủ lực đã lấy lại sự cân bằng so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu tôm và cá ngừ trong tháng 9 đều đạt mức tương đương với tháng 9/2022.
Đáng chú ý là sự hồi phục trở lại của mặt hàng cá tra với mức tăng trưởng dương 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, xuất khẩu các sản phẩm khác như mực, bạch tuộc, cua - ghẹ, nhuyễn thể có vỏ vẫn thấp hơn cùng kỳ, nhưng mức giảm chỉ từ 6 - 12%. Sự suy giảm xuất khẩu tôm năm nay không chỉ là vấn đề của riêng Việt Nam, mà là tình cảnh chung của ngành tôm trên toàn thế giới, theo chia sẻ của Vasep.
Trong tháng 9/2023, xuất khẩu cá tra sang một số thị trường đã lấy lại cân bằng hoặc đạt mức cao hơn so với cùng kỳ năm 2022. Xuất khẩu cá tra ghi nhận doanh thu gần 1,4 tỷ USD tới cuối tháng 9/2023, giảm 31% so với cùng kỳ năm 2022. Xuất khẩu mặt hàng này đang có xu hướng hồi phục dần ở các thị trường Trung Quốc, Mexico, Brazil, Hà Lan, Anh và Mỹ…Trong tháng 9/2023, xuất khẩu sang một số thị trường đã lấy lại cân bằng hoặc đạt mức cao hơn so với cùng kỳ năm 2022.
Bên cạnh đó, đối với các mặt hàng như tôm, xuất khẩu cá ngừ cũng có chiều hướng cải thiện, với doanh số tháng 9 bằng mức cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, sụt giảm liên tục giai đoạn đầu năm khiến lũy kế 9 tháng xuất khẩu cá ngừ vẫn giảm 23% đạt 623 triệu USD.
Xuất khẩu thủy sản sang các thị trường chính như Mỹ, EU, Trung Quốc hồi phục trở lại.
Hai thị trường chủ lực là Mỹ và Trung Quốc bắt đầu gia tăng nhu cầu và xuất khẩu sang 2 cường quốc này đều ghi nhận tăng trưởng dương trong 2 tháng trở lại đây. Ngoài ra, một số thị trường chính trong khối CPTPP như Nhật Bản, Australia, Canada cũng đang tăng nhập khẩu tôm từ Việt Nam.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep): "Riêng trong tháng 9/2023, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ, EU, Trung Quốc đều hồi phục, tăng từ 4-17% so với cùng kỳ năm 2022. Xuất khẩu sang Nhật Bản ít nhiều có xáo trộn trong tháng 9, do vậy vẫn thấp hơn 15% so với tháng 9/2022".
Tính hết tháng 9/2023, đối với 3 thị trường lớn nhất là Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản xuất khẩu thuỷ sản vượt mốc 1 tỷ USD. Trong đó, Mỹ vẫn giữ vị thế số 1 với gần 1,2 tỷ USD, thấp hơn 33% so với cùng kỳ năm 2022. Thị trường Trung Quốc – HK mang về cho thủy sản Việt Nam lượng ngoại tệ 1,15 tỷ USD trong 3 quý đầu năm, giảm 15%, trong khi Nhật Bản xuất khẩu thủy sản từ Việt Nam với giá trị gần 1,1 tỷ USD, giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhìn chung, thị trường xuất khẩu thuỷ sản nước ta đang có dấu hiệu tốt dần lên, đặc biệt trong quý IV, do vậy, nếu không có biến động khác, và nguồn nguyên liệu không bị sụt giảm mạnh thì có thể xuất khẩu thủy sản năm 2023 sẽ mang về doanh số khoảng 9,2 – 9,3 tỷ USD.
Đặc biệt, nhu cầu tiêu thụ lớn cho các dịp lễ tết cuối năm sẽ là thời cơ cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam tăng tốc nhanh chóng. Trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT khuyến nghị các doanh nghiệp cần tiếp tục tận dụng tốt các FTAs, đặc biệt là Hiệp định CPTPP, EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản chủ lực.
Minh Quân