Về với làng Diềm - chiếc “nôi” của dân ca Quan họ Bắc Ninh

18/03/2022 16:00 (GMT+7)
(KD&BM) - Làng Diềm (thôn Viêm Xá, xã Hòa Long, TP. Bắc Ninh) được du khách thập phương biết đến bởi đây là chiếc “nôi” sản sinh ra làn điệu dân ca Quan họ - di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Nhưng ít ai biết rằng, nơi đây còn là vùng đất của nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử nổi tiếng cùng những câu chuyện xưa…

Hành trình về với làng Diềm được ví như một cuộc hành hương trở về ngôi làng cổ xưa của vùng quê Việt Nam bởi nơi đây mang đậm nét lịch sử, văn hóa truyền thống của làng quê đất Việt. Đồng thời, nơi đây còn là quê hương sản sinh ra những làn điệu dân ca quan họ - một di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận. Đến với làng Diềm, du khách sẽ được chiêm ngưỡng bức tranh phong cảnh làng Diềm mộc mạc, thân quen với những bờ đê, dòng sông hay non núi, rừng cây. Hãy cùng PV khám phá những địa danh nổi bật cùng những câu chuyện vừa thú vị, vừa dân giã của người dân nơi đây.

Đền thờ “Thủy tổ Quan họ”

Đền thờ “Thủy tổ Quan họ” chính là nơi thờ Đức Vua Bà, người đã có công xây dựng làng và sáng tạo ra làn điệu dân ca Quan họ. Chính từ nơi đây, những câu Quan họ đầu tiên đã cất lên đầy sâu lắng, lan tỏa ra khắp miền Kinh Bắc để rồi trở thành Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại. Sau khi bà mất, người dân làng Diềm tiếc thương lập đền và lấy mùng 6 tháng Giêng âm lịch làm lễ hội để tưởng nhớ công lao của bà. Đền có kiến trúc cổ, hoa văn chạm khắc đơn giản nhưng tinh tế; lưu giữ nhiều hiện vật quý như tượng vua Bà, những hoành phi, câu đối xưa. Trong 49 làng quan họ Bắc Ninh được UNESCO công nhận, chỉ duy nhất làng Diềm có đền thờ Thủy tổ Quan họ nên nơi đây được gọi là làng quan họ cổ. Người ta bảo rằng, đây là cái nôi của quan họ nên giọng hát người làng Diềm luôn có nét đặc biệt, hồn hậu mà lưu luyến.

Đền vua bà Thủy tổ Quan họ - người đã có công xây dựng làng và sáng tạo ra làn điệu dân ca quan họ (Ảnh: Internet)

Ngoài ra, đây cũng là nơi diễn ra lễ hội Đền thờ Vua Bà Thủy tổ Quan họ vào mùng 6 tháng Giêng âm lịch. Đây là một trong 4 lễ hội lớn nhất trong năm của làng Diềm cùng với Hội Chùa diễn ra ngày rằm tháng giêng, Hội Tát Giếng vào ngày 3 - 3 và Hội Đình ngày 6 – 8. Hấp dẫn và thu hút đông đảo du khách thập phương nhất vẫn là ngày hội Đền thờ Vua Bà thủy Tổ với mong ước cầu cho mưa thuận gió hòa của người dân. Đền Vua Bà chính là nơi bắt đầu lễ hội cũng là điểm kết thúc cho đám rước truyền thống xung quanh làng Diềm. Bên cạnh đó trong lễ hội cũng có rất nhiều các trò chơi vô cùng thú vị. Không hoành tráng như hội Lim song, hội làng Diềm đã để lại trong lòng người trẩy hội những ấn tượng sâu sắc về một lễ hội đậm đà chất Quan họ.

Đình làng Diềm

Như bao làng quê truyền thống ở Việt Nam, đặt chân tới làng Diềm du khách sẽ thấy ngay cổng làng phủ đầy rêu phong theo năm tháng. Cổng làng được xây theo lối cổng tam môn cổ (hay còn được gọi là tam quan) gồm 3 lối đi, một lối đi chính giữa và hai lối đi phụ hai bên. Cổng được xây bằng gạch vồ, với kết cấu hai tầng và có mái lợp. Trên cổng có đề 4 chữ “Vãng du hữu lợi” có nghĩa “qua làng là có lợi”. Bốn chữ đó như lời chào lịch sự với du khách, thể hiện cốt cách của con người đất Thủy tổ Quan họ trọng tình, hiếu khách. Trên cùng là hình bức cuốn thư rộng mở với ô tròn chính giữa. Tại đây có thể cảm nhận được không gian yên bình của làng quê với những hàng cây cổ thụ rợp bóng xanh mát bao quanh các kiến trúc đơn sơ, cổ kính.

Đền Cùng – Giếng Ngọc

Khu di tích đền Cùng – Giếng Ngọc nằm ngay dưới chân núi Kim Lĩnh. Đền thờ hai vị công chúa là Ngọc Dung công chúa và Thủy Tiên công chúa. Tương truyền đây vốn là những người có công đánh giặc cứu dân và giữ gìn giang sơn nên được người dân lập đền thờ tại đây. Điều đặc biệt là tại đền có một giếng Ngọc vô cùng linh thiêng. Đây là điểm đến vô cùng thu hút khách. Xung quanh giếng được xây thành cao khoảng 1,2 mét. Giếng được xây từ những khối đá lớn xếp chồng lên nhau, tạo ra 1 hang động lớn ở dưới tầng sâu nhất. Không ai biết những tảng đá này được liên kết với nhau bằng gì, chỉ biết rằng chúng rất chắc chắn cho đến tận ngày nay. Tầng trên cùng của giếng được xếp bằng gạch tạo thành 9 bậc để tiện cho việc lấy nước của người dân. 

Giếng Ngọc (Ảnh: MXH)

Nước giếng Ngọc rất quý và thanh mát. Vì vậy, rất nhiều du khách thập phương đến nơi đây để được một lần thưởng thức hương vị nước giếng. Nước lấy từ giếng có thể uống trực tiếp mà không cần phải đun sôi vì rất sạch. Theo người dân làng Diềm, nguồn nước này được lấy từ trong núi, thấm qua nhiều tầng đá ong nên mang một hương vị đặc trưng không nơi đâu sánh được. Cũng bởi vậy mà người làng Diềm thường chỉ lấy nước giếng Ngọc về để pha trà đãi khách quý, hay nấu rượu dùng trong các dịp quan trọng.

Nét độc đáo trong sinh hoạt văn hóa Quan họ ở làng Diềm

Sức hút đặc biệt của nơi đây có lẽ phải kể đến làn điệu dân ca Quan họ. Truyền rằng, Vua Bà chính là người đã sáng tác ra các làn điệu dân ca quan họ đầy tình tứ và quyến rũ. Người dân làng Diềm luôn tự hào vì nghệ thuật và phong cách ca hát Quan họ vừa cổ xưa, độc đáo vừa phong phú, điêu luyện. Trong số 49 làng Quan họ của Bắc Ninh  hiện nay, hiếm làng nào còn duy trì được đội Quan họ đông tới gần 100 người gồm đủ các thế hệ liền anh liền chị với nhiều lứa tuổi. Sức sống của sinh hoạt ca hát Quan họ được người dân gìn giữ, duy trì liên tục một cách tự nhiên, tự nguyện như để thoả mãn nhu cầu của bản thân chứ không phải theo quy định hay vì bất cứ một lý do nào khác.

Hát Quan họ trên thuyền (Ảnh: Internet)

Nét độc đáo trong không gian sinh hoạt văn hóa Quan họ ở làng Diềm là tổ chức hát Quan họ trùm đầu vào mùa thu, trong những đêm trăng thơ mộng. Các liền anh Quan họ từ nhà chứa của mình rủ nhau sang nhà chứa của bọn Quan họ nữ, đến bờ rào họ trùm kín đầu bằng khăn hát vào. Khi ấy, các liền chị cũng trùm khăn ra đứng ở thềm nhà chứa hát đáp lại.

Các liền anh, liền chị nơi đây đều lấy giọng ca làm trọng, hát mộc là chính. Đó là sự rung cảm, đồng điệu trong tâm hồn, trong lao động sản xuất. Theo các bậc cao niên làng Diềm thì Quan họ nơi đây chia thành 3 thang bậc: Thang bậc thứ nhất là “ca đủ lối, đủ câu”; thang bậc thứ hai phải đảm bảo “Vang, rền, nền, nảy”; thang bậc thứ 3 là “Quan họ cựu”. “Quan họ cựu” có trình độ xuất sắc, nổi bật và vượt xa những nghệ nhân thông thường.

Một buổi giao lưu Quan họ (Ảnh: DV)

Họ là kho tàng lưu giữ lề lối chơi Quan họ cổ và có khả năng làm giàu cho Dân ca Quan họ từ việc vận dụng những tinh hoa của các loại hình dân ca, dân gian khác vào Quan họ một cách nhuần nhuyễn. Một canh hát đối đáp của Quan họ cổ thường phải hát đối với nhau: Những câu chào hỏi hát theo giọng La rằng, sau đó là giọng vặt và cuối cùng là giọng giã. Để trở thành một cặp hát và hát được với nhau thì giọng của hai người phải hòa nhịp như một.

Các liền anh, liền chị Quan họ (Ảnh: MXH)

Tiềm năng du lịch của làng Diềm vô cùng lớn. Thế nhưng, làm sao để đánh thức những tiềm năng này thì vẫn là một câu hỏi chưa biết khi nào có câu trả lời. Hy vọng, một thời gian không xa nữa, tiềm năng du lịch làng Diềm sẽ được đánh thức và ngôi làng cổ này sẽ trở thành một làng văn hoá du lịch truyền thống tiêu biểu của mảnh đất Bắc Ninh - Kinh Bắc.

Thanh Tuyền/TH

 

Kích thước font In ấn

Bình luận chia sẻ

Văn hóa xã hội
amity.com.vn
Hi fpt
https://tanadaithanh.vn/
winvoucher.winmart.vn
http://gfs.com.vn
http://www.vafood.com.vn/
Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam
Cơ quan chủ quản: Hiệp hội Thương nhân kinh doanh biên mậu Việt Nam
Số giấy phép: số 450/GP-BTTTT, cấp ngày 8/10/2020, cấp bởi Bộ Thông tin và Truyền thông
 139 đường Nghi Tàm, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.


Tổng biên tập: Ông Phạm Bá Dục
Tổng thư ký: Ông Phạm Hoàng Vũ
Email: kinhdoanhvabienmau@gmail.com
Mọi thông tin bạn đọc vui lòng liên hệ đường dây nóng: 0865191826
® Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam, mọi sao chép phải được sự đồng ý bằng văn bản của Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam.