Chủ nhật hằng tuần, tại khu vực tiếp giáp giữa Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn (huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, Việt Nam) với Cửa khẩu Quốc tế Nam Kan (tỉnh Xiêng Khoảng, Lào) diễn ra một một phiên chợ đặc biệt. Phiên chợ là dịp để người dân bản địa tỉnh Nghệ An (Việt Nam) và tỉnh Xiêng Khoảng (Lào) trao đổi hàng hóa, sản vật địa phương và giao lưu văn hóa.
Các tiểu thương trao đổi, mua bán hàng hóa và vận chuyển đi các vùng xuôi
Các loại nông sản của người dân bản địa được bày bán trong chợ
Hàng hóa buôn bán, trao đổi ở chợ rất phong phú, đa dạng: các loại nông sản, rau củ quả, đồ gia dụng sinh hoạt thường ngày cũng như các loại trang sức truyền thống…
Anh Vi Văn Long (ở xã Bảo Thắng) cho biết: Mỗi phiên chợ, anh sẽ cùng vợ chở nông sản ở Việt Nam lên bán; sau đó lại nhập các nông sản của Lào về chợ Mường Xén bán lại.
Theo anh Cụt Sỹ Ỏn (ở xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn) để chuẩn bị cho chợ phiên, từ chiều thứ 7, các tiểu thương đã phải có mặt soạn hàng ra kệ và người dân bản cũng vận chuyển hàng hóa đi từ rất sớm để kịp phiên chợ. Tiểu thương buôn bán có cả người Việt lẫn người Lào. Đồng tiền của cả 2 nước đều có thể dùng để giao dịch, giao thương.
Chị Sồng Y Chi (ở xã Nậm Cắn - chủ một ki ốt quần áo ở chợ) chia sẻ: Ở nhà tôi có buôn bán quần áo, khoảng 5 năm nay, mỗi khi chợ phiên, tôi đưa hàng lên đây bán. Trước đây, chợ phiên mỗi tháng họp một lần, giờ đây thì mỗi tuần họp một lần nên công việc buôn bán cũng được tốt hơn.
Theo một lãnh đạo huyện Kỳ Sơn cho biết: Chợ biên Nậm Cắn là chợ truyền thống từ xa xưa được gìn giữ đến bây giờ. Có thời kỳ chợ nằm trong lãnh thổ Việt Nam, sau đó chuyển sang phía lãnh thổ Lào. Nhưng vì nhiều lý do nên sau này chuyển ra bãi đất trống thuộc địa phận của Lào, nhưng nằm giữa cửa khẩu của 2 nước.
Ngoài việc giao thương buôn bán, trao đổi hàng hóa thì chợ phiên còn thu hút nhiều khách du lịch tham quan
Chợ phiên Nậm Cắn cơ bản tạo thuận lợi cho người dân của hai tỉnh trao đổi hàng hóa qua lại giữa hai nước, thúc đẩy hợp tác thương mại qua biên giới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống dân sinh biên giới.
Giang Thanh