Đoàn Việt Nam do Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, dẫn đầu. Cùng tham gia có Trung tướng Nguyễn Trọng Bình, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam và đại diện lãnh đạo các đơn vị liên quan. Đoàn Lào do Thượng tướng Vongkham Phommakone, Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, dẫn đầu.
Trong chuyến khảo sát, ai đoàn công tác đã kiểm tra các địa điểm dự kiến tổ chức các hoạt động quan trọng như khu vực cửa khẩu Lóng Sập, trường học nơi dự kiến Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hai nước sẽ thăm, nơi tổ chức hội đàm giữa hai đoàn đại biểu, và các hoạt động giao lưu chính trị, sĩ quan trẻ. Ngoài ra, hai đoàn còn đánh giá và đưa ra chỉ đạo trực tiếp về công tác chuẩn bị liên quan đến lễ tân, hậu cần, an ninh, thông tin liên lạc, và y tế.
Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến và Thượng tướng Vongkham Phommakone đều đánh giá cao nỗ lực của các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng hai nước, cũng như sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành và địa phương của tỉnh Sơn La và tỉnh Houaphanh trong công tác chuẩn bị. Hai Thượng tướng nhấn mạnh, sự kiện lần này là cơ hội quan trọng để thắt chặt hơn nữa quan hệ gắn bó giữa hai quốc gia, đặc biệt là nhân dân ở khu vực biên giới. Đồng thời, đây cũng là dịp để nâng cao tinh thần trách nhiệm của lực lượng bảo vệ biên giới hai nước trong việc bảo vệ an ninh, chủ quyền biên giới và hỗ trợ người dân phát triển kinh tế vùng biên, xóa đói, giảm nghèo nhằm xây dựng đường biên giới Việt Nam – Lào hòa bình, ổn định và phát triển.
Hai Thượng tướng cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ, đảm bảo công tác chuẩn bị được thực hiện đúng tiến độ và đạt chất lượng cao, nhằm đảm bảo sự thành công của sự kiện Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam-Lào lần thứ 2, dự kiến diễn ra vào cuối tháng 10 tại khu vực huyện Mộc Châu (tỉnh Sơn La) và huyện Sop Bao (tỉnh Houaphanh).
Việt Nam và Lào có chung đường biên giới dài hơn 2.300km, tiếp giáp giữa 10 tỉnh của nước ta (Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Kon Tum) với 10 tỉnh của Lào (Phongsaly, Luang Prabang, Houaphanh, Borikhamxay, Khammouane, Savannakhet, Saravane, Xiengkhuang, Sekong và Attapeu). Khu vực biên giới Việt Nam-Lào được hai nước xác định là một trong những khu vực có vị trí chiến lược hết sức quan trọng về quốc phòng, an ninh và kinh tế-xã hội. Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của hai Đảng, hai Nhà nước, các ban, bộ, ngành, nhất là cấp ủy, chính quyền địa phương, lực lượng bảo vệ biên giới và nhân dân vùng biên hai nước đã chung tay xây dựng đường biên giới Việt Nam-Lào hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác cùng phát triển. Đặc biệt, Việt Nam và Lào đã phối hợp rất chặt chẽ trong bảo vệ đường biên, cột mốc, phát triển kinh tế-xã hội ở khu vực biên giới, góp phần xóa đói giảm nghèo, ngăn chặn các hoạt động tội phạm qua biên giới.
|
Trung Nguyên