Tăng cường theo dõi và ổn định nguồn cung
Theo đó Bộ Công Thương yêu cầu các Sở Công Thương tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo dõi sát diễn biến thị trường, tập trung đánh giá nhu cầu và nguồn cung đối với các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng, nông sản, xăng dầu và các mặt hàng có nhu cầu cao trong dịp Tết. Cần chủ động đưa ra các phương án dự trữ, cung ứng để đảm bảo không xảy ra tình trạng thiếu hàng hay gián đoạn nguồn cung.
Bên cạnh đó, các địa phương cần tham mưu cho UBND tỉnh về kế hoạch bình ổn thị trường, xây dựng phương án dự trữ hàng hóa thiết yếu, kết hợp với các tổ chức tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ưu đãi nhằm phục vụ công tác dự trữ hàng hóa phục vụ Tết.
Các Sở cũng cần phối hợp chặt chẽ với ngành nông nghiệp và các đơn vị liên quan để giám sát tình hình sản xuất, nguồn cung các mặt hàng nông sản, thực phẩm, đặc biệt là những mặt hàng thiết yếu trong dịp Tết như thịt, rau củ, trái cây. Đồng thời, triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, tạo nguồn hàng phong phú, ổn định giá cả, phục vụ nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong giai đoạn cao điểm.
Đảm bảo nguồn cung xăng dầu và điện
Để đảm bảo nguồn cung xăng dầu phục vụ sản xuất và tiêu dùng, Bộ Công Thương yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu duy trì dự trữ lưu thông theo quy định, không để xảy ra tình trạng gián đoạn nguồn cung trong hệ thống phân phối. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát giá bán, chất lượng và thời gian bán hàng tại các cửa hàng xăng dầu, ngăn chặn tình trạng đầu cơ, găm hàng và gian lận thương mại.
Song song đó, các công ty điện lực trên toàn quốc cần chuẩn bị các phương án vận hành hệ thống điện một cách linh hoạt, đảm bảo cung ứng điện ổn định và liên tục cho sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân. Các phương án dự phòng cũng cần được xây dựng kỹ lưỡng để ứng phó với các tình huống phát sinh, nhất là trong các khu vực đông dân cư và khu công nghiệp.
Ngăn ngừa tình trạng sốt giá và đầu cơ
Các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh hàng hóa thiết yếu cần có kế hoạch cụ thể để đảm bảo cung ứng đầy đủ hàng hóa trong dịp Tết. Việc hạn chế tối đa tình trạng gián đoạn sản xuất, kiểm soát chặt chẽ hệ thống phân phối và ngăn chặn tình trạng đầu cơ, găm hàng nâng giá được đặt lên hàng đầu. Các doanh nghiệp cũng được khuyến khích sử dụng nguyên liệu sản xuất trong nước để tiết kiệm chi phí, đảm bảo giá bán hợp lý và cạnh tranh.
Bộ Công Thương cũng nhấn mạnh việc đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại như đưa hàng Việt về nông thôn, tổ chức hội chợ Xuân, khuyến mại kích cầu tiêu dùng nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm đa dạng của người dân. Đồng thời, ưu tiên hỗ trợ các đối tượng chính sách và các khu vực bị ảnh hưởng bởi thiên tai.
Kiểm tra, giám sát thị trường và an toàn thực phẩm
Bộ Công Thương chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về giá cả, chất lượng hàng hóa và an toàn thực phẩm. Các biện pháp kiểm tra tập trung vào các hoạt động sản xuất, phân phối và lưu thông hàng hóa thiết yếu, ngăn chặn tình trạng đầu cơ, găm hàng và tăng giá bất hợp lý.
Ngoài ra, các Sở Công Thương cần phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh, tiết kiệm và phù hợp với văn hóa địa phương trong dịp Tết Nguyên đán. Các hoạt động này nhằm tạo không khí Tết vui tươi, phấn khởi và an toàn cho người dân.
Các tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp sản xuất hàng hóa thiết yếu cần chủ động lên kế hoạch sản xuất, cung ứng hàng hóa đầy đủ cho thị trường. Đặc biệt, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, điện lực cần thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo về dự trữ và phân phối, đảm bảo không xảy ra tình trạng gián đoạn trong dịp Tết.
Các hiệp hội ngành hàng cũng cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương để theo dõi sát sao diễn biến thị trường, đề xuất các giải pháp kịp thời nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, bình ổn thị trường và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết.
Như vậy, với các giải pháp cụ thể và đồng bộ, Bộ Công Thương quyết tâm đảm bảo ổn định thị trường hàng hóa, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân, góp phần giữ vững mục tiêu phát triển kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội trong giai đoạn cuối năm 2023 và Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Khánh Nguyên