Chuyển đổi số: “Chìa khóa” giúp doanh nghiệp xuất nhập khẩu nâng tầm

24/03/2022 14:50 (GMT+7)
(KD&BM) - Đã từ lâu, chuyển đổi số được xem là giải pháp giúp doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển dịch vụ, nâng cao năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh diễn biến dịch COVID-19 vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Không ngừng phát triển giữa “bão tố”

Những thông tin bất lợi từ tình hình chiến sự căng thẳng giữa Nga và Ukraine khiến giá xăng, dầu liên tục lập đỉnh, cước vận chuyển hàng hóa vẫn neo ở giá cao và các đợt bùng phát dịch ở nhiều quốc gia trên thế giới khiến nhiều doanh nghiệp không khỏi lo lắng. Tuy nhiên, vượt lên trên khó khăn, không ít doanh nghiệp xuất nhập khẩu vẫn không ngừng tiếp nhận được các đơn hàng mới nhờ vào việc chủ động chuyển đổi số. 

Đơn cử, từ năm 2021, Tổng Công ty May Nhà Bè tập trung xây dựng và hoàn thiện chiến lược sản xuất kinh doanh áp dụng công nghệ 4.0, thành lập hội đồng sáng tạo, sáng kiến cải tiến sản xuất. Đại diện doanh nghiệp này cho biết, đơn vị liên tục đầu tư hệ thống nhà máy, nhà xưởng, áp dụng mô hình sản xuất tinh gọn với hơn 25.000 thiết bị hiện đại để tăng năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí, nhân sự và cả thời gian. Đồng thời, doanh nghiệp cũng hướng tới thị trường mới, liên kết với các đối tác để phân phối sản phẩm sang các thị trường lớn như Mỹ, Canada, châu Âu, Nhật… Nhờ đó, doanh thu quý I/2022 ước đạt 480 tỷ đồng, trong đó sản lượng xuất khẩu đạt 2.400.000 sản phẩm, doanh thu xuất khẩu đạt 390 tỷ.

Tương tự, ngay từ khi dịch Covid-19 bùng phát, Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích Rạng Đông đã quyết liệt đẩy nhanh chiến lược hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, tận dụng tối đa lợi thế của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới trong nền kinh tế số, kinh tế không tiếp xúc, thương mại trực tuyến. Đồng thời, doanh nghiệp ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số, công nghệ thông tin trong điều hành xuất khẩu, nghiên cứu thị trường, truyền thông quốc tế và bán hàng. Đầu năm 2020, đơn vị. đã hoàn thiện mặt bằng và thực hiện chuyển đổi số ở một số bộ phận tại các ngành của xưởng điện tử, LED và thiết bị chiếu sáng, smart lighting và kho thành phẩm hiện đại. Tất cả đều được công ty tích hợp qua công nghệ thông tin, cập nhật hàng ngày thông qua kết nối wifi và tiến tới mục tiêu xây dựng một nhà máy thông minh. Nhờ vậy, chỉ trong thời gian ngắn doanh thu xuất khẩu của doanh nghiệp đã tăng 57% so với cùng kỳ năm trước.

Không chỉ riêng các doanh nghiệp trên, ngày càng nhiều các doanh nghiệp xuất nhập khẩu “ăn nên làm ra” nhờ vào việc chủ động chuyển đổi số. Nhờ vậy, lũy kế trong 2 tháng từ đầu năm 2022, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 109,62 tỷ USD, tăng 14,2%, tương ứng tăng 13,60 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, trị giá xuất khẩu đạt 54,52 tỷ USD, tăng 11,7% (tương ứng tăng 5,71 tỷ USD) và trị giá nhập khẩu đạt gần 55,10 tỷ USD, tăng 16,7% (tương ứng tăng 7,89 tỷ USD).

Nhận thức rõ ràng về chuyển đổi số

Để doanh nghiệp xuất nhập khẩu chuyển đổi số thành công, các Bộ, ngành, địa phương và các hiệp hội đã tăng sức hỗ trợ bằng nhiều giải pháp như nghiên cứu, đẩy mạnh ứng dụng và tối ưu hoá các ứng dụng công nghệ thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực về xúc tiến thương mại trên nền tảng số, số hoá tài liệu cho đào tạo trực tuyến, marketing xuất khẩu trực tuyến… Đặc biệt, Bộ Công Thương đã áp dụng ứng dụng công nghệ thông tin từ rất sớm để cải cách thủ tục hành chính nhằm thúc đẩy xuất khẩu cho doanh nghiệp. Việc chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất nhập khẩu đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu tham gia vào hoạt động thương mại quốc tế, tiết kiệm thời gian, chi phí và công sức, từ đó thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa đến các thị trường có ký kết hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) bằng các giải pháp số. Ví dụ, trong năm 2021, chính quyền tỉnh Đồng Nai đã tham gia các hội thảo, diễn đàn, hội nghị trực tuyến về lĩnh vực hợp tác kinh tế, hợp tác đầu tư như hội thảo trực tuyến giữa kỳ về hợp tác giữa các địa phương Việt Nam – Pháp; tọa đàm trực tuyến với Đoàn đại sứ, Tổng lãnh sự Việt Nam tại nước ngoài nhiệm kỳ 2021-2024… Sở Công thương của tỉnh ra mắt Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Đồng Nai (ecdn.vn) ngày 29/12/2021, góp phần tiêu thụ sản phẩm của người sản xuất và kết nối đến người tiêu dùng trong nước và thế giới thông qua môi trường mạng. Nhờ đó, Đồng Nai cán đích xuất khẩu 21,8 tỷ USD, tăng 16,16% so với cùng kỳ năm 2020 và xuất siêu đạt 3,1 tỷ USD, thu hút vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài cũng ở mức cao gần 1,3 tỷ USD, vượt kế hoạch được giao.

Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) tạo động lực và khuyến khích thúc đẩy các doanh nghiệp và khu vực công tăng tốc chuyển đổi kỹ thuật số. Theo đó, EVFTA giúp cải thiện khuôn khổ quy định của Việt Nam về chuyển đổi kỹ thuật số bằng cách thúc đẩy phát triển thương mại điện tử giữa EU và Việt Nam, đồng thời tạo lực hút đầu tư của châu Âu vào Việt Nam, đặc biệt vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao nên thuận lợi cho chuyển đổi số. Báo cáo "Thúc đẩy chuyển đổi số trong thương mại ở Việt Nam nhằm thực hiện hiệu quả các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới" cũng phân tích, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để hoàn thiện khung pháp lý và chính sách nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong các hoạt động thương mại, gắn với nhiều lĩnh vực khác nhau như sở hữu trí tuệ, thuế hải quan, hạ tầng số, thanh toán không dùng tiền mặt và Fintech, logistics... 

Tuy nhiên, để doanh nghiệp xuất nhập khẩu chuyển đổi số thành công cũng không phải chuyện dễ dàng. Trong một buổi tọa đàm diễn ra gần đây, PGS.TS. Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, nhiều doanh nghiệp "ngại" chuyển đổi số vì áp lực chi phí lớn, chưa biết bắt đầu từ đâu và làm như thế nào. Đặc biệt, nhận thức không rõ ràng về chuyển đổi số là một trong những nguyên nhân mấu chốt dẫn tới thất bại của quá trình chuyển đổi số. Chính vì vậy, doanh nghiệp muốn bắt tay thực hiện quá trình này phải hiểu rõ khái niệm chuyển đổi số để có những lựa chọn phù hợp trong quá trình chuyển đổi này.

Cùng chung nhận định này, một chuyên gia khác cho rằng, với sự tiến bộ vượt bậc của chuyển đổi số, mọi doanh nghiệp xuất nhập khẩu đều có thể tiếp cận trực tiếp tới đối tác, người tiêu dùng nước ngoài. Cơ hội là ngang nhau nhưng thành công là khác biệt giữa các quốc gia và các doanh nghiệp. Để nắm bắt cơ hội này, người đứng đầu các doanh nghiệp phải có tầm nhìn bao quát và có khả năng nhận thức được vai trò quan trọng của chuyển đổi số, đồng thời tập trung, phát huy được sức mạnh của tập thể, sự đoàn kết trong việc thực hiện chương trình chuyển đổi số. Có như vậy, doanh nghiệp xuất nhập khẩu mới có thể nâng tầm thương hiệu khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

                                                                                              Phong Việt

 

Kích thước font In ấn

Bình luận chia sẻ

Tin tức, sự kiện
amity.com.vn
Hi fpt
https://tanadaithanh.vn/
winvoucher.winmart.vn
http://gfs.com.vn
http://www.vafood.com.vn/
Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam
Cơ quan chủ quản: Hiệp hội Thương nhân kinh doanh biên mậu Việt Nam
Số giấy phép: số 450/GP-BTTTT, cấp ngày 8/10/2020, cấp bởi Bộ Thông tin và Truyền thông
 139 đường Nghi Tàm, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.


Tổng biên tập: Ông Phạm Bá Dục
Tổng thư ký: Ông Phạm Hoàng Vũ
Email: kinhdoanhvabienmau@gmail.com
Mọi thông tin bạn đọc vui lòng liên hệ đường dây nóng: 0865191826
® Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam, mọi sao chép phải được sự đồng ý bằng văn bản của Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam.