Trong bối cảnh nền kinh tế hàng hóa ngày càng phát triển mạnh mẽ, logistics ra đời như một giải pháp cho nhu cầu sản xuất và phân phối sản phẩm thuận tiện và nhanh chóng nhất. Do đó, mặc dù khá “non trẻ” nhưng logistics đã dần khẳng định được vai trò to lớn của mình đối với nền kinh tế của nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Logistics là gì?
Theo Điều 233, Luật Thương mại năm 2005:“Dịch vụ logistics là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công việc bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hoá theo thoả thuận với khách hàng để hưởng thù lao.”
Hiểu một cách đơn giản nhất, logistics là dịch vụ cung cấp, vận chuyển hàng hóa tối ưu nhất từ nơi sản xuất đến tay người tiêu dùng. Công việc của các công ty logistics là lên kế hoạch cụ thể, kiểm soát sự di chuyển của hàng hóa hay thông tin về nguyên liệu từ điểm xuất phát đến điểm tiêu thụ theo yêu cầu khách hàng đặt ra. Để cạnh tranh hiệu quả trong ngành này, các công ty phải luôn cải tiến và chú trọng đến yếu tố số lượng, chất lượng, thời gian và giá cả dịch vụ.
Trong việc hoạt động kinh tế quốc tế, logistics là công cụ liên kết các hoạt động trong chuỗi giá trị toàn cầu, đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả cao. Logistics phát triển góp phần mở rộng thị trường kinh doanh quốc tế.
Đối với nền kinh tế quốc dân, logistics là một thành tố quan trọng đóng góp vào GDP. Nó tác động tới việc mất giá đồng tiền, mức lãi ngân hàng, năng suất lao động, giá năng lượng và các lĩnh vực khác của nền kinh tế. Logistics phát triển sẽ góp phần giảm chi phí, đảm bảo về thời gian và chất lượng cho các hoạt động kinh tế khác.
Việt Nam có nhiều lợi thế phát triển logistics
Với vị trí thuận lợi nằm ở trung tâm khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trên tuyến hàng hải quốc tế, thị trường logistics tại Việt Nam được cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế đánh giá đầy tiềm năng để phát triển mạnh mẽ, nhất là sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát, các hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi, tăng trưởng trở lại.
Thực tế, ngành dịch vụ logistics Việt Nam đã có những bước phát triển khá nhanh, tăng trưởng bình quân hàng năm từ 12-15%. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2018, Việt Nam có 29.694 doanh nghiệp đã đăng ký hoạt động dịch vụ logistics. Theo Báo cáo logistic Việt Nam năm 2021 của Bộ Công Thương, trong 9 tháng năm 2021, số doanh nghiệp vận tải, kho bãi đăng ký thành lập mới tăng 4,61%, số vốn tăng 43% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo khảo sát của VLA, các doanh nghiệp logistics hàng đầu thế giới như: DHL, DB Schenker, Nippon Express, Sinotrans... đã có mặt tại Việt Nam. Thị phần của các doanh nghiệp logistics nước ngoài này chiếm khoảng 70-80% các dịch vụ logistics quốc tế. Các doanh nghiệp logistics Việt Nam cung cấp chủ yếu là các dịch vụ logistics nội địa như: vận tải nội địa, giao nhận, kho bãi, khai báo thủ tục Hải quan, giám định hàng hóa, dịch vụ cảng biển,...
Hiện nước ta có hơn 4.000 doanh nghiệp logistics hoạt động chuyên nghiệp cung cấp dịch vụ logistics quốc tế. Cả nước có 69 trung tâm logistics quy mô lớn và vừa, phân bổ tập trung ở một số khu công nghiệp. Thời gian qua, các trung tâm này tiếp tục có sự chuyển đổi từ trung tâm logistics truyền thống sang trung tâm logistics thế hệ mới, áp dụng công nghệ 4.0.
Cơ hội lớn cho các doanh nghiệp logistics đang rộng mở khi kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam tăng trưởng cao bất chấp những tác động tiêu cực của đại dịch, đạt trên 668 tỷ USD trong năm 2021 và sẽ cán mốc 1.000 tỷ USD tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trong thời gian không xa.
Hạn chế của ngành dịch vụ logistics ở Việt Nam
Ngành dịch vụ logistics vẫn còn nhiều hạn chế, chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Năng lực cạnh tranh của ngành còn thấp, chi phí logistics còn cao. Các doanh nghiệp logistics Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với việc cạnh tranh gay gắt với các doanh nghiệp nước ngoài.
Dịch vụ logistics của các DN Việt Nam chiếm tỷ trọng khoảng 95%, nhưng đa số là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ cung cấp các dịch vụ chưa có giá trị gia tăng cao. VLA đưa ra con số thống kê có tới 90% doanh nghiệp dịch vụ logistics tại Việt Nam có vốn điều lệ đăng ký dưới 10 tỷ đồng. Bên cạnh đó, sự liên kết giữa các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và doanh nghiệp dịch vụ logistics chưa chặt chẽ, kém hiệu quả.
Đặc biệt, Việt Nam vẫn rất thiếu các trung tâm logistics hiện đại, quy mô lớn, nhất là các trung tâm logistics để sơ chế, chế biến, bảo quản nhằm giảm thiểu hư hỏng, bảo đảm điều kiện để xuất khẩu. Điều này có thể thấy rõ trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp, hoạt động vận tải giao thông trên toàn cầu bị ảnh hưởng, chi phí logistics tăng lên, ảnh hưởng tới các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước.
Giải pháp phát triển ngành dịch vụ logistics ở Việt Nam
Để tạo nên sự đột phá, biến giấc mơ trở thành một trung tâm logistics của khu vực, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm như tập trung phát triển kết cấu hạ tầng logistics, ứng dụng công nghệ thông tin, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực logistics... Trong đó, việc phát triển hạ tầng giao thông vận tải nói chung và đường biển nói riêng là yêu cầu cấp bách bảo đảm duy trì chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa, giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa, doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam.
Việc này đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ của các bộ, ngành, các địa phương, để khơi thông những điểm nghẽn, hình thành các trung tâm logistics có trình độ tự động hóa, hiện đại hóa lớn, tham gia dịch vụ vận tải đa phương thức quốc tế, dịch vụ logistics xuyên biên giới.
Các trung tâm logistics phải được kết nối với các phương tiện vận tải theo hướng đa phương thức và với cảng biển bằng hệ thống đường sắt hiện đại theo mô hình cảng biển - đường sắt - các trung tâm logistics - đường ô tô - khách hàng. Đồng thời, sớm đưa vào vận hành các trung tâm logistics trên các hành lang kinh tế, đặc biệt ưu tiên các hành lang kinh tế qua các cửa khẩu quốc tế với Trung Quốc, Lào, Campuchia.
Thanh Tuyền (TH)