Tòa soạn nhận được thông tin phản ánh của người dân sinh sống trên địa bàn phường Thụy Khuê về sự ô nhiễm do mương thoát nước Thụy Khuê gây ra.
Sau khi nhận được thông tin phản ánh, phóng viên đã tiến hành ghi nhận thực tế. Có mặt tại mương thoát nước Thụy Khuê, những hình ảnh đầu tiên mà chúng tôi bắt gặp là một mương nước có màu đen đặc, mùi xú uế bốc lên nồng nặc, trên mặt nước xuất hiện nhiều loại côn trùng và động vật gây bệnh truyền nhiễm như muỗi, ruồi, dán, chuột… nhiều điểm dọc tuyến mương dòng chảy bị tắc nghẽn dẫn đến rác thải tồn đọng nổi lềnh phềnh.
Có mặt tại thời điểm đó, một số người dân bức xúc cho biết: “Tuyến mương này đã ô nhiễm nhiều năm nay, gia đình chúng tôi thường xuyên phải đóng kín cửa kể cả ban ngày, thuốc diệt muỗi sử dụng thường xuyên nhưng chỉ phần nào… không ít gia đình có con nhỏ và người già đã phải chuyển hoặc thuê nơi khác để sinh sống”.
Theo tìm hiểu của phóng viên, mương thoát nước Thụy Khuê (cạnh dốc Tam Đa, Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội) có chiều dài khoảng 3 km, từ dốc La Pho đến cống Đõ là một nhánh thuộc sông Tô Lịch cũ, nay là đường thoát nước chính của hai quận Ba Đình và Tây Hồ. Tuyến mương ô nhiễm từ nhiều năm trước, nguyên nhân chủ yếu là nước thải sinh hoạt công cộng và rác do người dân trực tiếp xả xuống. Bên cạnh đó, xuất hiện tình trạng lấn chiếm khiến dòng chảy bị thu hẹp.
Đây được xem công trình có nhiều ý nghĩa và hy vọng sẽ giải quyết dứt điểm được vấn đề ô nhiễm, cải thiện môi trường sống của người dân nơi đây, tránh ngập úng… và do UBND quận Tây Hồ làm chủ đầu, Trung tâm Phát triển quỹ đất và quản lý duy tu hạ tầng đô thị quận Tây Hồ là đơn vị thực hiện dự án. Theo đó, quy mô cống hoá mương Thụy Khuê bằng hệ thống cống hộp 2 làn, có vỉa hè 2 bên cùng hệ thống cấp nước, chiếu sáng trên mặt cống. Tại thời điểm đó, tiến độ được dự tính sẽ hoàn thành sau 17 tháng thi công. Tuy nhiên, có thời điểm dự án đã bị “đắp chiếu”. Được biết sau đó, dự án đã được chuyển sang cho một đơn vị khác thực hiện.
Đến nay, tác dụng của dự án chưa thấy đâu, ngược lại, nhiều điểm dự án tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Trong khi đó, người dân vẫn phải gánh chịu hậu quả nặng nề do ô nhiễm gây ra, cuộc sống sinh hoạt trở nên “xáo trộn”.
Trước thực trạng một dự án được triển khai nhiều năm nhưng vẫn ngổn ngang, hệ lụy từ việc thi công chậm trễ đang khiến người dân phải đối mặt với nguy cơ dịch bệnh, cuộc sống đảo lộn. Nhiều câu hỏi được đặt ra là chính quyền sở tại, cụ thể ở đây là UBND quận Tây Hồ và UBND phường Thụy Khuê đã thực sự vào cuộc để quyết tâm xóa bỏ điểm đen về vấn đề ô nhiễm trên địa bàn? Sức khỏe của người dân có được quan tâm khi ô nhiễm vẫn hàng ngày, hàng giờ diễn ra còn dự án vẫn chưa có ngày cán đích? Đơn vị được lựa chọn thực hiện dự án liệu có đủ năng lực?...
Người dân đang chờ đợi câu trả lời và những hành động thiết thực của cơ quan chức năng về nguyên nhân dự án chậm tiến độ cũng như thời gian dự án hoàn thành…
Theo LSVN