Lừa đảo qua mạng: Biết rồi, khổ lắm, nói mãi... nhưng vẫn bị lừa!

22/10/2018 16:05 (GMT+7)
Khi nhiều người đã dần đề cao cảnh giác vấn nạn lừa đảo qua mạng, nhất là với chiêu thức “đóng phí, nhận quà giá trị cao” thì mới đây, một hình thức lừa đảo khá mới lại xuất hiện. Không chỉ đơn giản là đánh vào “lòng tham” của nạn nhân như phương thức cũ, lần này bọn lừa đảo đã tinh vi hơn, sử dụng cả công nghệ để phục vụ cho việc “làm ăn” phi pháp của mình.
Đối tượng "thả thính" con mồi.

 

Đối tượng "giả vờ" ra giá.

Mất 122 triệu trong tích tắc vì... bán chú chó Poodle giá 7,8 triệu

Những đối tượng hành nghề lừa đảo qua mạng trong thời gian qua có vẻ “khó sống” bởi sự cảnh giác cao độ của mọi người. Tuy nhiên thời gian gần đây, một hình thức lừa đảo qua mạng với mô-tuýp mới đã khiến cho nhiều người bàn tán xôn xao trên mạng xã hội.

Anh Phương (ngụ Q. Ngô Quyền, TP. Hải Phòng), chủ tài khoản facebook Hoang Cao Phuong kể lại: Vào ngày 9/10/2018, anh có nhận được tin nhắn từ tài khoản facebook tên PHẠM DUY TUNG về việc hỏi mua chú chó cảnh giống Poodle của anh với giá 7,8 triệu đồng.

Tiếp đó, với lý do đang ở Úc, muốn mua chú chó trên để làm quà tặng nên đối tượng đã yêu cầu thanh toán bằng hình thức chuyển khoản. Được anh Phương đồng ý, đối tượng trên sau đó đã gửi tin nhắn thông báo đã chuyển khoản số tiền 7,8 triệu đồng kèm với đường link và yêu cầu anh Phương vào xác nhận, với lý do là số tiền trên được chuyển từ nước ngoài về.

“Tôi làm nghề kinh doanh chó cảnh đã 2 năm nay, giao dịch mua bán qua chuyển khoản rất nhiều. Nhưng do đây là trường hợp đầu tiên giao dịch với người đang sống ở nước ngoài, nên tôi hoàn toàn bị động và chỉ biết làm theo hướng dẫn của đối tượng trên” - anh Phương chia sẻ.

Anh kể tiếp: Sau khi click vào đường link đó và điền mật khẩu cùng mã OTP (One Time Password - mật khẩu dùng 1 lần) theo chỉ dẫn, chỉ ít giây sau thì anh giật bắn mình khi tin nhắn điện thoại báo về với nội dung: Tài khoản 1903…686 (được mở tại Phòng giao dịch Techcombank Lê Hồng Phong, Q. Ngô Quyền, TP. Hải Phòng) của anh bị trừ 122 triệu đồng, chỉ còn lại 878.016 đồng.

Biết mình đã bị lừa, anh Phương chạy nhanh ra báo cho cơ quan công an sở tại và ngân hàng nơi anh mở tài khoản. Nhưng tất cả đã quá muộn, bởi theo quy định, ngân hàng không thể phong tỏa số tài khoản thụ hưởng theo yêu cầu của anh. Sau đó, đối tượng lừa đảo đã chuyển toàn bộ số tiền trên sang nhiều tài khoản của các ngân hàng khác.

Vụ việc đã được anh Phương trình báo chi tiết cho cơ quan công an cũng như phía Ngân hàng Techcombank. Tuy nhiên, theo lời anh Phương thì “cơ hội để lấy lại số tiền trên là gần như không còn”.

Sau đó Phòng giao dịch Lê Hồng Phong đã cung cấp cho anh Phương các chi tiết về chủ nhân số tài khoản - thụ hưởng số tiền 122 triệu đồng của anh là Dao Kim Thao. Sau đó ngân hàng cũng đã gọi cho chủ số tài khoản trên qua số điện thoại lúc người này đăng ký nhưng không liên lạc được.

“Trong số tiền 122 triệu đồng kể trên, tôi chỉ có 32 triệu, 50 triệu là của bạn gửi nhờ và còn lại là số tiền của mẹ tôi gửi để chuẩn bị đám cưới em gái. Giờ gia đình tôi chỉ còn biết hy vọng và trông cậy vào sự giúp đỡ từ phía cơ quan công an cũng như Ngân hàng Techcombank” - anh Phương buồn rầu chia sẻ.

Đường link chứa mã độc đối tượng gửi cho anh Phương. Click vào đường link, 122 triệu đồng trong tài khoản của anh Phương "không cánh mà bay".

Phòng tránh như thế nào?

Có thể thấy, hình thức lừa đảo trên là khá mới, bởi trước đó chúng ta chỉ thường nghe đến thủ đoạn “đóng phí, nhận quà giá trị cao” của các đối tượng lừa đảo. Với phương thức này, chúng sẽ đánh vào “lòng tham” của bị hại, thường là phụ nữ độc thân để chiếm đoạt tài sản.

Còn trong trường hợp của anh Phương, các đối tượng đã khá tinh vi khi sử dụng công nghệ để đưa nạn nhân là một người kinh doanh nhỏ, thường xuyên giao dịch chuyển khoản “vào tròng”.

Nói về vụ việc này, một cán bộ ngân hàng cảnh báo: Người dùng internet banking phải hết sức lưu ý khi tiến hành các giao dịch. Trong đó, tuyệt đối không được để lộ mã OTP cho bất kỳ ai, nếu mất số điện thoại đã đăng ký để nhận mã OTP thì phải gọi điện số tổng đài của ngân hàng thông báo ngay và đặc biệt không được click vào các đường link lạ mà các đối tượng gửi đến.

Nếu thường xuyên giao dịch thì phải giao dịch từ trang chủ của chính ngân hàng đó. Còn lỡ có mua bán từ bên thứ 3 thì đích cuối lúc điền thông tin tài khoản hay mật khẩu phải bảo đảm chắc chắn rằng bạn đang thao tác trên đường link của trang web chính ngân hàng, không phải trên web của bên thứ 3.

Một cán bộ công an giấu tên chia sẻ thêm: Hình thức lừa đảo trên gọi là Phishing - lừa đảo dựa trên sự mạo danh sự tin cậy nhằm đánh cắp các thông tin nhạy cảm như tên truy cập, mật khẩu và các thông tin ngân hàng, tín dụng… của người dùng.

Với những người làm nghề kinh doanh, buôn bán qua mạng như anh Phương thì phải hết sức lưu ý khi giao dịch. Bởi, tội phạm công nghệ thường đã theo dõi rất kỹ “con mồi” nên chúng hành động rất nhanh, khó mà trở tay kịp.

Sau khi câu chuyện trên được anh Phương đăng tải trên mạng xã hội, nhiều người đã cho rằng phía Techcombank cũng như cơ quan công an có phản ứng “quá chậm” khi không phong tỏa số tài khoản trên.

Để bạn đọc có cái nhìn khách quan hơn về vụ việc, chúng tôi xin trích dẫn Khoản 2 Điều 12 Nghị định 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012. Theo đó, tài khoản thanh toán bị phong tỏa một phần hoặc toàn bộ số tiền trên tài khoản trong các trường hợp sau: Khi có quyết định hoặc yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; Khi tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phát hiện có nhầm lẫn, sai sót về chuyển tiền; Khi tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phát hiện có dấu hiệu gian lận, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động thanh toán và khi có tranh chấp giữa các chủ tài khoản thanh toán chung.

Theo Người Tiêu Dùng

Có thể bạn quan tâm: lừa đảo bán hàng mạng xã hội
Kích thước font In ấn

Bình luận chia sẻ

Pháp luật
amity.com.vn
Hi fpt
https://tanadaithanh.vn/
winvoucher.winmart.vn
http://gfs.com.vn
http://www.vafood.com.vn/
Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam
Cơ quan chủ quản: Hiệp hội Thương nhân kinh doanh biên mậu Việt Nam
Số giấy phép: số 450/GP-BTTTT, cấp ngày 8/10/2020, cấp bởi Bộ Thông tin và Truyền thông
 139 đường Nghi Tàm, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.


Tổng biên tập: Ông Phạm Bá Dục
Tổng thư ký: Ông Phạm Hoàng Vũ
Email: kinhdoanhvabienmau@gmail.com
Mọi thông tin bạn đọc vui lòng liên hệ đường dây nóng: 0865191826
® Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam, mọi sao chép phải được sự đồng ý bằng văn bản của Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam.