Cái cớ của Trump
Ông Donald Trump thường xuyên phàn nàn về thâm hụt thương mại lớn của Mỹ. Ông cho rằng đây là biểu hiện cho sản xuất và quyền lực nước Mỹ suy giảm. Theo ông, nhiều nước trong đó có Trung Quốc đã hoạt động không công bằng với Mỹ, như ăn cắp công nghệ của người Mỹ, trợ cấp các ngành công nghiệp và bán phá giá sản phẩm ra toàn cầu.
|
Thâm hụt (đỏ) và thặng dư (xanh) thương mại của Mỹ với các nước năm ngoái.
|
Ông kêu gọi các công ty Mỹ nhập khẩu ít hơn và xuất khẩu nhiều lên. Và 2018 là năm Donald Trump bắt đầu các động thái gây chiến, châm ngòi cho chiến tranh thương mại, nhằm giảm lượng thâm hụt khổng lồ. Ông muốn trừng phạt, hoặc chí ít cũng là buộc các nước nhượng bộ. Do đó, thuế nhập khẩu đã được áp dụng để hiện thực hóa mục tiêu này.
Hồi tháng 1, Trump áp thuế nhập khẩu lên pin năng lượng mặt trời và máy giặt không được sản xuất tại Mỹ. Sau đó, ông tiếp tục áp thuế này lên nhôm, thép từ hàng loạt quốc gia khác, trong đó có cả các đồng minh của Mỹ, như Canada, Mexico và Liên minh châu Âu (EU). Các nền kinh tế này cũng trả đũa bằng thuế nhập khẩu lên hàng Mỹ.
Riêng với Trung Quốc, sau 3 lần, Mỹ đã áp thuế lên số hàng hóa trị giá tổng cộng 250 tỷ USD của nước này. Ông cũng nhiều lần đe dọa áp thêm thuế với 267 tỷ USD hàng hóa nữa, để nâng con số lên hơn 500 tỷ USD – tương đương toàn bộ hàng Trung Quốc nhập vào Mỹ năm ngoái. Trung Quốc cũng đáp trả bằng thuế với 110 tỷ USD hàng Mỹ.
Thương mại toàn cầu chao đảo
Sau gần một năm, thương mại toàn cầu bị ảnh hưởng đáng kể bởi những đòn đáp trả của các bên. Các chuỗi cung ứng bị gián đoạn và nhà sản xuất, người tiêu dùng phải chịu giá cao.
Do đó, người ta ngày càng lo chiến tranh thương mại sẽ gây sức ép lên tăng trưởng kinh tế. Tại Mỹ, chiến tranh thương mại đã đặt các lãnh đạo doanh nghiệp vào tình trạng báo động. Họ phần lớn ủng hộ các thỏa thuận thương mại hiện hành. Dù vậy, đến giữa năm 2018, kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng khá tốt. Các nhà kinh tế cho rằng kết quả này một phần nhờ chính sách giảm thuế của ông Trump. Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) lại hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2018 và 2019 thêm 0,2%, do căng thẳng thương mại.
|
Tổng thống Mỹ - Donald Trump tại Nhà Trắng hôm 16/11. Ảnh: Reuters
|
Còn với Trung Quốc, cuộc chiến thương mại nổ ra đúng thời điểm nền kinh tế lớn nhì thế giới đang giảm tốc. GDP Trung Quốc đã tăng trưởng chậm nhất gần 10 năm trong quý III. Hồi tháng 9, chỉ số Shanghai Composite trên sàn chứng khoán nước này đã xuống thấp nhất 4 năm. Nếu ông Trump áp thuế đúng như đe dọa, tăng trưởng GDP Trung Quốc có thể mất 1,5% một năm, theo Bloomberg Economics. Không chỉ Trung Quốc, hàng loạt thị trường tài chính khác ở châu Á cũng bị kéo tụt, trong đó có Ấn Độ và Indonesia.
Dù vậy, thuế nhôm thép cũng có tác dụng tích cực với các nhà máy Mỹ, như ArcelorMittal, U.S. Steel hay Nucor. Họ đã nâng giá sản phẩm và mở lại nhiều cơ sở đã đóng.
Trong khi đó, một số công ty lại lâm vào tình cảnh vừa lợi vừa hại. Whirlpool là ví dụ. Sau khi ông Trump áp thuế lên máy giặt nhập khẩu, công ty này tạo thêm 200 việc làm. Nhưng khi Mỹ áp thuế nhôm thép, chi phí nguyên vật liệu tăng khiến họ và các hãng sản xuất máy giặt khác phải tăng giá sản phẩm 15%, khiến doanh thu đi xuống. Một nghiên cứu chỉ ra thuế nhôm thép có thể tăng một việc làm cho các công ty trong ngành kim loại, nhưng sẽ làm mất 16 việc làm khác.
General Motors, Harley-Davidson và hàng loạt công ty Mỹ khác cho biết thuế nhập khẩu khiến chi phí của họ đội lên, còn lợi nhuận thì giảm sút. Hãng motor Harley-Davidson tuyên bố chuyển bớt sản xuất ra nước ngoài để né thuế trả đũa từ các đối tác thương mại của Mỹ.
Nông dân Mỹ cũng là nạn nhân của các đòn trả đũa này, khiến chính phủ Mỹ phải cấp 12 tỷ USD cứu trợ. Các hãng xuất khẩu Trung Quốc thì được chính phủ hoàn thuế cho hàng trăm sản phẩm trong tháng 9.
Tuy nhiên, hiệu quả của chiến lược này còn tùy thuộc vào việc bên nào nhượng bộ trước, và liệu các đối tác thương mại của Mỹ có hạn chế xuất khẩu để đáp ứng yêu cầu của Mỹ hay không. Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) là một ví dụ. Việc ông Trump dọa rút khỏi NAFTA đã thôi thúc Canada và Mexico đồng ý với một hiệp định sửa đổi. Thuế nhôm thép cũng khiến Liên minh châu Âu (EU) tìm cách đàm phán một thỏa thuận với Mỹ.
Tuy nhiên, Trung Quốc dường như khó nhượng bộ hơn. Tại các sự kiện quốc tế, lãnh đạo nước này nhiều lần chỉ trích chính sách đơn phương và bảo hộ thương mại, dù không trực tiếp nhắc đến Mỹ. Tuần trước, trong bản cập nhật cuộc điều tra về chính sách chuyển giao công nghệ và sở hữu trí tuệ của Trung Quốc, Mỹ cũng cáo buộc Trung Quốc không chịu thay đổi các chính sách thương mại "vô lý, bất công và bóp méo thị trường".
Đáp trả, Bắc Kinh phủ nhận các cáo buộc này và kêu gọi Washington ngừng khiêu khích. Họ cũng lặp lại tuyên bố muốn đàm phán với Mỹ trên cơ sở bình đẳng, đôi bên cùng có lợi để tìm ra lối thoát cho cuộc chiến hiện tại.
Vai trò mờ nhạt của WTO
Cuộc chiến tranh thương mại do Mỹ châm ngòi đã làm suy yếu tiếng nói của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) – cơ quan quốc tế vốn có nhiệm vụ đàm phán, giám sát và điều hòa các quy tắc thương mại.
Trước các biến động mạnh của thương mại thế giới thời gian qua, WTO lại chẳng thể làm gì nhiều để can thiệp, do cả Mỹ và Trung Quốc đều viện lý do theo luật pháp trong nước để áp thuế nhập khẩu. Trong các cuộc họp của WTO nhằm giải quyết đơn kiện tố cáo lẫn nhau của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, lãnh đạo hai bên vẫn tranh cãi nảy lửa và không có dấu hiệu nhượng bộ. Cuộc chiến thương mại vì vậy được dự báo khó có thể giải quyết trong ngắn hạn, kể cả khi lãnh đạo hai nước lên kế hoạch gặp nhau bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 cuối tuần này.
Hà Thu (theo Bloomberg/Reuters)