Theo đó, Tổng Cục trường Trần Hữu Linh cho biết, Thương mại điện tử (TMĐT) hiện là môi trường hoạt động chủ yếu không chỉ của người bán, người mua mà cả với lực lượng chức năng. Với xu thế này hàng giả hàng nhái kinh doanh qua TMĐT đang dần trở nên phổ biến và đây sẽ là mặt trận đấu tranh chủ yếu của lực lượng QLTT trong thời gian tới. Tuy nhiên, để công tác đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm đạt hiệu quả thì các lực lượng chức năng cần có nguồn nhân lực, đặc biệt là công cụ, phương pháp phù hợp chứ không thể “tay không bắt giặc”.
“Nếu không có những chế tài phù hợp thì online sẽ trở thành nơi tàng trữ, phân phối, buôn bán hàng giả, từ đó ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp, giảm niềm tin của người tiêu dùng cũng như cản trở sự phát triển của nền kinh tế. Chống gian lận thương mại, hàng giả trên mạng cần phải có các giải pháp công nghệ cụ thể, để định danh, xác định được người mua, người bán, người vận chuyển, sản phẩm hàng hóa... từ đó góp phần phòng ngừa các rủi ro" - Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh nhấn mạnh.
Cũng tại Diễn đàn, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thành Hiếu - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, thương mại điện tử đã và đang trở thành xu hướng tiêu dùng của cả thế giới, nhất là từ sau đại dịch Covid-19. Nhận thức được vai trò cũng như tầm quan trọng của thương mại điện tử trong phát triển kinh tế, từ nhiều năm trước, nhà trường đã đưa nội dung này vào quá trình giảng dạy. Đặc biệt, kể từ khi Tổng cục Quản lý thị trường phối hợp với Trường Đại học Kinh tế Quốc dân mở chuyên ngành Quản lý thị trường thì thương mại điện tử là một trong những nội dung được nhà trường chú trọng.
Chia sẻ về các giải pháp chống hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng trên thương mại điện tử, Tiến sĩ Đinh Lê Hải Hà, Phó Viện trưởng Viện Thương mại và Kinh tế Quốc tế, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, trên thương mại điện tử, không chỉ là phòng tránh hàng giả, mà cần đảm bảo quyền lợi đầy đủ của khách hàng. Theo đó, Tiến sĩ Đinh Lê Hải Hà kiến nghị, trên thương mại điện tử, cần quản lý thương nhân cung cấp hàng hóa dịch vụ gắn liền với thương nhân tổ chức sàn thương mại điện tử và hệ sinh thái thương mại điện tử. Cùng với đó, luật hóa việc sử dụng thông tin chủ hàng và khách hàng tại các sàn thương mại điện tử và các nhà cung cấp ứng dụng (app).
Cùng với ý kiến đưa ra giải pháp công nghệ truy xuất nguồn gốc thúc đẩy phát triển thương mại điện tử bền vững, ông Nguyễn Bình Minh - Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) kiến nghị một số giải pháp: Kinh doanh thương mại điện tử có trách nhiệm, hàng hóa có chất lượng và có truy xuất nguồn gốc, bảo vệ môi trường; đào tạo kiến thức thương mại điện tử bền vững cho các doanh nghiệp; phối hợp nhiều công cụ số, phát triển các nền tảng kinh doanh số; đẩy mạnh chuyển đổi số các địa phương, thu hẹp khoảng các giãn cách số giữa các khu vực; hoàn thiện hành lang pháp lý về thương mại điện tử, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi mua sắm online.
Ngoài ra, nhiều công nghệ, giải pháp chống giả khác cũng được đại diện các Công ty tham gia Diễn đàn chia sẻ thêm như: Giải pháp V-Mark; tem truy xuất nguồn gốc hàng hóa; giải pháp TrueSell trong định danh người bán và truy xuất nguồn gốc hàng hóa; Check.VN; ứng dụng truy xuất nguồn gốc và mã số mã vạch vào hoạt động sản xuất; công nghệ iSeal, giải pháp xác thực xuất xứ, giải pháp chống hàng giả dựa trên công nghệ RFID, ứng dụng Blockchain trong truy xuất hàng hóa...
Hồng Như (t/h)