Trong khuôn khổ Chương trình làm việc kết nối, hợp tác về logistics giữa Việt Nam và Trung Quốc tại hai tỉnh Nam Ninh và Chiết Giang (Trung Quốc) từ ngày 11/11 – 16/11/2024 đã diễn ra Hội thảo “Cơ hội hợp tác và kết nối doanh nghiệp logistics Việt Nam - Trung Quốc”. Hội thảo do Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương Việt Nam phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Nam Ninh và Trung tâm điều hành Quảng Tây thuộc Hiệp hội Thương mại điện tử toàn cầu Việt Nam và Nam Ninh, thôn Trung Quan tổ chức.
Toàn cảnh Hội thảo “Cơ hội hợp tác và kết nối doanh nghiệp logistics Việt Nam - Trung Quốc”
Tại Hội thảo, đại diện Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết: Trong nhiều năm Trung Quốc luôn là một trong những đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam. Trong năm 2023, kim ngạch XNK Việt Nam - Trung Quốc đạt 171,9 tỷ USD, giảm 2,6% so với năm 2022.
Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 61,2 tỷ USD, tăng 5,6%; NK từ Trung Quốc đạt 110,6 tỷ USD, giảm 6,6%; nhập siêu ở mức 49,4 tỷ USD, giảm 18,4%. Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất, thị trường NK lớn nhất và thị trường XK lớn thứ 2 của Việt Nam.
Trong 09 tháng năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt 149,2 tỷ USD, tăng 21,9% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đến Trung Quốc đạt 44,4 tỷ USD, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2023; nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc đạt 104,8 tỷ USD, tăng 32,2% so với cùng kỳ năm 2023. Nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc có giá trị 60,4 tỷ USD, tăng 67,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong 9 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt 149,2 tỷ USD, tăng 21,9% so với cùng kỳ năm 2023. (Ảnh minh hoạ)
Theo thống kê của Hải quan Nam Ninh, kim ngạch thương mại Việt Nam - Quảng Tây 9 tháng đầu năm 2024 đạt 212,1 tỷ NDT (khoảng 30,3 tỷ USD), tăng 22%, chiếm tỷ trọng 40,6% tổng kim ngạch ngoại thương của Quảng Tây và 77,2% xuất khẩu nhập khẩu giữa Quảng Tây với ASEAN. Trong đó, Quảng Tây nhập khẩu 44,7 tỷ NDT (khoảng 6,4 tỷ USD), giảm 2,2%; xuất khẩu 167,3 tỷ NDT (khoảng 23,9 tỷ USD), tăng 30,7%. Việt Nam tiếp tục duy trì là đối tác thương mại lớn nhất của Quảng Tây.
Sau chương trình Hội thảo Đoàn đã tham quan, học tập kinh nghiệm tại một số doanh nghiệp Trung Quốc.
Đoàn công tác tham quan, giao lưu với Công ty Cainiao hay China Smart Logistics Network Limited, là một trong những nhà cung cấp dịch vụ hậu cần uy tín, được phát triển bởi tập đoàn lớn Alibaba. Cainiao chuyên cung cấp cho các tập đoàn, công ty đối tác các dịch vụ vận chuyển tiêu chuẩn
Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc các mặt hàng chủ yếu như: điện thoại di động, linh kiện, thiết bị điện tử, cao su, nông sản, thủy hải sản... và nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc các sản phẩm như: máy móc, thiết bị, nguyên liệu sản xuất trong ngành may mặc, giày da, sắt thép, vật tư xây dựng..., cho đến các mặt hàng sinh hoạt hàng ngày.
Đoàn đi tham quan và chụp hình lưu niệm tại Tập đoàn Zheng Tong Ren He Group
Việt Nam và Trung Quốc lại là hai nước có chung đường biên giới khoảng 1.450 km trải dài qua 7 tỉnh của Việt Nam tiếp giáp với 2 tỉnh của Trung Quốc. Việt Nam luôn coi Trung Quốc là đối tác quan trọng trong chiến lược phát triển dịch vụ logistics, phát triển thương mại biên giới qua các cửa khẩu. Tại kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam, Việt Nam đã đặt ra nhiều nhiệm vụ đẩy mạnh hợp tác logistics với Trung Quốc như:
Tăng cường hợp tác với các đối tác Trung Quốc, mở rộng kết nối hạ tầng logistics, phát huy tác dụng của vận tải đa phương thức, vận tải xuyên biên giới và quá cảnh nhằm thúc đẩy tăng trưởng xuất nhập khẩu, mở rộng quy mô thương mại song phương theo nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được.
Phối hợp nâng cao hiệu suất thông quan tại các cửa khẩu, cặp chợ biên giới Việt - Trung; Thúc đẩy hoàn thiện cơ sở hạ tầng tại các cửa khẩu biên giới; Phối hợp phân luồng hàng hóa xuất nhập khẩu để giảm tải áp lực thông quan tại một số cửa khẩu biên giới.
Đẩy mạnh hợp tác đầu tư, khai thác, sử dụng các trung tâm logistics ở Trung Quốc.
Phối hợp với Trung Quốc rà soát, hoàn thiện chính sách tạo thuận lợi hóa cho hàng hóa xuất nhập khẩu giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc; Đẩy nhanh tiến độ mở cửa thị trường cho nhiều loại nông, thủy sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc.
Thúc đẩy giao thương, xúc tiến thương mại, nâng cao lưu lượng hàng hóa từ Trung Quốc vận chuyển qua Việt Nam và ngược lại.
Đẩy mạnh quan hệ hợp tác quốc tế, liên kết giữa Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam, đẩy mạnh hợp tác logistics với Trung Quốc, góp phần thúc đẩy kinh tế biên mậu giữa hai nước, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đã đưa ra một số giải pháp hữu hiệu như: Hợp tác phát triển dịch vụ logistics thành một ngành đem lại giá trị gia tăng cao, gắn dịch vụ logistics với sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu của mỗi nước; Phối hợp đưa ra những giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics của hai nước về số lượng, quy mô, trình độ nhân lực, có năng lực cạnh tranh cao ở thị trường quốc tế; Tăng cường phối hợp xúc tiến thương mại và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khởi nghiệp logistics hai nước Việt Nam- Trung Quốc giao lưu, tiếp cận với các doanh nghiệp thương mại điện tử, doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu.
Quân Vũ