Tính chung 9 tháng đầu năm 2022, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 12,3 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 8,6 tỷ USD, tăng 1,5%.
"Trong tháng 9, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới các thị trường đều có trị giá tăng mạnh so với tháng 9/2021 bởi sự gián đoạn của hoạt động sản xuất và xuất khẩu trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát nên trị giá xuất khẩu trong tháng 9/2021 ở mức thấp", Cục Xuất nhập khẩu lý giải.
Thực tế, tình hình xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đang gặp khó và tiếp tục giảm tốc ở một số thị trường lớn như Mỹ, Châu Âu (EU)...
Cụ thể, tại Mỹ, thị trường tiêu thụ lớn nhất của ngành gỗ, chiếm hơn 55% trong tổng giá trị xuất khẩu của ngành hàng trong 9 tháng đầu năm, tiếp tục diễn biến sụt giảm. Đây cũng là yếu tố chính khiến ngành gỗ dù ghi nhận tăng trưởng nhưng vẫn khó lạc quan trong các tháng còn lại của năm.
Số liệu thống kê cho thấy, trong tháng 9, xuất khẩu sang thị trường này giảm 16,3% so với tháng 8. Đây cũng là tháng sụt giảm thứ 7 liên tiếp từ đầu năm đến nay và nếu không tính tháng 2 với kim ngạch thường thấp do rơi vào dịp Tết Nguyên đán, thì tháng 9 này có thể là tháng có trị giá xuất khẩu thấp nhất trong 9 tháng qua.
Chia sẻ tại triển lãm Vietnamwood 2022 diễn ra mới đây, ông Nguyễn Quốc Khanh - Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (HAWA), cho biết kim ngạch xuất khẩu tăng nhưng do lạm phát đã ảnh hưởng lớn đến tác động tăng trưởng xuất khẩu của ngành chế biến gỗ trong những tháng cuối năm 2022.
Chẳng hạn, bên cạnh Mỹ, lạm phát vẫn đang gia tăng tại các thị trường xuất khẩu chính của nhóm hàng là các nước EU, cùng với tác động từ cuộc xung đột Nga - Ukraine khiến cho người dân ở các quốc gia này có xu hướng duy trì việc thắt chặt chi tiêu.
Do đó, nhu cầu đối với các mặt hàng không thiết yếu như sản phẩm gỗ khó tăng mạnh như trước kia, đồng nghĩa việc ký kết và thực hiện đơn hàng của các doanh nghiệp cũng bị tác động trực tiếp.
Ông Nguyễn Liêm - Tổng Giám đốc Công ty CP Lâm Việt cho hay, theo thông lệ, những tháng cuối năm xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ thường cao hơn so với đầu năm do nhu cầu hoàn thiện, sửa sang, trang trí lại nội thất tăng cao vào cuối năm tại nhiều thị trường xuất khẩu chính. Tuy nhiên, tình hình năm nay không mấy khả quan bởi ngành gỗ đang phải đối mặt với nhiều yếu tố bất lợi.
“Đơn hàng quý III của các doanh nghiệp chỉ còn khoảng 40-50%, sang quý IV còn sụt giảm hơn và hiện vẫn chưa có đơn hàng cho năm mới” - Tổng Giám đốc Công ty CP Lâm Việt chia sẻ.
PV t/h