Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp (DN) phía Nam đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa qua sàn TMĐT lớn nhất thế giới Amazon, Câu lạc bộ (CLB) Doanh nghiệp Việt Nam vừa tổ chức Chương trình Cafe doanh nhân kết nối giao thương lần 3 với chuyên đề “Chuyển đổi số thương mại điện tử cho doanh nghiệp”, tại TP. Hồ Chí Minh.
|
TMĐT xuyên biên giới, đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ xuất khẩu ra thị trường thế giới, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19
|
Ông Phan Liên - Chủ tịch CLB Doanh nghiệp Việt Nam - cho biết, chương trình đã hỗ trợ các DN đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa qua sàn TMĐT lớn nhất thế giới Amazon. Đồng thời, chương trình cũng chia sẻ thông tin đa chiều hơn nữa tới cộng đồng DN nhằm hỗ trợ thúc đẩy hiệu quả trong chuyển đổi số TMĐT, hòa nhập xu hướng chung của thế giới và kinh doanh toàn cầu.
Tại chương trình, các diễn giả đã chia sẻ và giải đáp những vấn đề liên quan đến chuyển đổi số TMĐT, những cơ hội mà TMĐT xuyên biên giới tạo ra cho các DN, trong đó có các DN vừa và nhỏ của Việt Nam.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hiện nay, chuyển đổi số nhanh sẽ giúp các DN Việt Nam, đặc biệt là DN vừa và nhỏ, tìm kiếm mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt, tiết giảm chi phí, tối ưu nguồn lực để tiếp cận chuỗi cung ứng toàn cầu, bán hàng xuyên biên giới. Song, còn rất nhiều việc mà các DN phải tìm hiểu, áp dụng để có thể xuất khẩu thành công.
Hiện quy mô thị trường TMĐT Việt Nam tăng trưởng trung bình hàng năm từ 20% - 30%/năm, doanh thu TMĐT của Việt Nam 2019 đạt hơn 10 tỷ USD, ước tính giá trị mua sắm trực tuyến đặt 225 đôla Mỹ/người/năm, cao nhất trong khu vực.
Tuy nhiên, một khảo sát không mấy khả quan với nhiều DN vừa và nhỏ cho thấy, vẫn có hơn 70% các DN nhỏ và vừa Việt Nam chưa triển khai xây dựng kênh TMĐT cho DN, đặc biệt là TMĐT quốc tế. Nguyên nhân chính là DN có sản phẩm tốt nhưng không biết làm thương hiệu, chỉ làm gia công cho khách hàng theo kiểu bán trực tiếp, hay không quan tâm đến TMĐT hoặc DN chưa có kiến thức về TMĐT quốc tế.
|
Các diễn giả chia sẻ về chuyển đổi số và xuất khẩu hàng hóa lên sàn TMĐT xuyên biên giới tại Chương trình Cafe doanh nhân kết nối giao thương |
Hiện Amazon là sàn TMĐT lớn nhất thế giới và đang có mặt tại châu Mỹ, châu Âu, châu Á với hơn 100 triệu khách hàng đăng ký tài khoản. Để hỗ trợ DN xuất khẩu hàng hóa trên sàn TMĐT của Amazon, ông Nguyễn Thanh Tuấn - Giám đốc Hỗ trợ DN Amazon Việt Nam - cho biết, sau gần 2 năm có mặt tại Việt Nam, Amazon đã hỗ trợ rất nhiều DN trong nước đưa sản phẩm lên sàn TMĐT, phát triển thương hiệu ở các quốc gia mà Amazon có mặt.
Theo ông Nguyễn Thanh Tuấn, trong quá trình hỗ trợ DN Việt, đội ngũ Amazon sẽ tư vấn sâu sát cho DN về kế hoạch kinh doanh. Một kế hoạch kinh doanh sẽ bao gồm: giá thành sản phẩm, các loại phí sẽ chi trả khi bán hàng xuyên biên giới như: chi phí vận chuyển, mở rộng thị trường, kênh phân phối, chi phí đầu tư thương hiệu và sản phẩm… Amazon có cả một hệ sinh thái để các DN nhỏ và vừa Việt Nam tận dụng nền tảng TMĐT này để xuất khẩu sản phẩm.
Hiện TMĐT xuyên biên giới là kênh xuất khẩu hàng hóa hiệu quả cho các DN, tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Tuấn cho rằng, điều trăn trở nhất khi hỗ trở các DN, là còn rất nhiều DN chưa thật sự sẵn sàng, đặc biệt là nguồn nhân lực còn thiếu. Do đó, còn rất nhiều việc mà các DN phải tìm hiểu, áp dụng để có thể xuất khẩu thành công.
Để xuất khẩu hàng hóa lên sản TMĐT xuyên biên giới, ông Nguyễn Thanh Tuấn đưa ra lời khuyên, DN phải xây dựng kế hoạch kinh doanh đầy đủ, sản phẩm đưa lên sàn TMĐT xuyên biên giới phải đảm bảo chất lượng, hấp dẫn người tiêu dùng...
Trước lo lắng của DN về chất lượng nguồn nhân lực hiện nay trên thị trường, ông Mã Thanh Danh – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn KIDO - cho rằng, điều đầu tiên, DN cần có là tư duy về văn hóa dùng người. Phải hiểu rõ loại hình công việc đó cần dùng đúng người như thế nào, đúng tính cách và sở trường của họ. Thứ hai, trong thời đại số hiện nay, người ta có khái niệm là “thiết kế quy trình” để người không biết gì cũng không thể làm sai. Theo ông, thiết kế hệ thống, quy trình cũng cần chọn đúng người, thiết kế công việc để giảm bớt lỗ…
Hiện Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có mức tăng trưởng TMĐT nhanh nhất thế giới, với tốc độ 35% mỗi năm, gấp 2,5 lần so với Nhật Bản. Chỉ tính riêng trong 10 tháng đầu năm 2020, tỷ lệ giao dịch hàng hóa qua TMĐT tăng từ 10% đến 30%, có đơn vị tăng 50%.
Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), TMĐT là một trong các lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, nơi các công nghệ tiên tiến của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 được ứng dụng rộng rãi để tăng hiệu quả của chu trình kinh doanh, góp phần hiện đại hóa hệ thống phân phối, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN, đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu.
Theo Congthuong.vn