Theo đó, tối qua (16/8), TP. Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị trực tuyến về triển khai, quán triệt kế hoạch thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo Nghị quyết số 86/NQ-CP của Chính phủ.
Báo cáo về tình hình chăm lo cho người dân trong mùa dịch bệnh, ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức cho biết, địa phương có khoảng 150.000 công nhân đang gặp khó khăn trong duy trì tiền thuê trọ. Thành phố đã phát động chương trình miễn giảm tiền thu nhà trọ, "Nhà trọ 0 đồng".
Đến nay, Thành phố đã miễn giảm khoảng 43 tỷ đồng tiền thuê phòng trọ. Từ nay đến 15/9, thành phố sẽ tiếp tục chăm lo cho người dân trên toàn địa bàn và đảm bảo điều kiện sinh sống tối thiểu nhất cho công nhân bị giảm thu nhập do dịch bệnh, không để trường hợp nào thiếu ăn.
Tương tự, các ban ngành, đoàn thể của quận Bình Tân đang đảm bảo cung cấp lương thực cho người khó khăn, đặc biệt ở các khu nhà trọ trên địa bàn. Đối với người lao động đang ở nhà trọ, chính quyền quận Bình Tân đã lập tổ vận động chủ nhà trọ để giảm giá cho người sinh sống với các tỷ lệ giảm là 50%, 70% và 100% tùy vào điều kiện của chủ nhà trọ.
Nhiều chủ nhà trọ cũng đồng lòng ủng hộ giảm tiền nhà trọ cho người lao động. Một số chủ nhà trọ còn cùng chính quyền chung tay chăm lo cho người lao động khó khăn trong mùa dịch bằng những phần quà thiết yếu như: gạo, rau, củ quả, khẩu trang phòng dịch…
Ủng hộ các chính sách chăm lo tại địa phương, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết, tình hình dịch bệnh vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, Thành phố tiếp tục thực hiện giãn cách, vì vậy, đời sống người dân tiếp tục gặp khó khăn. Để không ai bị bỏ lại phía sau trong mùa dịch, ông Nguyễn Thành Phong yêu cầu các địa phương thống kê đầy đủ danh sách người dân đang gặp khó khăn, không bỏ sót trường hợp nào. Thành phố sẽ có gói hỗ trợ an sinh từ tiền nhà trọ, ăn uống, lương thực, thực phẩm và tiêm vaccine cho người dân để người dân yên tâm hơn khi ở lại Thành phố.
Thông tin về tình hình dịch bệnh, ông Nguyễn Thành Phong cho biết, mặc dù số ca bệnh đang đi ngang nhưng tỷ lệ bệnh nặng và số F0 vẫn tăng trong cộng đồng, vì vậy các địa phương không được chủ quan, lơ là trong công tác chống dịch.
Hiện nay, các quận huyện, sở ngành, cơ quan phải tranh thủ từng ngày, từng giờ để ngăn chặn, kiểm soát dịch; nơi nào chủ quan, lơ là sẽ phải chịu trách nhiệm trước thành phố. Vì vậy, ông Nguyễn Thành Phong đề nghị các địa phương lên kế hoạch chi tiết đến từng ngày để thực hiện và "tranh thủ từng giờ", triển khai sớm nhất có thể các phương án ngăn chặn dịch bệnh triệt để trong 1 tháng tới.
Cao Ánh