Sáng ngày 2/1, Bộ trưởng Bộ Công Thương, ông Nguyễn Hồng Diên chủ trì tổ chức Hội nghị “Phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ phục vụ chương trình điện hạt nhân”.
Sau 8 năm tạm dừng chương trình điện hạt nhân và các dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1,2 thì ngày 23/11/2024, Bộ Chính trị và Quốc hội đã ban hành chủ trương tái khởi động. Dự án nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện của Việt Nam hết sức cấp thiết và được dự báo vẫn tiếp tục tăng cao trong những năm tới.Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận được Quốc hội phê duyệt lần đầu vào năm 2009 với tổng công suất 4.000 MW, chia thành 2 nhà máy trên diện tích 1.642 ha.
Toàn cảnh diễn ra hội nghị “Phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ phục vụ chương trình điện hạt nhân”.
Bên cạnh đó, tại kỳ họp Quốc hội lần thứ 8 vừa qua thì luật Điện lực (sửa đổi), ban hành trong đó có quy định một số chính sách phát triển điện hạt nhân, tạo cơ sở pháp lý cho việc hiện thực hóa chủ trương nêu trên của Trung ương. Ngay sau kỳ họp Quốc hội, Tổng Bí thư Tô Lâm đã trực tiếp đến thăm địa điểm xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận và chỉ đạo rất cụ thể về việc tổ chức triển khai thực hiện chủ trương tái khởi động các dự án điện hạt nhân Ninh Thuận; Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân và triển khai các nhiệm vụ cần thiết khác để thực hiện chủ trương của Trung ương và Quốc hội.
Việc tái khởi động dự án điện hạt nhân, nhận được sự ủng hộ của các chuyên gia. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, vẫn còn đó không ít thách thức, đặc biệt là vấn đề nguồn nhân lực.
Để triển khai chủ trương, chỉ đạo trên, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã chỉ đạo các cục, vụ chức năng, đơn vị liên quan nhanh chóng triển khai các hạng mục công việc. Tuy nhiên, vẫn còn đó không ít thách thức, đặc biệt là vấn đề nguồn nhân lực. Vì vậy, Bộ tổ chức hội nghị “Phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ phục vụ chương trình điện hạt nhân”. Hội nghị nhằm mục đích báo cáo về hiện trạng, nhu cầu và giải pháp phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ phục vụ chương trình điện hạt nhân, và các tham luận: Định hướng đào tạo nhân lực khoa học và công nghệ trong lĩnh vực điện hạt nhân và an toàn bức xạ phục vụ chương trình điện hạt nhân; Định hướng đào tạo nhân lực khoa học và công nghệ trong lĩnh vực cơ khí - chế tạo, tự động hóa đáp ứng nhu cầu xây dựng, quản lý, vận hành nhà máy điện hạt nhân; Định hướng chiến lược phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ trong lĩnh vực điện điện tử cho ngành công nghiệp điện hạt nhân Việt Nam; Định hướng đào tạo nhân lực khoa học và công nghệ đáp ứng nhu cầu quản lý dự án, vận hành nhà máy điện hạt nhân.
Phong Lê