Xây dựng thương hiệu gia vị Việt bền vững trên thị trường xuất khẩu

01/06/2022 0:35 (GMT+7)
Hiện nay, Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu nhiều loại gia vị phổ biến, chinh phục được lượng lớn người tiêu dùng trên thế giới, kể cả các thị trường khó tính như Hàn Quốc, Nhật Bản... Tuy nhiên, những thách thức trong việc xây dựng thương hiệu gia vị Việt vẫn luôn hiện hữu.

Nhiều tiềm năng phát triển

Ông Nguyễn Trung Dũng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm DH Foods cho biết, trước đây gia vị Việt cực kỳ hiếm trên các kệ siêu thị mà chủ yếu là hàng Thái Lan. Đến thời điểm hiện nay các sản phẩm gia vị như muối tôm, muối ớt… của Việt Nam đã có mặt ở Nhật Bản, Mỹ, Đức, Nga và nhiều thị trường khác. Hiện, doanh số năm 2021 của công ty đạt 150 tỷ đồng, tăng 61% so với năm 2020 với hơn 170 mã sản phẩm thuộc nhiều dòng nhưng các loại muối tôm, muối ớt vẫn bán chạy nhất, các sản phẩm gia vị từ công thức tự nhiên là tương lai của gia vị Việt Nam trên thị trường xuất khẩu.

Sức hấp dẫn và đầy khốc liệt của thị trường gia vị. Ảnh: Phong Việt – Hương Giang

Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao nhận định, thị trường gia vị còn nhiều tiềm năng và có mức tăng trưởng hằng năm 4%-5%. Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao nhận định, thị trường gia vị tại Việt Nam tưởng nhỏ nhưng khi được đầu tư bài bản thì doanh nghiệp có thể dễ dàng kiếm cả trăm tỷ đồng mỗi năm chỉ từ việc bán lọ muối hay gói xốt cho các bà nội trợ. Chính bởi sự hấp dẫn của thị trường này, trong thời gian qua có sự cạnh tranh quyết liệt giữa các đơn vị làm gia vị của Việt Nam với các công ty đa quốc gia và với các sản phẩm ngoại nhập. Đây là thị trường cạnh tranh đầy quyết liệt và sống động.

Riêng tại thị trường EU - một trong những thị trường chủ lực của gia vị Việt, trong 4 tháng đầu năm, Tổng cục Hải quan cho biết, xuất khẩu hạt tiêu sang EU đạt 14 nghìn tấn, tương đương 73 triệu USD, tăng 16% về lượng và tăng 65% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021. Trước đó, năm 2021 xuất khẩu hạt tiêu sang EU đạt 130,5 triệu USD, tăng 47% so với năm 2020. Thị phần hạt tiêu của Việt Nam chiếm 29,75% trong tổng giá trị nhập khẩu của EU, cao hơn so với 25,98% trong năm 2020. Do đó, nhiều chuyên gia nhận định, tiềm năng xuất khẩu của hồ tiêu Việt Nam trong thời gian tới là rất lớn.

Nhanh chóng giải quyết những "nút thắt"

Tuy nhiên, thách thức với ngành gia vị xuất khẩu của Việt Nam vẫn còn hiện hữu. Đơn cử, với mặt hàng hồ tiêu - một trong những ngành hàng gia vị xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam cũng gặp không ít khó khăn. Bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho biết, do thời tiết không thuận lợi, năm 2022 sản lượng hồ tiêu của Việt Nam dự kiến đạt khoảng 446.000 tấn khối, giảm hơn với năm 2021. Thực tế, trong vụ mùa năm nay, khu vực trồng tiêu miền Đông (Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu) và Tây Nguyên (Đắk Nông, Đắk Lắk và Gia Lai) - hai vùng có diện tích trồng tiêu chiếm hơn 90% diện tích hồ tiêu cả nước đã ghi nhận sụt giảm từ 20-30% sản lượng, có nơi ước tính sản lượng giảm đến hơn 40%. Theo VPA, sản xuất hồ tiêu Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục gặp bất lợi do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu cùng các nguyên nhân khách quan như sốt giá đất, giá phân bón, giá thuốc bảo vệ thực vật, chi phí nhân công tăng.

Cần nhiều giải pháp kết hợp để ngành gia vị Việt Nam vượt qua thách thức. Ảnh: Phong Việt

Đặc biệt, thách thức lớn nhất đối với các doanh nghiệp gia vị khi xuất khẩu đến từ các tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, nhất là tại thị trường châu Âu, châu Mỹ; thiếu thông tin về nhu cầu, thị hiếu thị trường và kênh tiếp cận khách hàng tại các thị trường trên thế giới; nhận diện thương hiệu các mặt hàng gia vị Việt Nam tại các thị trường chủ lực chưa đủ sức cạnh tranh với các quốc gia khác sản xuất cùng một mặt hàng.

Để ngành gia vị Việt Nam khẳng định được thương hiệu bền vững thì cần nhiều giải pháp kết hợp. Ông Lê Thanh Hoà, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, hiện EU xây dựng các quy định mới rất minh bạch trong các nước nội khối và ngoại khối để đáp ứng tiêu chuẩn của họ. Nhiều nước như Mỹ, EU, Hàn Quốc cũng cho phép đánh giá rủi ro về những quy định dư lượng này. Do đó, bản thân doanh nghiệp cũng phải chủ động nâng cao ý thức về an toàn thực phẩm, tránh nhầm lẫn giữa vấn đề chất lượng và vấn đề an toàn.

Không chỉ vậy, bà Nguyễn Thị Lan Anh, Tổng Thư ký, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, ngoài việc đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm, ngành gia vị Việt Nam cần quan tâm thực hiện tốt, cải thiện những nội dung để đảm bảo tuân thủ những quy định, khuyến nghị về thương mại và phát triển bền vững nếu muốn xuất khẩu sang EU và hưởng lợi từ EVFTA; cần phải quan tâm tới những nội dung về môi trường, về con người đảm bảo phát triển bền vững vì việc tiếp cận và làm quen qua nhiều chương trình tập huấn nâng cao nhận thức để sản xuất văn minh hơn trong mảng nông nghiệp mà đối tượng là người nông dân thì rất mới.

Ngoài ra, việc giới thiệu, biểu dương các sản phẩm gia vị đã chế biến và đang xuất khẩu tốt cũng là tạo động lực cho doanh nghiệp kinh doanh gia vị phát triển bền vững. Bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch VPA đề xuất, doanh nghiệp, ngành hàng cần mang thương hiệu đến các hội thảo, sự kiện để khách hàng quốc tế có nhận thức về sản phẩm tiêu Việt Nam. Để xây dựng được thương hiệu gia vị xuất khẩu mang tầm quốc tế các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cần ít nhất 3-5 năm.

Muốn đẩy nhanh hình ảnh thương hiệu gia vị Việt Nam nhanh hơn, dễ dàng, các chuyên gia cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước cần có chương trình hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu. Chẳng hạn, tại Thái Lan, ở giai đoạn đầu khi các doanh nghiệp nhỏ muốn mở cửa hàng giới thiệu sản phẩm sẽ được Chính phủ hỗ trợ quảng bá hình ảnh chuẩn, sau đó tổ chức những hội thảo chuyên đề, đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm. Đồng thời, nhà nước có thể dành ra một đội ngũ để nghiên cứu các loại gia vị và đưa ra một thứ tự ưu tiên đầu tư cho một số gia vị nào đó.

Phong Việt

Có thể bạn quan tâm: xây dựng thương hiệu
Kích thước font In ấn

Bình luận chia sẻ

Tin hoạt động Hiệp hội
amity.com.vn
Hi fpt
https://tanadaithanh.vn/
winvoucher.winmart.vn
http://gfs.com.vn
http://www.vafood.com.vn/
Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam
Cơ quan chủ quản: Hiệp hội Thương nhân kinh doanh biên mậu Việt Nam
Số giấy phép: số 450/GP-BTTTT, cấp ngày 8/10/2020, cấp bởi Bộ Thông tin và Truyền thông
 139 đường Nghi Tàm, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.


Tổng biên tập: Ông Phạm Bá Dục
Tổng thư ký: Ông Phạm Hoàng Vũ
Email: kinhdoanhvabienmau@gmail.com
Mọi thông tin bạn đọc vui lòng liên hệ đường dây nóng: 0865191826
® Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam, mọi sao chép phải được sự đồng ý bằng văn bản của Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam.