Xe “gian” náo loạn thị trường - Kỳ 1: “Lối về” của xe “gian”

24/04/2023 19:50 (GMT+7)
Thay vì phải bỏ ra số tiền lớn để có thể sở hữu một chiếc xế hộp phục vụ nhu cầu đi lại cá nhân, nhiều người có thể mua được chiếc xe ô tô với giá chỉ bằng khoảng 50% giá trị thực tế của xe cùng chất lượng tại thị trường Việt Nam. Đây có phải “bí quyết”? Hay chỉ là chiêu trò của những người lợi dụng kẽ hở pháp lý để “lách luật”?

 

Muôn kểu nhập lậu xe ô tô 

Được một thợ xe giới thiệu, phóng viên kinhdoanhvabienmau.vn có cơ hội thâm nhập vào một số hội, nhóm chuyên mua bán, giao dịch các loại xe giá rẻ. Theo khảo sát và thống kê của phóng viên, hiện có hàng chục hội, nhóm chuyên mua bán, trao đổi, giao dịch các loại xe ô tô giá rẻ, gồm xe nợ xấu Ngân hàng - xe nhập lậu…. (xin tạm gọi tắt là xe “gian”). Xe lậu là những chiếc xe cũ được nhập lậu từ nước bạn Lào và Campuchia về Việt Nam không qua quy trình nhập khẩu hợp pháp. Bởi vậy mà các hội nhóm thường được đặt những cái tên gắn liền với cụm từ “xe Ngân-Lào-Campuchia”.

Phải một thời gian dài trong vai là người tìm mua xe để tìm hiểu, phóng viên mới hiểu được những ngôn từ “chuyên ngành” của giới buôn bán xe “gian” khi đăng tải bài viết bán xe. Những chiếc xe “gian” nhập lậu chủ yếu từ Lào và Campuchia, cũng do đặc thù và cơ chế quản lý mỗi quốc gia khác nhau, mà đặc điểm xe nhập lậu xe từ mỗi quốc  gia về Việt Nam cũng khác nhau.

Chiếc xe sang nhập lậu được rao bán với giá chỉ hơn 1 tỉ đồng

Theo Long “ngố”, một tay chơi có kinh nghiệm dòng xe “gian” thì những chiếc xe nhập lậu từ Campuchia về phần nhiều là xe bị tai nạn. Một số người Việt sang Campuchia tìm những chiếc xe tai nạn mà có thể phục hồi được. “Sau khi mua giá sắt vụn bên nước bạn Campuchia, họ cắt rời một vài bộ phận thân xe, thường là cắt đôi ngang thân xe, hoặc cắt rời phần mui (nóc) xe và tháo cánh cửa, biến chiếc xe thành mớ sắt vụn để tiện bề chuyển về Việt Nam mà không bị đánh thuế nhập khẩu xe. Về đến Việt Nam, những chiếc xe này lại được các tay thợ hàn gắn, khôi phục thành những chiếc xe hoàn chỉnh để có thể sử dụng là một phương tiện đi lại, rồi bán ở thị trường Việt Nam thành những chiếc xe không giấy tờ, mà giới buôn xe “gian” gọi xe nopp” - Long “ngố” chia sẻ kinh nghiệm.

Chỉ có số rất ít xe được mang từ Campuchia về còn hoàn chỉnh nên để phân biệt chất lượng xe, có những thông tin đăng tải bán xe Campuchia không quên đính kèm câu: “Cam kết không cắt ghép” để người mua phân biệt, lựa chọn và xác định mức giá giao dịch.

Dịch vụ làm biển số giả, phục vụ “hành lý” cho những chiếc xe nhập lậu được quảng cáo công khai

Còn Hùng “Lexus”, một người định cư lâu năm bên Lào cho biết, để đưa một chiếc xe mang biển số Lào từ Lào về Việt Nam không hề khó. Theo quy định của pháp luật từng nước và Thông tư hướng dẫn thực hiện một số Điều của Hiệp định Thương Mại giữa hai nước thì việc đưa chuyển một chiếc xe ô tô từ Lào về Việt Nam rất đơn giản. Chỉ cần một doanh nghiệp của Lào ký hợp đồng lao động với một người Việt Nam, sau đó làm thủ tục cử lao động đi công tác tại Việt Nam và được mang theo phương tiện đi lại là chính chiếc xe muốn đưa về Việt Nam. Hoặc bất cứ người Việt Nam nào được chủ xe phía Lào làm bản ủy quyền việc sử dụng chiếc xe biển Lào, và làm thủ tục cấp giấy phép liên vận quốc tế. Sau đó, chiếc xe được làm thủ tục tại cơ quan Hải quan để “tạm nhập” về Việt Nam thời hạn 30 ngày. “Sau 30 ngày, nếu chiếc xe đó vẫn muốn tiếp tục được lưu hành hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam thì phải mang trở lại cửa khẩu, tiếp tục làm thủ tục hải quan để tái xuất và tiếp tục tạm nhập, còn không thì đương nhiên nó trở thành xe không được phép lưu hành, nếu lưu hành là bất hợp pháp” - Hùng “Lexus” nói.

Nhận định chung của giới sành xe “gian” thì những chiếc xe được nhập từ Lào về Việt Nam sẽ là xe nguyên vẹn, không bị cắt ghép như xe nhập từ Campuchia nên giá thành một chiếc xe mang biển số Lào thường cao hơn xe có nguồn gốc từ Campuchia. Đặc điểm nữa là đa số xe nhập từ Lào về, người sử dụng vẫn giữ nguyên hồ sơ, biển số để lưu hành, còn xe có nguồn gốc từ Camphuchia hầu hết là không có hồ sơ, giấy tờ gì, bởi nó được nhập về là một mớ sắt vụn chứ không phải chiếc ô tô hoàn chỉnh.

Dịch vụ làm giấy tờ giả để trang bị “hành lý” cho những chiếc xe “MBC” cũng không khó tìm

 

“Hành lý đi đường” cho xe “gian”

Do đặc điểm phần nhiều xe nhập lậu từ Campuchia không có hồ sơ, giấy tờ gì, nên những chiếc xe này sau khi đưa về Việt Nam được phù phép cho một bộ “hành lý” đi đường gồm Đăng ký xe, Chứng nhận đăng kiểm; Tem đăng kiểm; Biển số. Tất nhiên đó hầu hết là những “hành lý” được làm giả, nội dung làm giả được sao chép thông tin từ một chiếc xe ô tô khác đang lưu hành hợp pháp tại Việt Nam, đó là chiếc xe có cùng nhãn hiệu; số loại; và năm sản xuất tương đương với chiếc xe nhập lậu. Với bộ “hành lý” này, chiếc xe nhập lậu được gọi là xe “mẹ bồng con”, trong giới xe “gian” khi đăng tải thông tin bán xe viết tắt là “MBC”.

Vậy, bằng cách nào, những chiếc xe “gian” được nhập lậu từ Campuchia lại có thể được “khoác áo giả” là một bộ hồ sơ gồm Đăng ký xe, Chứng nhận đăng kiểm… của một chiếc xe khác có cùng số hiệu, số loại, năm sản xuất… đang lưu hành hợp pháp ở Việt Nam, để vô tư qua mặt lực lượng chức năng , lưu hành trên lãnh thổ Việt Nam?

Camry là một trong những loại xe nhập lậu phổ biến từ Campuchia được rao bán tại Việt Nam

Những chiếc xe “MBC” này phổ biến nhất là Camry; Lexus RX… Khi mà ở thị trường Việt Nam, những chiếc xe đang giao dịch tiền tỉ thì với chiếc xe “MBC” này chỉ có giá vài trăm triệu đồng. Ví dụ chiếc xe Lexus-RX350 sản xuất năm 2010 đang được rao bán ở thị trường Việt Nam từ 1,1-1,2 tỉ đồng. Nhưng trong các hội, nhóm chuyên mua bán xe “gian” đang bán những chiếc xe có thông số kỹ thuật tương tự, nhưng là xe “mẹ bồng con” với giá chỉ từ 300-400 triệu đồng. Hay chiếc xe Camry nhập khẩu, máy 2.0, sản xuất năm 2010 đang được rao bán ở thị trường Việt Nam từ 350-400 triệu đồng; Nhưng những chiếc xe “mẹ bồng con” có thông số kỹ thuật tương tự đang được rao bán ở các hội nhóm với giá chỉ từ 160-220 triệu đồng…

Những chiếc xe nhập lậu được giao dịch và lưu hành trên lãnh thổ Việt Nam đã tồn tại từ lâu. Trước đây, để rao bán những chiếc xe này trên các diễn đàn, người bán thường dùng cụm từ “Xe Nopp”, trong đó, từ “Nopp” là viết tắt của từ tiếng Anh: No paper (không giấy). Nhưng hiện nay, cụm từ “xe Nopp” ít được sử dụng, mà thay vào đó là một từ viết tắt “MBC” của “mẹ bồng con. Hoặc một số người dùng những từ ngữ mĩ miều hơn như: Em Cẩm Ly (Camry - PV), Quốc tịch Cam (Campuchia - PV), Hộ chiếu đầy đủ (các loại giấy tờ được làm giả); Hay: Em quê nước bạn, đã có hành lý đi đường…

Để lựa chọn một chiếc xe ô tô rẻ tiền làm phương tiện đi lại, không chỉ có xe nhập lậu là lựa chọn duy nhất. Một loại xe ô tô đang được giới sành săn lùng, đó “xe Ngân”. Vậy “xe Ngân” có đặc điểm gì? Vì sao”xe Ngân” lại rẻ? Mời bạn đọc tiếp tục theo dõi trên kinhdoanhvabienmau.vn…

(Còn nữa…)

Nguyễn Khuê

 

Kích thước font In ấn

Bình luận chia sẻ

Kinh doanh, pháp luật
amity.com.vn
Hi fpt
https://tanadaithanh.vn/
winvoucher.winmart.vn
http://gfs.com.vn
http://www.vafood.com.vn/
Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam
Cơ quan chủ quản: Hiệp hội Thương nhân kinh doanh biên mậu Việt Nam
Số giấy phép: số 450/GP-BTTTT, cấp ngày 8/10/2020, cấp bởi Bộ Thông tin và Truyền thông
 139 đường Nghi Tàm, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.


Tổng biên tập: Ông Phạm Bá Dục
Tổng thư ký: Ông Phạm Hoàng Vũ
Email: kinhdoanhvabienmau@gmail.com
Mọi thông tin bạn đọc vui lòng liên hệ đường dây nóng: 0865191826
® Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam, mọi sao chép phải được sự đồng ý bằng văn bản của Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam.