Sầu riêng xuất khẩu mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội to lớn

18/11/2022 20:10 (GMT+7)
UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, sầu riêng mang lại hiệu quả kinh tế cao, là nguồn nông sản hàng hóa giá trị xuất khẩu lớn, có lợi thế cạnh tranh của tỉnh. Hiện nay, tỉnh Tiền Giang đã mở rộng diện tích vùng chuyên canh sầu riêng xuất khẩu lên 16.890 ha, tập trung tại các huyện, thị vùng kiểm soát lũ phía Tây: Huyện Cai Lậy, huyện Cái Bè, huyện Tân Phước và thị xã Cai Lậy. Trong đó, có trên 11.000 ha cho thu hoạch với năng suất bình quân trên 28 tấn/ha và sản lượng trên 312.000 tấn trái cung ứng thị trường trong và ngoài nước.

 Qua khảo sát, 70% - 80% sản lượng sầu riêng được xuất khẩu, chủ yếu là thị trường Trung Quốc. Trong đó, có khoảng 20% sản phẩm được chế biến trước khi xuất khẩu. Với giá bán từ 60.000 đồng/kg trở lên, mỗi ha sầu riêng hiện cho lợi nhuận hàng tỷ đồng, cao nhất trong các loại cây ăn trái đặc sản của tỉnh.

Giai đoạn 2022 - 2025, địa phương giữ ổn định diện tích hiện có cùng với tập trung ứng dụng khoa học - công nghệ, khuyến khích nông dân thâm canh theo hướng VietGAP, GlobalGAP; tổ chức lại sản xuất… gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, thích ứng biến đổi khí hậu, nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh của trái sầu riêng đặc sản trên thị trường cũng như an toàn, truy xuất nguồn gốc, bảo vệ môi trường sinh thái. Qua đó, nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội và phát triển bền vững cho vùng chuyên canh sầu riêng.

Theo đó, tỉnh Tiền Giang đưa ra các nhóm giải pháp về hỗ trợ phát triển sản xuất; chú trọng chuyển giao khoa học - kỹ thuật giúp giảm chi phí đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu; xây dựng và phát triển hệ thống dịch vụ sản xuất và tiêu thụ sầu riêng gắn với xúc tiến thương mại và phát triển thị trường…

Ảnh minh họa (Nguồn Bộ NN&PTNT)

Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang hướng dẫn nông dân về kỹ thuật trồng sầu riêng an toàn VietGAP hoặc GlobalGAP, kỹ thuật ủ phân hữu cơ bón cho cây trồng, kỹ thuật tỉa cành, tạo tán, xử lý ra hoa rải vụ, tưới phun sương tự động tiết kiệm nước,…

Xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, mở rộng thị trường xuất khẩu được đẩy mạnh, tháo gỡ điểm nghẽn về đầu ra cho vùng chuyên canh sầu riêng. Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang… tích cực kết nối cung cầu, tìm kiếm và mở rộng thị trường cho trái sầu riêng thông qua các kênh phân phối lớn như: Các siêu thị, trung tâm thương mại (BigC, Co.opmart, Bách Hóa Xanh…), Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines).

Tỉnh quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã chuyên canh sầu riêng dự, tìm kiếm cơ hội làm ăn tại các Hội chợ kết nối cung - cầu hàng hóa; phối hợp Cục Xúc tiến thương mại, Hiệp hội Rau quả Việt Nam hỗ trợ các doanh nghiệp và hợp tác xã tham gia các Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia và quốc tế nhằm quảng bá, giới thiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ trái sầu riêng.

Đồng thời, nắm bắt thời cơ khi trái sầu riêng được chấp nhận xuất chính ngạch sang thị trường Trung Quốc và các thị trường khó tính khác trên thế giới. Để được xuất chính ngạch, toàn vùng đã được cấp 02 mã số vùng trồng sầu riêng với tổng diện tích gần 100 ha. 

Tín hiệu vui từ việc xuất khẩu chính ngạch giúp giá sầu riêng niên vụ 2022 - 2023 tăng mạnh. Hiện thương lái thu mua tận vườn sầu riêng đầu vụ từ 75.000 - 80.000 đồng/kg, với giá này mỗi ha nông dân thu lãi ròng trên 01 tỷ đồng.

Tỉnh Tiền Giang cho biết đã triển khai dự án "Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sầu riêng tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030", nhằm nâng cao giá trị trái sầu riêng thông qua hình thành chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ, áp dụng khoa học - công nghệ, gắn kết sản xuất và kinh doanh, ứng dụng công nghệ xử lý sau thu hoạch, chế biến sâu và giảm tổn thất sau thu hoạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm...

Mặt khác, nâng cao năng lực quản trị, điều hành, kỹ năng thương mại cho các hợp tác xã; hình thành phương thức sản xuất - tiêu thụ mới thông qua hợp đồng, nhân rộng mô hình Hợp tác xã sầu riêng Ngũ Hiệp... Từ đó, nâng cao thu nhập cho nông dân vùng chuyên canh và các đối tượng tham gia chuỗi liên kết; thực hiện thắng lợi mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp địa bàn kiểm soát lũ phía Tây theo hướng định hình nền nông nghiệp phát triển bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai và nông dân làm giàu.

Quỳnh Như (t/h)

Kích thước font In ấn

Bình luận chia sẻ

Kinh doanh, pháp luật
amity.com.vn
Hi fpt
https://tanadaithanh.vn/
winvoucher.winmart.vn
http://gfs.com.vn
http://www.vafood.com.vn/
Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam
Cơ quan chủ quản: Hiệp hội Thương nhân kinh doanh biên mậu Việt Nam
Số giấy phép: số 450/GP-BTTTT, cấp ngày 8/10/2020, cấp bởi Bộ Thông tin và Truyền thông
 139 đường Nghi Tàm, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.


Tổng biên tập: Ông Phạm Bá Dục
Tổng thư ký: Ông Phạm Hoàng Vũ
Email: kinhdoanhvabienmau@gmail.com
Mọi thông tin bạn đọc vui lòng liên hệ đường dây nóng: 0865191826
® Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam, mọi sao chép phải được sự đồng ý bằng văn bản của Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam.