“Xe “gian” náo loạn thị trường - Kỳ 3: Mua “xe gian” - mua cả rủi ro

26/04/2023 7:55 (GMT+7)
Một chiếc xe có cùng giá trị sử dụng, nhưng giá trị kinh tế chênh lệch tới 40-60%, nhưng không phải ai cũng dám lựa chọn chiếc “xe Ngân” hay xe “MBC”. Bởi cái sự rẻ rúm ấy chính là sự đánh đổi rủi ro và mạo hiểm, mà người sử dụng “xe Ngân” hay xe “MBC” có thể dễ bị mất xe bất cứ lúc nào…

 

Lời cảnh báo khi giao dịch xe “gian” 

Điều đầu tiên phải khẳng định rằng, tất cả giao dịch phát sinh đối với những chiếc ô tô là xe “MBC” hay “xe Ngân” để lưu hành đều là những giao dịch bất hợp pháp. Bởi tất cả  xe “gian” là những chiếc xe lưu hành trái phép trên lãnh thổ Việt Nam, nên giao dịch mua bán xe “gian” cũng là giao dịch không được pháp luật công nhận.

Nhiều người chưa thật sự hiểu biết, hoặc thiếu cảnh giác mà bị mắc bẫy lừa đảo, dẫn đến tiền mất tật mang khi giao dịch xe “gian”. Quá trình thâm nhập vào các hội nhóm chuyên mua bán xe “gian”, ngày nào cũng xuất hiện hàng chục thông tin đăng tải bán xe “gian”, bao gồm cả xe “MBC” và “xe Ngân”. Nhưng cũng không ít thông tin cảnh báo về việc giao dịch xe “gian” bị lừa đảo, hoặc người mua bị chính người bán dàn cảnh để “cướp” lại xe.

Cách đây không lâu, một dân buôn xe “gian” cảnh báo trên hội nhóm về việc bị lừa khi mua một chiếc xe “MBC”, sau khi nhận xe về, đang gửi xe trong một bãi xe thì bị người khác đến lấy xe. Nguyên nhân là trước khi bán xe, người bán cố tình gắn định vị xe, khi người mua thiếu cảnh giác, không kiểm tra tháo định vị nên sau đó người bán mở định vị, tìm đến vị trí xe, dùng chìa khóa phụ để lấy xe. Vì là chiếc xe giao dịch không được pháp luật công nhận, nên khi xảy ra rủi ro trong trường hợp này thì người mua xe không thể trình báo cơ quan công an để bảo vệ quyền lợi cho mình.

Xe "Ngân": miếng mồi béo bở của dân buôn

Hay một trường hợp khác, khi người mua chiếc “xe Ngân” không phải chính chủ bán, ngay sau khi xảy ra giao dịch, trên đường đi, chiếc xe bất ngờ bị chặn lại. Một người chứng minh mình là chủ xe và thông báo chiếc xe bị mất trộm, yêu cầu người đang đi xe phải bàn giao xe, nếu không sẽ gọi Công an đến giải quyết. Biết mình yếu thế, người mua xe đành chấp nhận bàn giao xe để tránh bị tai họa. Ngoài ra, cũng không ít trường hợp vì cả tin hoặc tham rẻ, vội vàng “chốt” giao dịch khi chưa biết gì về thông tin người bán xe. Bằng kịch bản đặt cọc để chuyển xe, sau khi người mua chuyển tiền đặt cọc thì người bán chặn liên lạc, và chiếc xe lại được đăng bán bằng những nick name khác để tiếp tục hành trình.. lừa đảo.

Cũng với chiêu trò lừa đảo tương tự, đã có rất nhiều người tham của rẻ mà bị lừa đảo mất tiền sau những giao dịch xe “gian”. Nạn nhân của các vụ lừa đảo này thường cắn răng chịu đựng, vì kẻ lừa đảo mang tính “chuyên nghiệp” biết rõ thế yếu của nạn nhân, nên dựng nên những kịch bản khá bài bản. Trước tiên là giăng bẫy con mỗi bằng chiêu bài đăng bán xe giá rẻ để dễ tạo ra giao dịch, khi xảy ra giao dịch thì con mồi mắc bẫy, và kịch bản bán xong, “cướp” lại xe được diễn ngay sau đó.

 

Mỗi ngày có hàng chục bài đăng bán xe "gian" trên các hội, nhóm

Mua xe “gian”: Tiền ít - rủi ro nhiều

Một “dân buôn” chuyên giao dịch “xe Ngân” cho biết: Ngân hàng cấp biên nhận thế chấp cho xe thế chấp Ngân hàng thường có giá trị 6 tháng/lần. Thường thì nếu xe không vi phạm Luật giao thông đường bộ, chỉ cần nhìn tem đăng kiểm còn thời hạn thì tự dưng sẽ không có CSGT nào dừng xe kiểm tra. Vậy nên hầu hết người đi “xe Ngân” chỉ cần làm dịch vụ giấy biên nhận khi chuẩn bị đăng kiểm, mỗi lần làm giấy biên nhận “rởm”, phí dịch vụ hiện tại 1,5-2 triệu đồng/1 lần.

Đối với xe “mẹ bồng con” thì chi phí làm một bộ biển số, giấy Đăng ký xe hết khoảng 6-7 triệu/1 bộ, ngoài ra mỗi lần làm dịch vụ tem đăng kiểm và chứng nhận đăng kiểm chi phí từ 3-4 triệu đồng/1 bộ. “So với “xe Ngân” thì xe “MBC” sẽ gặp rủi ro cao hơn. Vì “xe Ngân” có hồ sơ gốc, có đăng ký photo nên nếu có bị CSGT dừng xe kiểm tra thường chỉ bị xử phạt hành chính vì không mang đủ giấy tờ, trong trường hợp giấy biên nhận thế chấp Ngân hàng bị hết hạn. Còn xe “MBC” thì rủi ro cao hơn, trong khi lưu hành nếu bị CSGT dừng xe kiểm tra, phát hiện xe nhập lậu thì hầu hết bị tạm giữ phương tiện, và sau đó bị thu xe” - Hùng ngân, một tay cừ trong giới buôn bán “xe Ngân”, xe Lào, xe Campuchia… tư vấn cho phóng viên khi phóng viên có ý định mua “xe Ngân”.

Trong các bản hợp đồng tín dụng giữa chủ xe với Ngân hàng, hầu hết đều ghi nhận điều khoản rằng, chiếc xe là tài sản đảm bảo cho khoản vay của chủ xe với Ngân hàng. Vì vậy, khi chủ xe không hoàn thành nghĩa vụ trả nợ cho Ngân  hàng, căn cứ điều khoản đã ký, phía Ngân hàng sẽ thu hồi tài sản đảm bảo là chính chiếc xe thế chấp đó để khắc phục những vi phạm hợp đồng của khách hàng. Để “lách luật” cho những chiếc “xe Ngân” có thể thoải mái lưu thông trên đường mà không bị nhân viên thu hồi nợ của Ngân hàng phát hiện, trên các hội, nhóm “xe Ngân” luôn cảnh báo người mua cần mua và sử dụng “xe Ngân” chéo địa bàn. Ví dụ, những chiếc  “xe Ngân” mang biển kiểm soát của TP Hà Nội thường được giao dịch và sử dụng ở những tỉnh thành khác, người mua đặc biệt không lưu hành xe trên địa bàn TP Hà Nội để “khuất mắt” nhân viên thu hồi nợ của Ngân hàng nơi đăng ký tài sản đảm bảo.

Rất nhiều khách hàng săn xe "gian" trên mạng xã hội

Luật sư Nguyễn Thanh Hoàng, thuộc Đoàn luật sư TP Hà Nội chia sẻ: Việc làm hồ sơ, đăng ký, chứng nhận đăng kiểm, biển số giả…cho xe “MBC” là hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức, được quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự; Ngoài ra, hành vi làm giả giấy biên nhận thế chấp của Ngân hàng cũng là hành vi làm giả con dấu, giả mạo chữ ký… mà người thực hiện có thể bị xử phạt từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm, hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.

Anh Nguyễn Thế T, một cán bộ Ngân hàng chia se: Có một rủi ro cho người sử dụng “xe Ngân” mà hầu hết người mua chưa nghĩ tới. Đó là đối với ô tô thế chấp Ngân hàng, phía Ngân hàng chỉ ký hợp hợp đồng tín dụng, cho vay có tài sản đảm bảo là ô tô có niên hạn dưới 8 năm tính đến thời điểm ký hợp đồng. Như vậy, chiếc “xe Ngân” có niên hạn sử dụng trên 8 năm sẽ không có Ngân hàng nào gia hạn giấy biên nhận thế chấp. Nếu có hành vi làm giả giấy biên nhận thế chấp cho những chiếc xe có niên hạn hơn 8 năm kể từ năm sản xuất thì chắc chắn sẽ dễ bị phạt hiện.

Xe “gian” đang lộng hành trên khắp các ngả đường, đang là miếng mồi béo bở cho dân buôn, cũng mang lại một phần lợi ích cho chính người mua, đó là được sử dụng những chiếc xe có giá trị thực tế cao hơn rất nhiều so với giá trị tiền bỏ ra. Những xe “gian” cũng đang để lại rất nhiều hệ lụy, mà các nạn nhân phải chịu thiệt hại không nhỏ. Vậy những ai đang là “nạn nhân” của xe “gian”?

(Còn nữa…)

Nguyễn Khuê

Kích thước font In ấn

Bình luận chia sẻ

Kinh doanh, pháp luật
amity.com.vn
Hi fpt
https://tanadaithanh.vn/
winvoucher.winmart.vn
http://gfs.com.vn
http://www.vafood.com.vn/
Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam
Cơ quan chủ quản: Hiệp hội Thương nhân kinh doanh biên mậu Việt Nam
Số giấy phép: số 450/GP-BTTTT, cấp ngày 8/10/2020, cấp bởi Bộ Thông tin và Truyền thông
 139 đường Nghi Tàm, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.


Tổng biên tập: Ông Phạm Bá Dục
Tổng thư ký: Ông Phạm Hoàng Vũ
Email: kinhdoanhvabienmau@gmail.com
Mọi thông tin bạn đọc vui lòng liên hệ đường dây nóng: 0865191826
® Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam, mọi sao chép phải được sự đồng ý bằng văn bản của Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam.