“Nét nhạc thanh trong lòng phố thị”

22/11/2018 10:30 (GMT+7)
Phố Cổ - Hà Nội hiện đang diễn ra rất nhiều hoạt động để quảng bá những nét văn hóa đặc sắc, tôn vinh những di sản, kiệt tác của nhân loại nhằm hưởng ứng kỷ niệm ngày di sản Việt Nam 23/11. Trong chuỗi sự kiện đó không thể không kể tới Văn hóa thưởng trà của người Việt – Thú vui tao nhã của người dân Hà Thành.

Thưởng trà là một nét đẹp văn hóa, là một tập tục quý. Dường như không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Việt. Giờ đây thú vui tao nhã này đã được phát triển rộng rãi. Điều đáng quý là thưởng trà đã không chỉ dừng lại ở những người già mà ngày nay giới trẻ thích uống trà và tìm hiểu về văn hóa trà ngày càng nhiều và nghiêm túc hơn. Văn hóa thưởng trà của người Hà Nội là hội tụ đỉnh cao của nền văn hóa trà Việt. Đặt trong nhịp sống hiện đại ngày hôm nay, văn hóa thưởng trà của người Hà Nội đã có những thay đổi, chuyển biến. Bên cạnh việc lưu giữ được những nét văn hóa của cha ông thì cũng đã có sự du nhập của phong cách thưởng trà mới. Điều này đã khiến cho bức tranh văn hóa thưởng trà của người Hà Nội thêm sinh động. Trong không gian tĩnh lặng, thơm ngát hương trà hòa quện với tiếng nhạc thiền sẽ mang lại cho du khách cảm giác như vừa trút bỏ hết những toan tính, xô bồ của cuộc sống thường nhật ngoài kia.

 Đồ uống độc đáo

Trà là thứ ẩm thức độc đáo giữa muôn vàn thứ đồ uống khác. Trong con mắt người yêu trà, trà không chỉ đơn thuần là một đồ uống, mà được xem như một thú vui thường thức. Chúng ta có thể thưởng trà ở những cung bậc khác nhau của cuộc sống, với mỗi người khác nhau, ở từng tâm thái khác nhau.

Theo nghệ nhân trà Nguyễn Cao Sơn, trà vừa có mặt chốn cung đình, vương giả vừa có mặt nơi dân giã, chốn tu hành từ nhà nho, danh nhân mặc khách đến các chính khách ngày nay đều ưa thích trà. Nếu như ở Nhật Bản trà đạo đã nâng tầm thành một loại hình nghệ thuật đỉnh cao, sự thăng hoa của văn hóa ẩm thực thì nghệ thuật uống trà thưởng trà của người Việt lại uyển chuyển và tinh tế, bao quát hơn. Không quá cầu kỳ nhưng cũng không quá đơn giản, không quá nghi lễ nhưng cũng không quá bình dân. Đó là sự trung sưng trong nghệ thuật thưởng trà Việt Nam.

“Trà Việt rất hấp dẫn, tuyệt vời mà ở trà đạo ở Trung Quốc và Nhật Bản không có. Văn hóa trà việt mang tính bao hàm lớn hơn, rộng hơn so với Trà đạo của Nhật Bản hay Trung Quốc. Với trà đạo thì phải ở thời phong kiến, gia đình có điều kiện mới được thưởng trà nên chỉ trong phạm vi nhỏ. Ở Việt Nam thứ đồ uống được nhắc đến nhiều nhất là trà. Việt Nam có văn hóa trà Việt bao hàm và rộng lớn hơn. Dù ở nông thôn, thành thị miền xuôi hay miền ngược đều có thể thưởng thức trà bằng những cách thức khác nhau. Thưởng trà mọi người sẽ cảm nhận được những năng lượng tích cực từ trà” – nghệ nhân Nguyễn Cao Sơn chia sẻ.

Tại không gian sâu lắng, tĩnh tại, an bình của Thưởng Trà thu hút rất nhiều du khách. Từ khách tây đến khách ta, từ người trẻ đến người già đều trong một tâm thế tĩnh tại. Người ngồi bên nhau uống những chén trà và trò chuyện say sưa, kẻ lại tĩnh tại ngồi nhấp những ngụm trà bên trang sách nhỏ... gác lại hết những gì ồn ã ngoài kia... Quả đúng như vậy, chỉ cần một chung trà ngon, một chiếc ấm đẹp, một trà hữu quý cũng làm cho du khách thấy đủ đầy tính ưu nhã và an nhiên. Người Việt uống trà ít khi khoa trương mà để thẩm thấu, không đơn thuần là để giải khát mà để tu tâm dưỡng tính, thanh lọc tâm hồn.

“Ngang qua, thấy hương vị của thế gian thả hồn trong mỗi chén trà có chút gì đó cổ sưa, sâu lắng. Không gian đẹp góp phần làm cho chén trà thêm đậm đà hương vị. Người ta yêu nhau bởi cái duyên trời định, người yêu trà chắc cũng do trời định chăng? Chắc chắn sẽ có lần mình đến Hà Nội để nghe bản nhạc nhẹ nhàng và nâng ly nhâm nhi, hít hà hương vị của trà” – Minh Hương chia sẻ khi nghe giới thiệu về thú vui thưởng trà của người dân Hà Thành.

 

Thưởng trà – sự tĩnh tại trong tâm hồn   

Nghệ nhân Nguyễn Cao Sơn cho rằng, thưởng trà để cảm nhận được hạnh phúc ở ngay thực tại đây, những cái đang hiện hữu bên ta. Khi không gian, thời gian được lắng lại để cảm nhận sâu hơn, nghĩ thấu đáo hơn và chuẩn bị tinh thần cho công việc. Cuộc sống giống như cách pha trà, hãy đun sôi cái tôi của bạn để làm bay hơi mọi lo lắng, pha loãng mọi buồn phiền... và bắt đầu thưởng trà để cảm nhận sự hạnh phúc. Bởi Trà là thứ uống dung dị, thưởng trà giúp người ta nhìn lại mình rõ hơn, sâu lắng hơn.

Ông Vũ Thăng Huề du khách đến từ TP.HCM chia sẻ, thưởng trà rất thú vị. Trà Việt đầm và hậu, không biểu hiện ở hương ngát lắm nhưng biểu hiện ở vị trầm và lắng. Hương trà Việt khiến con người cảm thấy dịu nhẹ, khi thưởng thức vị trà miền Bắc nhất là trà Bạch Hạc thì có sự gắn bó mật thiết với quê hương. Trà qua thơ, 2 thứ này có mối liên quan tự nhiên nhưng không cụ thể. Quanh bàn trà hay bàn thơ và tứ thơ thường xuất hiện quanh bàn trà...

Trước kia trà thường xuất hiện trong nhà chùa, được các bậc tu hành sử dụng trước khi vào khóa lễ, hay kết thúc mỗi buổi thiền tĩnh tâm. Sau trà được dùng trong cung đình cho các bậc vua chúa, giới quý tộc, nhà nho, các bậc cao nhân trong các cuộc thi thưởng khoa, vọng nguyệt... Ngày nay, trà được dùng trong mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi. Xuất phát từ văn hóa Việt uống trà là dịp cả nhà sum họp, nề nếp gia phong được trọn bề hiếu, để là cái cớ để những người bạn hữu tâm giao, tri kỷ để chứng tỏ và trân trọng nhau hơn.

Với nhiều người, trà là thứ đồ uống quen thuộc không thể thiếu mỗi ngày. Sau mỗi bữa cơm, các gia đình thường pha một ấm trà mạn (hay nấu một ấm trà tươi, tùy theo sở thích) ngồi nhâm nhi và xem ti vi hoặc nói dăm ba câu chuyện về công việc, cuộc sống hàng ngày. Ở tại nơi làm việc, trà cùng thường xuất hiện sau những giờ giải lao, giờ nghỉ trưa. Hàng ngày, các anh, chị em công nhân, viên chức vẫn thường nhâm nhi những chén trà nóng, khi bàn công việc hay trong lúc giải lao. Những chén trà nóng như tiếp thêm tinh thần để mọi người làm việc tốt hơn.

Thiên nhiên và cuộc sống là thứ quà tặng vô giá cho con người nếu ta biết nâng niu, gìn giữ để tận hưởng nó. Thưởng trà là cách làm cho con người cảm thấy thanh thản, dịu dàng, giúp chúng ta tạm quên những nhọc nhằn toan tính hôm nay – đó là những giá trị của thú vui tao nhã qua trà đem lại. Thưởng trà quả là một thú vui tao nhã, khiến cho tâm hồn con người thư thái, tĩnh tại hơn.

Khải Bình

 

Chứng kiến các nghệ nhân trình diễn nghệ thuật pha trà du khách mới cảm thấy được sự công phu và cầu kỳ. Trà phải hái trong sương sớm, trước khi mặt trời mọc, ngắt dứt khoát một tim, hai lá đem sao cho đến khi búp chè tròn xoăn lại, thả rơi nghe  tiếng koong koong trong lòng ấm - ấy mới đạt yêu cầu. Trà ngon cũng như bạn hiền, chỉ may mắn gặp chứ không phải cầu mà được.

Để pha trà ấm chén phải nóng, trước khi pha trà phải dội nước sôi lên ấm và chén. Trà được trần nước sỗi để cho cảm giác tuần trà đầu được thơm ngon, tuần trà sau chát ngọt. Nước để pha trà là loại nước tinh khiết không tạp chất, nước thượng nguồn, nước giếng sâu, nước giữa dòng sông được lấy từ giữa đêm khuya và ở nơi không có cư dân sinh sống. Thời xưa các cụ còn lấy nước đọng trên lá sen sớm trong như ngọc để pha trà.

 

 

 

 

Kích thước font In ấn

Bình luận chia sẻ

Giải trí
amity.com.vn
Hi fpt
https://tanadaithanh.vn/
winvoucher.winmart.vn
http://gfs.com.vn
http://www.vafood.com.vn/
Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam
Cơ quan chủ quản: Hiệp hội Thương nhân kinh doanh biên mậu Việt Nam
Số giấy phép: số 450/GP-BTTTT, cấp ngày 8/10/2020, cấp bởi Bộ Thông tin và Truyền thông
 139 đường Nghi Tàm, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.


Tổng biên tập: Ông Phạm Bá Dục
Tổng thư ký: Ông Phạm Hoàng Vũ
Email: kinhdoanhvabienmau@gmail.com
Mọi thông tin bạn đọc vui lòng liên hệ đường dây nóng: 0865191826
® Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam, mọi sao chép phải được sự đồng ý bằng văn bản của Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam.