Tọa đàm "Cách mạng công nghiệp 4.0 và cơ hội cho ngành bán lẻ Việt Nam"

07/04/2023 14:47 (GMT+7)
Ngày 6/4/2023, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế, số 11 Lê Hồng Phong, Ba Đình, Hà Nội, Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam tổ chức Tọa đàm: "Cách mạng công nghiệp 4.0 và cơ hội cho ngành bán lẻ Việt Nam".

Tham dự tọa đàm có TS. Tạ Đình Thi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; TS. Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, các đại biểu đến từ Bộ Công Thương (Vụ Thị trường trong nước, Cục Thương mai điện tử (TMĐT) và Kinh tế số, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Vụ Khoa học - Công nghệ)...

Về phía Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam có bà Vũ Thị Hậu - Chủ tịch Hiệp hội, bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch danh dự Hiệp hội; bà Đinh Thị Mỹ Vân - Tổng Biên tập Tạp chí Thương Trường và đại diện các doanh nghiệp và các hội, hiệp hội, các cơ quan báo chí.

Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN) đang làm thay đổi mọi mặt của đời sống cũng như các hoạt động kinh tế - xã hội trên toàn thế giới. Riêng đối với ngành dịch vụ bán lẻ, sự cần thiết phải ứng dụng thành tựu CMCN 4.0 nhằm vượt qua thách thức, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng đang buộc các doanh nghiệp bán lẻ trên toàn cầu phải thay đổi để tồn tại và phát triển trong môi trường cạnh tranh khốc liệt. 

Phát biểu khai mạc tọa đàm, TS. Đinh Thị Mỹ Loan nhấn mạnh: tọa đàm được tổ chức với mục tiêu tạo diễn đàn mở rộng với sự tham gia của các cơ quan quản lý Nhà nước; các chuyên gia kinh tế, thương mại, công nghệ; các hội, hiệp hội doanh nghiệp; các doanh nghiệp, nhà đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ bán lẻ và liên quan… cùng thảo luận, phân tích thực trạng, chỉ rõ xu thế phát triển và đưa ra các giải pháp nhằm khắc phục những khó khăn, hạn chế từ chính sách đến thực tiễn, khuyến nghị đổi mới sát với thực tiễn, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của thị trường bán lẻ Việt Nam trong xu thế chung của cuộc CMCN 4.0.

Tại buổi tọa đàm, các diễn giả đã trình bày một số tham luận với các chủ đề quan trọng và thời sự như: tổng quan thị trường bán lẻ và xu hướng phát triển trong bối cảnh CMCN 4.0; bán lẻ với thương mại điện tử: hợp tác và cạnh tranh; phân tích SWOT bán lẻ Việt Nam 4.0; phát triển ngành bán lẻ Việt Nam trong bối cảnh CMCN 4.0: nhìn từ góc độ quản lý Nhà nước; ứng dụng công nghệ 4.0 trong ngành bán lẻ Việt Nam: thuận lợi và khó khăn; những bất cập và rủi ro pháp lý đối với ngành bán lẻ trong  thời kỳ chuyển đổi số…

TS. Đinh Thị Bảo Linh - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại - Bộ Công Thương. 
TS. Đinh Thị Bảo Linh - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại - Bộ Công Thương. 

Phát biểu tham luận tại tọa đàm, TS. Đinh Thị Bảo Linh - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại - Bộ Công Thương nhận định: thị trường Việt Nam đã có bước phát triển ổn định trong suốt giai đoạn 2017 - 2022, bất chấp những khó khăn của thời kỳ dịch bệnh COVID-19. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, quý 1/2023, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 1.187 nghìn tỷ đồng, tăng 11,4% so với cùng kì năm trước, chiếm 78,9% tổng bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của cả nước trong quý đầu năm nay.

TS. Đinh Thị Bảo Linh cho biết, cách mạng công nghiệp 4.0 với các bước tiến lớn về công nghệ sẽ thúc đẩy nhanh quá trình tự động hóa, hình thành các mạng lưới chia sẻ tài nguyên thông tin, dữ liệu trên diện rộng, kết nối cả về không gian (toàn cầu) và thời gian (từ quá khứ đến tương lai), và do từng bước làm nhòa ranh giới về vật lý. 

CẬP NHẬT Tọa đàm Cách mạng công nghiệp 40 và cơ hội cho ngành bán lẻ Việt Nam
TS. Nguyễn Thanh Hưng - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử.

Trao đổi tại tọa đàm, ông Nguyễn Thanh Hưng - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử cho rằng: TMĐT Việt Nam đang ở giai đoạn tăng trưởng nhanh sau 2 giai đoạn manh nha và đang có mức tăng trưởng doanh thu rất ấn tượng. Nếu như năm 2015 có doanh thu bán lẻ TMĐT chỉ đạt 4 tỷ USD, đến 2022 bán lẻ TMĐT đã tăng lên 20 tỷ USD. Bán lẻ hàng hóa trực tuyến tại các sàn TMĐT ghi nhận tốc độ tăng trưởng nhanh chóng, tập trung ở các ông lớn Shopee, Lazada…. hiện đang chiếm hơn 7% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa.

"Bán lẻ hàng hóa và TMĐT đang quyện hòa vào nhau khi phương thức bán hàng đa kênh đang trở thành xu thế của thời đại. Thậm chí, cả cửa hàng tạp hóa cũng đã trở thành nơi đang ưu tiên áp dụng và đưa hàng hóa lên sàn TMĐT" - ông Hưng chia sẻ.

TS. Lê Huy Khôi, Viện nghiên cứu Chiến lược chính sách Công Thương, Bộ Công Thương.
TS. Lê Huy Khôi, Viện nghiên cứu Chiến lược chính sách Công Thương, Bộ Công Thương.

Theo Tiến sĩ Lê Huy Khôi, Viện nghiên cứu Chiến lược chính sách Công Thương, Bộ Công Thương, các sàn TMĐT, các mạng xã hội đang phát triển mạnh mẽ và đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong đáp ứng nhu cầu xã hội cùng sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển của các loại hình này, vẫn còn nhiều tồn tại về chất lượng hàng hóa, hàng giả hàng nhái, rất khó để kiểm soát. Bộ Công Thương cũng đã có quy định về quản lý chất lượng hàng hóa tại các chợ truyền thống, trung tâm thương mại nhưng vẫn còn nhiều tồn tại, các cơ sở vi phạm quy định pháp luật. 

"Vấn đề phát sinh liên quan đến TMĐT, cần phải thường xuyên sửa đổi các văn bản, quy phạm pháp luật để kiểm soát. Hiện vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tranh chấp trên các sàn TMĐT cũng là vấn đề rất được nhiều người quan tâm" - ông Khôi cho biết thêm.

Trên phương diện là người tiêu dùng - người được hưởng những dịch vụ của ngành bán lẻ, Luật sư Trần Xuân Tiền cho rằng, việc phát triển của ngành bán lẻ đã khắc phục được những khó khăn mà như trước đó thời bao cấp chúng ta phải xếp hàng để chờ mua. Việc bùng nổ công nghệ cũng giúp cho ngành bán lẻ ngày càng phát triển hơn. Hiện nay chúng ta có thể ngồi tại nhà, tại nơi làm việc mà vẫn có thể mua sắm mọi thứ. Đây có lẽ là con đường phát triển tất yếu và duy nhất của ngành bán lẻ.

Trên phương diện của một luật sư, ông Tiền kiến nghị: để ngành bán lẻ phát triển, cần sự phối hợp chặt chẽ của Nhà nước, các doanh nghiệp bán lẻ và toàn bộ người sản xuất.

Bán lẻ với thói quen không dùng hóa đơn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Vì không kê khai thuế vi phạm nguyên tắc của ngành thuế, có thể khiến doanh nghiệp, nhà bán bẻ bị truy thu số tiền cực lớn. Ngành bán lẻ cần phổ cập để toàn bộ các nhà bán lẻ nắm được toàn bộ các quy định, từ đó đóng góp phát triển kinh tế xã hội, phát triển Nhà nước và cũng phát triển bền vững doanh nghiệp của mình.

Một điểm nữa, theo luật sư Tiền liên quan đến kiểm soát chất lượng hàng hóa trong thương mại điện tử, để nâng cao quản lý chất lượng ngành này, chúng ta cần chuyên nghiệp hóa lực lượng vận chuyển, shipper. Từ đó, có những quy định pháp luật để đóng góp, quản lý lực lượng này. 

Ông Hoàng Sơn Công - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp và chuyển giao công nghệ ngành bán lẻ.
Ông Hoàng Sơn Công - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp và chuyển giao công nghệ ngành bán lẻ.

Đóng góp ý kiến tại tọa đàm, ông Hoàng Sơn Công - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp và chuyển giao công nghệ ngành bán lẻ nêu rõ: quản lý doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Mặc dù so với trước đây hiện chúng ta đã dễ dàng hơn nhiều về truy xuất nguồn gốc, nhưng nếu nhà bán lẻ không kịp ứng dụng công nghệ vào bán hàng thì hệ thống bán lẻ rất dễ "bị bóc phốt" gây ảnh hưởng, sụp đổ ngay trong một thời gian ngắn.

Trước đây nhà bán lẻ bảo lãnh với người tiêu dùng về nguồn gốc hàng hóa. Nhưng hiện nay nhà bán lẻ cần hợp tác với nhà sản xuất, ứng dụng công nghệ vào hoạt động phân phối. Từ đó, giảm thiểu rủi ro với chính nhà bán lẻ. Ngoài ra, ứng dụng này cũng sẽ hỗ trợ việc xử lý phản ánh về chất lượng hàng hóa, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.

Về hoạt động quảng cáo hàng hóa, những phát triển về công nghệ khiến hình thức quảng cáo đa dạng hơn, lan truyền nhanh hơn những sản phẩm quảng cáo truyền thống. Đơn cử như hoạt động livetream, có sức lan tỏa nhanh hơn rất nhiều so với quảng cáo trên truyền hình hay hình thức bán hàng bằng hotline cổ điển. Nếu doanh nghiệp không phát triển hình thức quảng cáo theo phát triển công nghệ, rất có thể tụt hậu so với đối thủ cạnh tranh.

Để phát triển hệ thống bán lẻ, TS. Hoàn Xuân Công đưa ra 3 kiến nghị:

- Thứ nhất, doanh nghiệp hãy chú tâm đến những ứng dụng trên điện thoại thông minh của người tiêu dùng. 

- Thứ hai, là người tiêu dùng quan tâm gì, chúng ta bán gì. 

- Thứ ba, hãy tuyển dụng những streamer chuyên nghiệp làm nhân viên của mình, họ là người có nhiều thế mạnh bán hàng.

CẬP NHẬT Tọa đàm Cách mạng công nghiệp 40 và cơ hội cho ngành bán lẻ Việt Nam
TS. Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Liên quan đến vấn đề kho vận logistics, theo TS. Nguyễn Sĩ Dũng: bán lẻ có thể đã cố gắng, nhưng hệ thống logistics không theo kịp cũng khiến cuộc chơi dễ thất bại và thua cuộc. Tại Trung Quốc có hệ thống giao hàng phát triển rất nhanh và mạnh, nếu Việt Nam không làm tốt sẽ gây khó cho sự phát triển của bán lẻ.

Theo ông Dũng, tính hợp tác trong làm ăn kinh doanh của người Việt rất khó khăn, và việc cạnh tranh không lành mạnh trong tâm ý của nhiều người Việt cũng đang gây ra những thách thức không nhỏ cho lĩnh vực bán lẻ.

Bà Phạm Thị Lý – PGĐ Trung tâm doanh nghiệp Hội nhập và phát triển.
Bà Phạm Thị Lý - Phó Giám đốc Trung tâm doanh nghiệp Hội nhập và phát triển.

Bà Phạm Thị Lý - Phó Giám đốc Trung tâm doanh nghiệp Hội nhập và phát triển cho rằng, thời kỳ cuối của cuộc cánh mạng công nghiệp lần thứ 3 đó là việc minh bạch về thông tin. Theo đó, sự minh bạch và chất lượng thông tin, chất lượng hàng hóa, thông tin sản phẩm sẽ nắm sự thành công của các hệ thống bán lẻ, phân phối hàng hóa. Dựa trên yếu tố này, việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa, truy xuất thông tin nhà sản xuất, nhà phân phối là vô cùng quan trọng.

Việc phát triển các hệ thông truy xuất này cũng giúp cho các cơ sở sản xuất, các nhà quản lý có thể kiểm soát được đường đi của hàng hóa. Cùng với đó, người tiêu dùng cũng sẽ nắm được toàn bộ thông tin nhà sản xuất, nhà phân phối hay các thông tin chất lượng của sản phẩm. Qua đó, trở thành người tiêu dùng thông minh, thông thái.

Ngoài ra, các cơ quan Nhà nước cũng sẽ có đầy đủ thông tin nhằm quản lý hàng hóa và hệ thống các cơ sở phân phối. Quản lý việc nguồn thu thuế, thực hiện nghĩa vụ tài chính của các cơ sở. Tất cả đều hướng đến mục tiêu minh bạch thông tin của hàng hóa và cơ sở sản xuất.

Chính Đoàn

Kích thước font In ấn

Bình luận chia sẻ

Hàng hóa và thương hiệu
amity.com.vn
Hi fpt
https://tanadaithanh.vn/
winvoucher.winmart.vn
http://gfs.com.vn
http://www.vafood.com.vn/
Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam
Cơ quan chủ quản: Hiệp hội Thương nhân kinh doanh biên mậu Việt Nam
Số giấy phép: số 450/GP-BTTTT, cấp ngày 8/10/2020, cấp bởi Bộ Thông tin và Truyền thông
 139 đường Nghi Tàm, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.


Tổng biên tập: Ông Phạm Bá Dục
Tổng thư ký: Ông Phạm Hoàng Vũ
Email: kinhdoanhvabienmau@gmail.com
Mọi thông tin bạn đọc vui lòng liên hệ đường dây nóng: 0865191826
® Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam, mọi sao chép phải được sự đồng ý bằng văn bản của Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam.