Về nơi “phên dậu” miền Tây xứ Nghệ

21/11/2021 17:15 (GMT+7)
(KD&BM) - Giữa miền biên giới với trập trùng mây, núi cao, đèo cao - nơi cổng trời Mường Lống mờ ảo trong sương, đầu nguồn của dòng Lam Giang với hai nhánh Nậm Mộ, Nậm Nơn… có một Kỳ Sơn từ đói nghèo dần vươn lên phát triển, có cuộc sống no ấm. Đặc biệt, sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 05/CT-TU của Tỉnh ủy Nghệ An “về tăng cường bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới và vùng biển trên địa bàn tỉnh trong tình hình mới”, bà con nơi đây đã và đang chủ động phát triển sản xuất, tạo nền tảng vững chắc cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nơi “phên dậu” miền Tây xứ Nghệ.

Sẽ gần hơn với miền xuôi

Chớ ngại đèo cao, chớ ngại suối sâu/ Xin mời lên đây thăm miền biên giới/ Thăm huyện Kỳ Sơn, thăm bản làng/ Các dân tộc Kỳ Sơn, một lòng đi theo Đảng... Vượt qua quãng đường hơn 700km trên chiếc xe khách độc nhất, chúng tôi về với Kỳ Sơn - huyện cao nhất, xa nhất, nghèo nhất không chỉ của tỉnh Nghệ An mà của cả nước. Có lẽ xưa nay nhiều người cứ nghĩ chỉ có những cung đường Tây Bắc mới hiểm trở gian nan, nhưng quả thực một dải biên cương trùng điệp ở miền Tây xứ Nghệ điều kiện đi lại cũng vô cùng khắc nghiệt… Sau một ngày nghỉ ngơi, trên chiếc xe bán tải từ thị trấn Mường Xén, chúng tôi về Na Loi. Như nhiều địa phương khác của Kỳ Sơn, trước đây nhắc đến xã Na Loi, chắc hẳn nhiều người sẽ nghĩ và liên tưởng đến vùng đất xa xôi với vô vàn cách trở và nghèo túng. Đặc biệt, vào mùa mưa con đường đất lầy lội, lẫn trong sương mù chẳng có xe cộ nào đi nổi. Song, giờ đây, cuộc sống của bà con đang dần đổi thay không chỉ trong nếp nghĩ mà cả trong cách làm.  

Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn

Bí thư Đảng ủy xã Na Loi, ông Vi Văn Khuôn chia sẻ: Bà con được hướng dẫn mô hình trồng lúa nước khép kín từ công đoạn khai hoang ruộng đến lựa chọn con giống, triển khai kỹ thuật gieo cấy đến thu hoạch cho năng suất cao. Đồng thời, nhờ sự phối hợp nhuần nhuyễn, xã Na Loi đã có sự tiến bộ vượt bậc trong công tác giữ gìn an ninh biên giới. “Nếu năm 2016 trở về trước còn là địa bàn có nhiều phức tạp về di cư tự do, tội phạm ma túy thì nay tình trạng này hầu như đã không còn. Có được điều đó là nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa các hội, đoàn thể, lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn cũng như chính quyền”, ông Khuôn cho biết.

Rời Na Loi, chúng tôi đến với xã biên giới Keng Đu. Dọc hai bên đường, những bông hoa dại khoe sắc cùng bông lau trong gió tạo nên một xúc cảm khó tả. Nhớ như in những ngày trong các bữa cơm độn sắn, ông Lương Phì Hom cho biết: Được chính quyền và bộ đội biên phòng hướng dẫn khoa học – kỹ thuật, phát triển kinh tế hộ theo mô hình trang trại chăn nuôi và trồng rau màu thay cho phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, thả rông trước đây; bà con có nguồn thu nhập, không còn cảnh thiếu đói như trước… Chia tay Na Loi, Keng Đu men theo sườn đồi, chúng tôi về với Mường Lống lúc trời đã xế chiều. Với địa hình tựa như lòng chảo cao nguyên của miền sơn cước, nơi đây có điều kiện tự nhiên thuận lợi, cùng sự kiên trì, bền bỉ của con người đã tạo nên vùng đất trù phú, thanh bình. “Trước đây muốn vào Mường Lống phải vượt qua nhiều dãy đá cheo leo, cuộc sống vô cùng khó khăn, nhưng nay được Đảng, Nhà nước quan tâm nên điều kiện đi lại thuận lợi hơn nhiều. Từ chỗ còn thiếu thốn với nhiều hủ tục đeo bám, đến nay, số hộ đói, nghèo của xã đã giảm mạnh, là điểm sáng về phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc của huyện”, lãnh đạo UBND xã Mường Lống cho biết.

Các em nhỏ xã Mường Lống

Thực tế, với đặc thù là địa phương miền núi, rẻo cao, diện tích tự nhiên rộng, địa hình hiểm trở, có 11/20 xã có chung đường biên giới với nước bạn Lào với chiều dài 203.409km tiếp giáp 4 huyện, 3 tỉnh của Lào; quản lý 64 cột mốc giới, có 1 Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn và 1 Cửa khẩu phụ Tạ Đo và gần 30 đường tiểu ngạch qua biên giới…thì việc giữ yên biên giới đối với huyện Kỳ Sơn là hết sức quan trọng. Còn nhớ khoảng 5 năm trở về trước, Kỳ Sơn có nhiều “điểm nóng” về ma túy như Mường Lống, Mỹ Lý, Tây Sơn, Tà Cạ…

Một buổi chiều tại bản Xám Xúm (xã Mường Lống)

Tuy nhiên, sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 05/CT-TU của Tỉnh ủy Nghệ An “về tăng cường bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới và vùng biển trên địa bàn tỉnh Nghệ An trong tình hình mới”, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn đã tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới trong tình hình mới; công tác lãnh đạo, chỉ đạo theo dõi, nắm tình hình công tác quốc phòng - an ninh trên tuyến biên giới được quan tâm chú trọng, thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, kịp thời giải quyết các phản ánh, kiến nghị chính đáng của Nhân dân, không để xảy ra các vụ việc phức tạp, tồn đọng ở cơ sở; thường xuyên trao đổi nắm bắt thông tin với các lực lượng chức năng của nước bạn Lào trong bảo vệ đường biên, cột mốt và an ninh biên giới… 

Bám nắm địa bàn, giữ yên biên giới

Trò chuyện với phóng viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Kỳ Sơn, ông Vi Hòe cho biết: Thời gian qua, cùng với các cấp, ngành, Công an huyện Kỳ Sơn đã tích cực tham mưu cho Thường trực Huyện ủy, HĐND, UBND huyện chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang, cấp ủy, chính quyền các cấp, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị tham gia công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Nhờ đó, tình hình hoạt động của các loại tội phạm, vi phạm pháp luật trên địa bàn huyện đã từng bước được kiểm soát, đẩy lùi. Đến nay, đã không còn tình trạng tội phạm hoạt động theo kiểu “xã hội đen”, tội phạm dựng lán trại mua bán trái phép ma túy ở khu vực biên giới có vũ khí nóng như nhiều năm trước đây. 

Bí thư Huyện uỷ Vi Hoè trò chuyện với bà con xã Mỹ Lý

Cũng theo ông Vi Hòe, thực hiện Chỉ thị 05/ CT-TU, trong 5 năm (2016 - 2021), Kỳ Sơn đã chỉ đạo các lực lượng khác như Biên phòng, Quân sự bám nắm địa bàn, phối hợp đấu tranh, mở các đợt truy quét các loại tội phạm, thực hiện nghiêm công tác tuần tra, bảo vệ giữ vững an ninh, trật tự trên địa bàn khu vực biên giới… Đồng thời, cấp ủy, chính quyền các cấp ở Kỳ Sơn cũng đã phối hợp chặt chẽ với các đồn biên phòng đóng chân trên địa bàn vận động Nhân dân tham gia 104 tổ tham gia tự quản an ninh trật tự ở các bản, 41 tập thể tự quản đường biên, cột mốc hoạt động nền nếp, qua đó góp phần xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh. Cùng với đó, huyện đã ký kết nghĩa được 15 cặp bản-bản với nước bạn Lào; ký kết nghĩa giữa 2 Hội Liên hiệp Phụ nữ, giữa 5 Đồn Biên phòng với các lực lượng bảo vệ biên giới nước bạn Lào... 

Ngoài ra, thông qua chương trình kết nghĩa, 5 năm qua các cơ quan, đơn vị kết nghĩa đã trao tặng, ủng hộ, giúp đỡ các đồn biên phòng và nhân dân các xã biên giới với số tiên 3,5 tỷ đồng và số quà trị giá 2,5 tỷ đồng, giúp cán bộ chiến sĩ và Nhân dân tu sửa doanh trại, hỗ trợ nhân dân phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo. Cùng với việc triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội gắn với chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đến nay 11/11 xã biên giới đã có đường ô tô vào đến trung tâm và có điện lưới quốc gia, hơn 90% hộ dân được sử dụng nước sạch; các trường học ở các xã hầu hết đã được xây dựng cơ bản, trạm y tế được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập, khám, chữa bệnh của nhân dân… “Ban Thường vụ Huyện ủy Kỳ Sơn cũng đã làm tốt công tác đối ngoại với các huyện giáp biên của nước bạn Lào, hàng năm tổ chức các đoàn làm việc, thăm hỏi, chúc mừng nhân dịp các ngày lễ, tết; thực hiện chế độ giao ban, thông báo trao đổi tình hình 2 bên”, Bí thư Huyện ủy Vi Hòe cho biết.

Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, huyện Kỳ Sơn vẫn chưa tạo lập được cơ sở nền tảng vững chắc và đà phát triển mạnh để vươn lên, tạo bứt phá phát triển. Trong đó, khó khăn lớn nhất hiện nay là hầu hết các xã biên giới có địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn, địa hình núi cao, nhiều khe suối sâu, hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt, trình độ dân trí còn thấp, đời sống Nhân dân còn gặp nhiều khó khăn; tình trạng vượt biên trái pháp, di dịch cư tự do, hoạt động của các loại tội phạm, nhất là tội phạm ma túy có xu hướng gia tăng với nhiều hình thức và thủ đoạn ngày càng tinh vi, manh động… Thực tế đó, để giữ yên biên giới cần huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là công tác phối hợp giữa các lực lượng, tổ chức, đoàn thể và chính quyền địa phương. “Đây cũng là một trong những mục tiêu, yêu cầu được đề cao, nhấn mạnh trong chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 05/CT-TU ở Kỳ Sơn”, ông Vi Hòe cho biết.

Chia sẻ về định hướng thời gian tới, Bí thư Huyện ủy Vi Hòe cho biết: Kỳ Sơn sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 05-CT/TU, Nghị quyết 33-NQ/TW ngày 28.9.2018 của Bộ Chính trị về “Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia trong tình hình mới”, Luật Biên phòng Việt Nam. Bên cạnh đó là gắn với việc quán triệt thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch của Huyện ủy, UBND huyện có liên quan đến công tác biên phòng và nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới đến các thôn, bản, các đoàn thể và quần chúng nhân dân… Qua đó, giúp mỗi người dân nhận thức đúng về trách nhiệm trong công tác bảo vệ biên giới và xây dựng vùng biên vững mạnh về mọi mặt, đáp ứng yêu cầu bảo vệ biên giới trong tình hình mới.

                                                              Phan Vũ

"Huyện Kỳ Sơn sẽ tiếp tục quan tâm sử dụng hiệu quả các nguồn lực; cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng hàng hóa, phát triển quy mô sản xuất, hình thành hệ thống các sản phẩm chủ lực gắn với xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm; phát triển hình thức tổ chức sản xuất kinh tế tổ hợp tác, hợp tác xã trong sản xuất nông lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch; giữ gìn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc. Bên cạnh đó, huyện cũng sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính; tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác, thúc đẩy hơn nữa trao đổi thương mại, hàng hóa, nông sản với các huyện dọc tuyến biên giới Việt - Lào; trao đổi thông tin cùng giải quyết những vấn đề chung, bảo đảm an ninh biên giới…"

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Kỳ Sơn Vi Hòe

 




Kích thước font In ấn

Bình luận chia sẻ

Văn hóa xã hội
amity.com.vn
Hi fpt
https://tanadaithanh.vn/
winvoucher.winmart.vn
http://gfs.com.vn
http://www.vafood.com.vn/
Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam
Cơ quan chủ quản: Hiệp hội Thương nhân kinh doanh biên mậu Việt Nam
Số giấy phép: số 450/GP-BTTTT, cấp ngày 8/10/2020, cấp bởi Bộ Thông tin và Truyền thông
 139 đường Nghi Tàm, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.


Tổng biên tập: Ông Phạm Bá Dục
Tổng thư ký: Ông Phạm Hoàng Vũ
Email: kinhdoanhvabienmau@gmail.com
Mọi thông tin bạn đọc vui lòng liên hệ đường dây nóng: 0865191826
® Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam, mọi sao chép phải được sự đồng ý bằng văn bản của Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam.