Ảnh minh hoạ
Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2023 tăng 3,45% so với cùng kỳ năm trước và tăng 0,25% so với tháng trước. Nhìn chung, bình quân 11 tháng năm 2023, CPI tăng 3,22% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 4,27%.
Trong tháng 11/2023, 8 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tiêu dùng tăng, 2 nhóm hàng chỉ số giá tiêu dùng giảm, riêng nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình không biến động.
Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng cao nhất với 2,9% làm CPI chung tăng 0,16 điểm phần trăm, trong đó dịch vụ khám chữa bệnh ngoại trú tăng 2,27%; khám chữa bệnh nội trú tăng 5,13%. Nguyên nhân chủ yếu do một số địa phương triển khai áp dụng giá dịch vụ y tế mới theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế.
Trong tháng 11/2023, chỉ số CPI nhóm giáo dục tăng 0,38%, giá dịch vụ giáo dục tăng 0,42% do một số địa phương thực hiện tăng học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và một số trường đại học, cao đẳng công lập, dân lập, tư thục cũng tăng học phí năm học 2023-2024 để bảo đảm thu chi thường xuyên.
Nhóm đồ uống và thuốc lá trong tháng này tăng 0,19% chủ yếu do tỷ giá USD tăng. Cụ thể, giá rượu bia tăng 0,16%; nước quả ép tăng 0,17%; nước giải khát có ga tăng 0,31% và thuốc hút tăng 0,19%. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,1%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,09%; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,05%. Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,2% so với tháng trước do chi phí nhân công và nhu cầu mua sắm quần áo mùa đông tăng.
Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,05%, tác động làm tăng CPI chung 0,01%. Nhóm văn hóa, giải trí, du lịch tăng 0,09%. Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,32% so với tháng trước do nhu cầu xã hội tăng lên nhưng tập trung chủ yếu ở mặt hàng đồ trang sức tăng 2,39%;...
Tuy nhiên, có 2 nhóm hàng hoá và dịch vụ có chỉ số CPI giảm, bao gồm nhóm giao thông giảm 0,01% và nhóm bưu chính - viễn thông giảm 0,11%.
Nhìn chung, nguyên nhân chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 tăng 0,25% chủ yếu do một số địa phương thực hiện tăng giá dịch vụ y tế theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế, tăng học phí theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ và giá gạo trong nước tiếp tục tăng theo giá gạo xuất khẩu.
Tại TP. Hồ Chí Minh, Cục Thống kê thành phố này cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2023 của thành phố tăng 0,13%; trong đó, 2/11 nhóm hàng hóa giảm là thiết bị và đồ dùng gia đình (giảm 0,46%) và bưu chính viễn thông (giảm 0,32%); các nhóm còn lại tăng so với tháng trước, tăng cao nhất là nhóm giao thông (tăng 0,49%).
Phân tích diễn biến chỉ số giá một số nhóm ngành hàng tháng 11 so với tháng trước, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,06%; trong đó, nhóm lương thực tăng 1,44%, chủ yếu do giá gạo tăng 2,05%; nhóm thực phẩm giảm 0,14%; trong đó, thịt lợn giảm 0,41%, thịt bò giảm 0,65%, rau tươi, khô và chế biến tăng 0,46% do thời tiết không thuận lợi; dịch vụ ăn uống ngoài gia đình tăng 0,10%.
Tại Thủ đô Hà Nội, CPI tháng 11/2023 tăng 0,07% so với tháng trước và tăng 4,72% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng, CPI tăng 1,8% so với bình quân cùng kỳ năm 2022. Đây là mức tăng khá thấp và cho thấy còn nhiều dư địa trong việc điều hành, khống chế lạm phát trên địa bàn thành phố.
Trong tháng 11, giá lương thực tăng 1,37%. Trong tháng này, có một số nhóm hàng CPI tăng so với tháng trước như: nhóm giáo dục tăng 0,44%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,38%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,06% (trong đó, giá lương thực tăng 1,37% và dịch vụ ăn uống ngoài gia đình tăng 0,17%); nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,48% chủ yếu do giá vàng tăng cao dẫn đến các mặt hàng trang sức tăng 3,88%, dịch vụ chăm sóc cá nhân tăng 1,37%; văn hóa, giải trí, du lịch tăng 0,24%.
Quỳnh Anh