Từ tình hình thực tế ở trên cho ta thấy muốn kích cầu tiêu dùng, kinh doanh và dịch vụ một cách hiệu quả, cần phải có những yếu tố cơ bản như sau: Đầu tiên phải nhắc đến vai trò của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh dịch vụ.
Những công việc như chuẩn bị nguồn hàng, kí kết hợp đồng sớm, nâng cấp cơ sở vật chất và chuỗi kinh doanh, chuẩn bị nguồn nhân lực cho công tác phục vụ, … đều phải tiến hành một cách đồng bộ và có mốc thời gian nhất định phải hoàn thành.
Tết Giáp Thìn năm nay bắt đầu từ ngày 9/2/2024, thời gian nghỉ Tết là 7 ngày, do vậy các đơn vị cần tranh thủ thời gian tìm hiểu cặn kẽ sức mua, cơ cấu tiêu dùng của thị trường để phục vụ Tết. Đặc biệt cần lưu ý chuẩn bị phục vụ một cách đầy đủ và đồng bộ nhân dân ăn Tết bao gồm: Hàng hóa phong phú, chất lượng đảm bảo, an toàn thực phẩm, mua bán thuận tiện và phục vụ văn minh.
Ở một thị trường bán lẻ nhiều cạnh tranh giữa các thành phần kinh tế cả trong nước và nước ngoài, chính vì vậy việc xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp, thương hiệu hàng hóa, văn hóa phục vụ là vô cùng cần thiết.
Mục đích cuối cùng là tạo niềm tin cho khách hàng gần xa đến với mình, đó là điều mà mỗi doanh nghiệp cần phải quan tâm. Về phía người tiêu dùng xã hội, có thể nói nếu có tiền thì việc mua hàng phục vụ Tết cho gia đình không có gì khó khăn cả. Với hệ thống phân phối, cả nước đang có 9000 chợ, 1300 siêu thị, 250 TTTM và khoảng 6000 siêu thị mini, cửa hàng tự chọn, với quỹ hàng hóa dồi dào nhất là hàng hóa Việt sản xuất trong nước, đây là điều kiện đầu tiên để phục vụ khách hàng với sức mua của 100 triệu dân trong cả nước.
“Thượng đế” ngày nay được chăm sóc một cách chu đáo hơn, ân cần hơn và lịch sự hơn. Các “thượng đế” nhìn chung đã nhận được sự tôn trọng nhiều hơn ở thời đại “vạn người bán, nghìn người mua” như hiện nay. Với cái Tết này, mọi người tiêu dùng sẽ yên tâm, đàng hoàng đến các địa chỉ đáng tin cậy để mua sắm cho bản thân. Nếu có những trở ngại, trục trặc, cần có những phản ứng kịp thời với những cơ quan có trách nhiệm để giải quyết, đồng thời nên có trách nhiệm tuyên truyền những đơn vị kinh doanh, phục vụ tốt, những hàng hóa đảm bảo chất lượng và hàng hóa giá cả hợp lý, góp ý và phê bình, phản ảnh một cách chính xác những đơn vị làm ăn chưa nghiêm túc, vi phạm quyền lợi người tiêu dùng trong lúc bình thường cũng như trong dịp Tết sắp tới.
Cuối cùng về nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước ngành thương mại. Đối với việc phục vụ kinh nghiệm phục vụ Tết hàng năm cho ta biết, các sở công thương, các tỉnh, thành phố cần chỉ đạo các lực lượng chức năng như: Quản lý thị trường, phối hợp với Công an kinh tế, lực lượng Hải quan, Biên phòng để kiểm soát hàng hóa từ nhập khẩu đến sản xuất trong nước nhằm ngăn chặn từ gốc hàng giả, hàng lậu, trốn thuế trên thị trường.
Đồng thời kiểm soát thường xuyên thị trường đảm bảo một môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng, công khai, tuân thủ pháp luật hiện hành, xây dựng đội ngũ thi hành công vụ trong sạch vững mạnh, thực thi nhiệm vụ một cách nghiêm túc, kịp thời theo các chỉ đạo từ Trung ương đến các địa phương và cơ sở.
Chỉ còn hơn hai tháng nữa là đến Tết 2024, hi vọng với sự chuẩn bị chu đáo của các doanh nghiệp, sự thông minh tỉnh táo lựa chọn đơn vị mua hàng của các gia đình và sựu mẫn cán, làm hết trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước thì Tết Giáp Thìn năm nay sẽ có những chuẩn biến nhất định về mọi mặt, góp phần để cho nhân dân cả nước ăn một cái Tết vui tươi, phấn khởi hiệu quả và tiết kiệm, lấy thành công của việc phục vụ Tết Nguyên Đán để tạo động lực cho việc hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch kinh tế xã hội trong năm 2024 và những năm tiếp theo.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú